
Con tôi hứng thú vì được thử thách toàn diện với một đề thi yêu cầu tư duy thực tế, thay vì quá dễ để ai cũng điểm cao.
Giống như tác giả bài viết “” tôi và con cũng đang trải qua đủ cung bậc cảm xúc trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mọi thứ bắt đầu từ kỳ thi IELTS rồi chúng tôi nghe tin chỉ được quy đổi không quá 10%. Tiếp nữa là tới thi đánh giá năng lực đợt một khi con tôi đạt điểm khá cao nên quyết định không thi đợt 2. Ai ngờ đợt hai lại xuất hiện “mưa điểm” trên 900, khiến con tôi phải đua tiếp kỳ thi tốt nghiệp. Cuối cùng là con phải chuyển tổ hợp thi từ A00 sang A01 vào phút chót. Có thể nói, con tôi đã ôm trọn “combo xui” trong kỳ thi năm nay.
Sáng ngày đưa con đi thi, tôi chỉ dặn con một điều: “Mình chỉ thua khi bỏ cuộc. Ở chặng nước rút, điều quan trọng không chỉ là kiến thức mà là kỹ năng và chiến thuật, đặc biệt là cách quản lý thời gian trong phòng thi. Đừng sợ bỏ qua câu khó, cứ bình tĩnh làm hết phần mình chắc trước”.
Con tôi đánh giá rất cao đề thi năm nay. Con nói “đề thi phân loại tốt, học sinh yếu vẫn có thể vượt qua, học sinh giỏi có cơ hội thể hiện”. Theo con, đề này vẫn “chừa” khoảng 2 điểm cho nhóm xuất sắc – đó là sự phân tầng hợp lý và cần thiết. Con cũng rất hứng thú vì được “so tài” thật sự, yêu cầu tư duy thực tế và mức độ thử thách toàn diện, thay vì làm đề dễ để ai cũng điểm cao.
Cháu còn chia sẻ đề Tiếng Anh cho một bạn trong nhóm chơi game đang học lớp 11 chuyên Anh trường thường. Và kết quả người bạn ấy làm được 9,5 điểm. Các bạn trong nhóm cùng thi cũng nhận xét đề không khó để lấy điểm 8 nếu học theo hướng thực tế, có nền tảng đọc hiểu từ tin tức, sách báo. Điều này khiến tôi nghĩ: có thể chính nhóm học thực tế, chủ động tiếp cận ngôn ngữ lại vượt lên so với nhóm chỉ luyện thi, học theo dạng bài mẫu.
>>
Con tôi học trường công, nên hành trình học tiếng Anh là cả một chặng đường hai chiều: vừa học theo chương trình chính thống, vừa phải học thêm theo cách tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên. Rất nhiều lần, con tôi làm bài sai khi áp dụng cách học ngữ pháp rời rạc, so với làm theo kinh nghiệm đọc sách, xem tin tức, tích lũy ngôn ngữ trong ngữ cảnh thật.
Tôi nhận ra vấn đề lớn nhất không nằm ở học sinh mà nằm ở phương pháp dạy học còn lạc hậu và phản ngôn ngữ. Hầu như không giáo viên nào con từng học đi đúng trình tự nghe – nói – đọc – viết. Thay vào đó, tiết học thường bắt đầu bằng bảng tóm tắt từ vựng, công thức ngữ pháp, rồi vào thẳng bài tập khô khan, dịch từng câu sang tiếng Việt, ghi chép rập khuôn.
Khi con vào cấp ba, tôi đã kỳ vọng có sự đổi mới, nhưng phương pháp vẫn như cũ. Trong khi đó, sách giáo khoa đã thiết kế theo hướng hiện đại hơn: có màu sắc, nội dung gần gũi, ứng dụng thực tế. Chỉ tiếc là cách dạy vẫn tiếp tục “photo đề cương đen trắng”, khiến con tôi nhiều lần nản lòng. Tôi chỉ còn biết động viên: “Cứ bám sách giáo khoa, học theo bài bản, còn điểm thì chỉ cần đủ qua môn là được”.
Ở giai đoạn cuối cấp, tôi từng phân vân có nên cho con ôn luyện chuyên sâu theo cách cũ để “chắc ăn” không? Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn đặt niềm tin vào hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và tôi đã không phải hối hận khi đề thi năm nay thực sự là bước ngoặt giúp con thấy rõ giá trị của việc học ngôn ngữ đúng cách.
Con tôi không phải học sinh chuyên, không học trường top, không luyện thi theo trung tâm, nhưng con yêu thích tiếng Anh, tiếp cận ngôn ngữ qua kênh tự nhiên: đọc tin tức, sách báo, xem phim, nghe podcast. Con không bao giờ nghĩ phải có “trình độ cao siêu” mới tiếp cận được tiếng Anh. Có lẽ nhờ vậy mà con tiến bộ và học bền vững.
Tôi không dám nói trước điểm thi của con sẽ thế nào? Nhưng tôi biết chắc một điều: con tôi đã đi trọn hành trình này bằng tất cả tâm thế sẵn sàng và chủ động. Sau nhiều năm học và thi đầy áp lực, ít nhất ở ba năm cấp ba này, con đã có cơ hội được học và thi theo cách mình hứng thú, đó là điều đáng quý nhất.
Thực tế, con tôi đang cân nhắc chọn các trường top giữa hoặc trường tư gần nhà, thay vì top đầu dù điểm dự kiến khá an toàn, đơn giản vì ngành học và điều kiện sống phù hợp hơn. Theo tôi, thay vì lo lắng thái quá chuyện đề khó, các học sinh nên thực tế hơn: tìm hiểu kỹ các trường trong tầm với, đặt nguyện vọng hợp lý để ổn định tinh thần và định hướng dài lâu.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay cũng là lời nhắc cho chúng ta rằng: học sinh không phát triển được trong một ‘chiếc áo’ giáo dục quá chật. Đã đến lúc phải tháo gỡ những lối dạy cứng nhắc, giáo điều và mở đường cho những phương pháp nhân văn, thực tế hơn. Và may mắn thay, con tôi chưa bao giờ bị giới hạn bởi những khuôn mẫu đó nên mới có thể vươn xa hơn.
- Mâu thuẫn độ khó các môn trong đề thi tốt nghiệp THPT
- Tôi bình thản đón nhận điểm thi tốt nghiệp THPT của con
- ‘Ngoại ngữ thành môn thi THPT tự chọn là tất yếu’
- ‘Hai tiêu chí để Tiếng Anh là môn thi THPT bắt buộc’
- ‘Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh’
- Nỗi lo thụt lùi nếu loại Tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc
- ‘Không thể loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT’