Nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc lên ứng dụng hẹn hò không phải để tìm tình yêu cho mình mà chủ động sàng lọc, liên hệ với các gia đình có tiềm năng trở thành thông gia.
Trên một ứng dụng hẹn hò, hồ sơ một cô gái sinh năm 1994 được cha mẹ đăng tải: “Tốt nghiệp cao đẳng, làm tại doanh nghiệp xây dựng, thu nhập 50.000-100.000 tệ một năm, cao 1,7 m, tính tình hiền lành, rộng lượng”.
Lời nhắn “mong tìm được một nửa phù hợp cho con” lý giải cho làn sóng ứng dụng hẹn hò mới tại Trung Quốc, nơi người dùng chính là phụ huynh. Các nền tảng này cho phép họ tạo hồ sơ, lọc ứng viên và chủ động liên hệ với gia đình khác.
Các nền tảng như Perfect In-laws hay Family Match được thiết kế cho người dùng trung niên với giao diện chữ lớn, đơn giản. Bộ lọc ưu tiên các tiêu chí thực tế như học vấn, thu nhập, sở hữu nhà đất và hộ khẩu. Một số còn cung cấp dịch vụ ngoại tuyến như phỏng vấn qua điện thoại, chuyên gia mai mối để thẩm định và kết nối các gia đình.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc tự lên ứng dụng hẹn hò để tìm “thông gia”, chủ động sàng lọc, liên hệ với các gia đình tiềm năng khi con cái trì hoãn kết hôn. Ảnh: VCG
Tỷ lệ kết hôn giảm, ngày càng nhiều người trẻ trì hoãn lập gia đình khiến các cha mẹ sốt ruột. Họ lo lắng về người nối dõi và cho rằng con mình quá bận hoặc thụ động. Một số người trẻ chấp nhận, nhưng nhiều người phản đối vì không muốn bị kiểm soát hay áp đặt các giá trị bị cho là lỗi thời.
Bà Huang Yixuan, người sáng lập công ty mai mối Jinsheng Youxing ở Thành Đô, cho biết từ 2019, phụ huynh đã trở thành nhóm khách hàng chính, hiện chiếm 65% người dùng. “Cha mẹ của những người độc thân tuổi 28-38 thường cảm thấy cấp bách hơn con cái”, bà Huang nói.
Sự cấp bách này đã thay đổi ngành công nghiệp hẹn hò trực tuyến của Trung Quốc. Theo iiMedia Research, thị trường này tăng từ khoảng 373 triệu USD năm 2014 lên 1,3 tỷ USD năm 2023. Thay vì khuyến khích con hẹn hò, nhiều phụ huynh tự mình đảm nhận các giai đoạn đầu. Các chuyên gia mô tả đây không phải hôn nhân sắp đặt, mà là quy trình “gia đình đi trước một bước”.
Quyết định cuối cùng vẫn có thể thuộc về người con, nhưng phần lớn quá trình đã diễn ra. Trong hầu hết gia đình, kết quả là một sự dung hòa: cha mẹ thúc ép, con cái phản kháng và cuối cùng, cả hai bên cùng điều chỉnh.
Nancy Xu, 27 tuổi ở Quảng Đông, sững sờ khi cha mẹ gửi cho cô loạt hồ sơ các chàng trai qua WeChat kèm tin nhắn: “Rảnh thì xem”.
“Phụ huynh sẽ sàng lọc ứng viên trước, khi thấy phù hợp rồi mới nói với con cái”, cô giải thích. Mỗi ngày, cha mẹ Xu đều gửi một hồ sơ mới. Khi cô trả lời ngắn gọn, họ phàn nàn cô không cố gắng, thậm chí chê tin nhắn của cô cứng nhắc và so sánh với sự nồng nhiệt của họ với gia đình đối phương. “Sự thúc giục liên tục khiến tôi ngột ngạt”, Xu nói.
