Trong khi còn 10 công dân đang chờ đợi làm thủ tục, người này sốt ruột muốn hỏi giấy xác nhận thông tin cư trú có phải làm tại đây hay không? Nữ công chức Tư pháp – Hộ tịch của phường đáp nhanh, hướng dẫn công dân đến cơ quan công an để được hỗ trợ.
Xử lý song song hai loại hồ sơ
Đồng hồ điểm 9h, chị Thu Hà đã tiếp được 15 lượt công dân qua cửa Tư pháp – Hộ tịch. Số người đến nói “bác hỏi, chị hỏi, em hỏi, cháu hỏi…” không thể đếm xuể. Trên màn hình máy tính của chị lúc đó cũng hiển thị 17 thủ tục online cần xử lý.
“Ngoài tiếp nhận hồ sơ của công dân trực tiếp, chúng tôi còn liên tục xử lý các thủ tục online trên hệ thống. Không có công dân đến trực tiếp không có nghĩa chúng tôi đang rảnh mà luôn phải xử lý song song hai loại hồ sơ”, nữ công chức phường 19 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, những công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công số 1 của phường Hồng Hà đã thạo thêm hàng trăm nhiệm vụ chuyển từ cấp quận, phân cấp từ tỉnh về phường.
Trung tâm phục vụ hành chính công là 1 trong 4 phòng và đơn vị tương đương của bộ máy xã, phường mới. Ngoài trung tâm này, các xã, phường còn Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa – Xã hội.
Để có thể bước vào công việc mới thuận lợi, không bị vướng mắc, trước ngày 1/7, công chức các phường ở Hà Nội đã được trải qua những lớp tập huấn kỹ lưỡng. Đặc biệt khi trọng trách đặt lên vai nặng nề hơn, bản thân mỗi cán bộ đều chủ động cập nhật, trau dồi những văn bản pháp luật mới, nhiệm vụ mới liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách.
Có như vậy, khi khởi động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa từng có tiền lệ mới có thể nhịp nhàng, người dân được giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả hơn.
Làm hết việc chứ không hết giờ
Nếu như trước đây chỉ tiếp khoảng 30 công dân mỗi ngày, thì nay với địa bàn rộng lớn hơn, mỗi công chức phường Hồng Hà xử lý 100 hồ sơ mỗi ngày trực tiếp, chưa kể thủ tục online.
Phường Hồng Hà mới là địa bàn đặc thù trải dài với diện tích tự nhiên hơn 15km2 và dân số hơn 123.000 người. Phường được hợp nhất từ phường Chương Dương, Phúc Tân, Phúc Xá cũ… Ngoài Trung tâm phục vụ hành chính công số 1 đặt tại phường Tứ Liên cũ thì còn 3 điểm được đặt tại phường Bạch Đằng, Phúc Xá, Chương Dương cũ.
Chị Thu Hà cho biết: “Khối lượng công việc của mỗi công chức cứ nhân lên gấp nhiều lần. Trước đây có thể hết giờ làm việc sẽ được về nhà, còn bây giờ chúng tôi phải hoàn thành công việc mới được nghỉ, bất kể lúc đó có là 21h”.
Nữ công chức nhớ lại những ngày chuẩn bị vận hành chính quyền hai cấp, 7h bắt đầu làm việc đến 23h cả phường vẫn sáng đèn để chuẩn bị chu tất việc niêm yết, công bố thủ tục hành chính… cho phường mới.

Công việc bộn bề hơn, công chức như chị Thu Hà cố gắng làm việc hết công suất đáp ứng yêu cầu công việc (Ảnh: HL).
Với địa bàn rộng lớn, công chức Hộ tịch – Tư pháp cho biết người dân ở đây có nhu cầu rất nhiều về đất đai, hộ tịch. Một ngày xoay vòng trong loạt hồ sơ của người dân đang chờ xử lý, chị Thu Hà chưa thấy lúc nào được ngơi tay.
Trước đây, chị là công chức Tư pháp – Hộ tịch của phường Tứ Liên cũ chỉ vỏn vẹn 18.000 dân. Hiện nay, số dân cư trên địa bàn được phụ trách gấp 4 lần trước đây. Để xử lý nhanh chóng hồ sơ, những cán bộ, công chức thường bắt đầu làm việc sớm hơn 30 phút. Tranh thủ thời gian ăn trưa nhanh chóng, chị lại bắt tay vào xử lý hồ sơ online. Đến đêm, chị vẫn tiếp tục công việc để phân loại thủ tục mà người dân nộp trực tuyến vào chiều tối.
Theo công chức này, ngoài các thủ tục khác có thời hạn xử lý, thì thủ tục khai tử, báo tử sẽ làm ngay ở trụ sở chính để người dân có thể nhận sớm. Bên cạnh đó, để công dân sớm bổ sung hồ sơ còn thiếu hay nhận kết quả, những công chức như chị Hà cố gắng hết mình làm trọn vẹn nhiệm vụ, thay đổi tư duy làm việc “không có hết giờ mà phải xử lý hết việc mới về”.
2 phút một thủ tục
Công chức Văn hóa – Xã hội của phường Hồng Hà Lê Thị Ngoan vốn chỉ phụ trách mảng lao động thì sau khi sáp nhập phường mới lại phải bao quát toàn bộ công việc liên quan đến mảng y tế, giáo dục, nội vụ, văn hóa, thông tin.
Riêng lĩnh vực văn hóa, xã hội, chị nhẩm tính cũng có rất nhiều thủ tục được chuyển từ cấp huyện về phường như từ các thủ tục kiểm tra cửa hàng, giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm đến quy trình thành lập nhóm trẻ, trường mới trên địa bàn cũng được cán bộ phường tiếp nhận.


Hiện nay, việc giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa. Nhiều thủ tục công dân có thể nộp hồ sơ online và chờ ngày nhận kết quả tại phường. Chị Ngoan hi vọng hệ thống vận hành trơn tru, sẽ hỗ trợ đắc lực, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho công chức, cũng như giúp người dân sớm nhận các thủ tục hành chính đang cần.
Vừa tốt nghiệp THCS, em Đào Linh Đan cũng đến phường Hồng Hà để làm bản sao công chứng bằng tốt nghiệp, làm hồ sơ vào lớp 10 công lập. Linh Đan chia sẻ chỉ mất 2 phút đã nộp xong giấy giờ và chỉ chờ buổi chiều quay lại nhận kết quả. Đây là lần đầu tiên đi làm thủ tục hành chính tại phường mới nhưng em được công chức phường hỗ trợ rất nhanh chóng.
Tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ ở TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết từ 1/7 đến nay, các địa phương đã vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp khoảng 2 tuần.
Kết quả bước đầu cho thấy các tỉnh, thành vận hành bộ máy mới hanh thông, suôn sẻ, không có những gián đoạn, trục trặc lớn, theo lời Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: CTV).
Tinh thần gương mẫu, trách nhiệm đi đầu của các lãnh đạo từ bí thư đến chủ tịch UBND trong việc tập trung cao độ, giải quyết những vấn đề cụ thể với mục tiêu cao nhất quan tâm phục vụ người dân tốt hơn từ lúc thử nghiệm cho đến khi đi vào vận hành, cũng là điều được Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các địa phương tổng rà soát tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, ban hành các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, xã, từ đó có cơ sở pháp lý thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình.
Các địa phương cần chú ý hạ tầng kỹ thuật, rà soát đồng bộ để thống nhất hệ thống của tỉnh, xã thông suốt, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính với mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tập trung tập huấn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu.