Ngày 23.5, Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em (CSWC) phối hợp tổ chức Planète Enfants et Développemnet tại Việt Nam (PE&D tại Việt Nam) triển khai dự án bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra tọa đàm về công tác bảo vệ và phòng chống bóc lột, mua bán trẻ em.
Tội phạm núp bóng các nhóm ‘nhận con nuôi’
Tại sự kiện này, trung tá Nguyễn Bảo Khâm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết tình trạng cảnh báo tình trạng mua bán trẻ em đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Và trên thực tế, đã xuất hiện các thủ đoạn mới như tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán bào thai và trẻ sơ sinh.
Theo trung tá Khâm, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nhiều sản phụ không thể nuôi con do áp lực kinh tế hoặc sợ điều tiếng, một số đối tượng đã tiếp cận họ thông qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội như “Hội cho nhận con nuôi ba miền”, “Hội cho con nuôi”, “Hội cho và nhận con nuôi”… với vỏ bọc nhận con nuôi hoặc hỗ trợ tài chính.
Thực chất, những hội nhóm này là nơi trung gian để mua bán trẻ. Các đối tượng giả làm người hiếm muộn tiếp cận sản phụ, nhận con miễn phí rồi rao bán lại. Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn làm giả giấy tờ như giấy chứng sinh, kết quả xét nghiệm ADN, giấy khai sinh để hợp thức hóa thân phận cho những người mua có nhu cầu.

Trung tá Nguyễn Bảo Khâm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) tham luận tại tọa đàm
ẢNH: P.T.N
Một số trường hợp nghiêm trọng hơn đã ghi nhận hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán trẻ sơ sinh và thậm chí mua chuộc nhân viên trung tâm giám định ADN để đánh tráo mẫu xét nghiệm, giao trẻ cho gia đình hiếm muộn, chiếm đoạt số tiền lớn từ người thuê mang thai hộ.
Đáng chú ý, nhiều người không có ý định xấu nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên vướng lao lý. Trung tá Khâm kể một trường hợp đau lòng: Một phụ nữ khá giả, có 3 con, tham gia hội nhóm cho nhận con nuôi để giúp em chồng hiếm muộn. Sau khi mua một bé để nuôi, chị tiếp tục đặt thêm một bé khác cho em chồng nhưng em chồng từ chối. Người này sau đó rao bán lại bé với giá 20 triệu đồng (dù mua 45 triệu đồng) và bị khởi tố về tội mua bán người.
Tội phạm giả danh, tiếp cận trẻ em qua mạng xã hội
Theo trung tá Khâm, TP.HCM đang đối mặt hậu quả sau đại dịch Covid-19 với nhiều trẻ em mồ côi, tổn thương tâm lý, học tập, kỹ năng sống. Trong đó, tội phạm xâm hại trẻ em đang gia tăng. Các vụ việc như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu trái pháp luật, dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi đang ngày càng có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.
Đối với tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại trẻ em qua mạng xã hội, trung tá Khâm cho rằng thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng lập các phòng “chat” ảo, diễn đàn game online hoặc các tài khoản giả trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Telegram…
Các đối tượng giả mạo thông tin cá nhân, từ tên tuổi, nghề nghiệp đến hình ảnh một cuộc sống giàu có, tử tế, để tiếp cận trẻ em. Các đối tượng thường đóng vai những người tri thức, chu đáo, biết lắng nghe và quan tâm, khiến trẻ nhanh chóng tin tưởng và phụ thuộc về mặt cảm xúc.
Khi đã thiết lập được niềm tin, các đối tượng bắt đầu gợi mở các cuộc trò chuyện về giới tính, dụ dỗ trẻ gửi hình ảnh, video nhạy cảm, đe dọa trẻ phải phục tùng, thậm chí là quan hệ tình dục hoặc giao nộp tiền bạc, nếu không sẽ phát tán hình ảnh trên mạng.
Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dùng chiêu dụ dỗ bằng vật chất như tặng tiền, thẻ game ảo, hoặc hứa hẹn nâng cấp tài khoản game để đổi lấy hình ảnh khỏa thân, video nhạy cảm.
Có trường hợp trẻ bị rủ đến những nơi kín đáo để chụp hình, quay clip rồi bị ép quan hệ, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị đưa vào đường dây môi giới mại dâm hoặc mua bán người.

2 bé gái bị Phạm Huỳnh Nhật Vi dụ dỗ được công an giải cứu và bàn giao cho gia đình
ẢNH: CACC
Điển hình là vụ Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi) dụ dỗ 2 bé gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tháng 4.2024 để quay clip khiêu dâm gửi bạn trai người Mỹ. Vi bị tuyên án 9 năm tù vì tội “chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” và “sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”.
Hay vụ việc liên quan đến một thầy giáo dạy đàn guitar ở Q.Bình Tân, lợi dụng việc dạy học để tiếp cận, tặng quà là game và nâng cấp game cho học trò, sau đó ép buộc, đe dọa quay trẻ khoảng 50 clip khiêu dâm.
Trung tá Khâm cũng cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ trẻ vào các cơ sở kinh doanh nhạy cảm dưới vỏ bọc tuyển dụng việc nhẹ lương cao.
Thực chất đây là chiêu thức lừa đảo nhằm bán nạn nhân, trẻ em vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tại vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, hoặc đưa sang Campuchia, Myanmar để ép buộc làm việc trong các đường dây lừa đảo trực tuyến.
Ngoài ra, trung tá Khâm cũng cho biết hiện tượng chăn dắt trẻ ăn xin, đặc biệt là trẻ em Campuchia nhập cảnh vào TP.HCM để kiếm sống, vẫn diễn ra, chưa được xử lý dứt điểm.
3 nhóm giải pháp chính
Đại diện Công an TP.HCM cũng nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp chính nhằm phòng, chống xâm hại và mua bán trẻ em.
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền và giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho trẻ em, phụ huynh và cộng đồng. Trẻ cần được hướng dẫn cách nhận diện, phản ứng trước những hành vi dụ dỗ, lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ hai, lực lượng công an cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm các vụ xâm hại, mua bán trẻ em; thiết lập đường dây nóng, kiểm tra các điểm dễ phát sinh tội phạm và bảo vệ nạn nhân, người tố giác. Đồng thời, các cơ quan cần mở rộng hợp tác quốc tế để kịp thời giải cứu nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài.
Thứ ba, gia đình giữ vai trò then chốt. Phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con em, quan tâm dấu hiệu bất thường, giáo dục giới tính phù hợp, không để trẻ quá sớm rời xa sự bảo vệ của gia đình khi chưa đủ kỹ năng sống và kiến thức phòng vệ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm
ẢNH: P.T.N
Cơ hội tăng hiệu quả quản lý về công tác trẻ em sau sắp xếp bộ máy
Cũng tại sự kiện này, tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho hay việc sắp xếp lại bộ máy quản lý sau sáp nhập tỉnh, thành và bỏ cấp huyện sẽ giúp tăng hiệu quả xử lý vấn đề trẻ em. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về thách thức biến động nhân sự, đặc biệt là đội ngũ phụ trách trẻ em tại cơ sở.
Do đó, theo tiến sĩ Nhựt, nhà nước cần đào tạo lại, bổ sung nhân sự chuyên trách; xây dựng cơ sở dữ liệu số tích hợp; và thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành phản hồi nhanh từ cấp phường, xã.