Dù phản đối, Xu thừa nhận một lợi thế các lựa chọn của cha mẹ thường có điều kiện vật chất tốt hơn, bởi họ ưu tiên học vấn và gia cảnh, những điều Xu và bạn bè ít coi trọng hơn ngoại hình.
Ngoài đời thực, nhiều bậc cha mẹ cũng chung ưu tiên này nhưng không phải ai cũng tin vào trung gian kỹ thuật số. Cuối tuần tháng 5, hàng chục phụ huynh tập trung ở góc mai mối tại Công viên Nhân dân Thượng Hải. Trong 17 người được phỏng vấn, chỉ ba người từng dùng ứng dụng. “Không thể tin hồ sơ trên đó”, một người mẹ nói. Hầu hết cho rằng gặp mặt trực tiếp vẫn thẳng thắn và nghiêm túc hơn.
Những người khác thì thận trọng thử nghiệm. Bà Li Dengyun, 52 tuổi, ở tỉnh An Huy, dành một năm tìm đối tượng cho con gái 26 tuổi. Con gái bà không vội, nhưng bà thì có. Bắt đầu từ việc nhờ bạn bè, người thân, khi các mối giới thiệu cạn dần, bà được gợi ý dùng ứng dụng Family Match. Dù hứng thú với danh sách ứng viên có bằng cấp, công việc tốt, bà vẫn do dự vì sợ lừa đảo. Cuối cùng, bà Li chỉ đăng hồ sơ của con gái như một bước thăm dò.

Các bậc phụ huynh bày hồ sơ mai mối cho con cái họ tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải, năm 2023. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg/VCG
Trên ứng dụng Hongxian Qinjia, phụ huynh nhập thông tin, xác minh danh tính và nhận 20 hồ sơ đề xuất mỗi ngày. Để tăng tốc, họ có thể trả phí cho các gói “Siêu đề xuất” hay gói thành viên năm (365 tệ) để mở khóa các đặc quyền như gửi tin nhắn và liên hệ không giới hạn.
“Sau khi phụ huynh hiểu dịch vụ, họ thường chủ động giới thiệu con cái. Mô hình này làm tăng đáng kể tỷ lệ thành công”, bà Huang Yixuan, nhà sáng lập ứng dụng, cho biết. Bà chỉ ra hai cặp kết hôn chỉ sau 35-41 ngày gặp mặt, bởi các gia đình có hoàn cảnh tương đồng. Bởi ở thị trường hôn nhân Trung Quốc, nguyên tắc môn đăng hộ đối vẫn có trọng lượng đáng kể.
Nhà xã hội học Du Shichao, từ Đại học Phúc Đán, cho rằng đây là bước tiến mới trong lịch sử mai mối lâu đời của Trung Quốc, từ sắp đặt đến giới thiệu trực tiếp và giờ là trực tuyến.
Tuy nhiên, ông cho rằng các nền tảng này hoạt động như một cuộc đàm phán hơn là hẹn hò. “Đó là hai thế giới kỹ thuật số riêng biệt. Tôi nghĩ các bậc cha mẹ chỉ đang tự giải trí thôi”, ông Du nói, nhưng nhấn mạnh quyết định cuối cùng vẫn thuộc về những người con, dù họ không miễn nhiễm với áp lực.
Điều đó đúng với Nancy Xu. Gần đây, cô chia tay bạn trai sau khi cha mẹ cho rằng gia đình anh không phù hợp. Khi họ giục “tìm người tiếp theo ngay”, cô phản kháng: “Sao cha mẹ không chọn một người rồi gọi con đến ký giấy đăng ký kết hôn luôn đi?”.
Giờ họ dọa cắt hỗ trợ tài chính nếu cô không hợp tác. “Khi nào độc lập tài chính, tôi sẽ không phải thỏa hiệp. Nhưng giờ tôi không có tiếng nói”, Xu nói.
Minh Phương (Theo SixthTone)