Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp

Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp

bởi

trong
Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp

Với 452/452 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (100%), Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 – Ảnh: GIA HÂN

Ngày 5-5, ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết liên quan việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.

Việc sửa đổi tập trung vào 2 nhóm

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội.

Nhóm thứ hai là các quy định tại Chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Cũng theo dự kiến lần này sẽ sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30-6 để có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Ông Mẫn cho hay việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được tiến hành trong 30 ngày (một tháng). Dự kiến bắt đầu từ hôm nay (6-5) sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Công tác tổng hợp sẽ được thực hiện trong năm ngày. Chính phủ và MTTQ Việt Nam sẽ được giao thực hiện nhiệm vụ này.

Hiến pháp - Ảnh 2.

Thông tin: THÀNH CHUNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lấy ý kiến công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất

Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được các đại biểu rất quan tâm thảo luận cả ở tổ và hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp.

Qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia chủ động và tích cực của nhân dân.

Việc tổ chức lấy ý kiến cần được tổ chức công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời có sự hướng dẫn, chủ trì của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội.

“Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh đất nước, quyền lợi chính đáng của nhân dân nên đề nghị Quốc hội và các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội với quá trình sửa đổi”, bà Lan Anh nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng việc lấy và tiếp thu ý kiến của nhân dân khi sửa Hiến pháp hết sức quan trọng, cần thiết.

Ông đề nghị Ủy ban dự thảo cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, chuyên gia pháp luật của cả Việt Nam, quốc tế, chuyên gia của MTTQ… “Đó là những người hiểu biết nên sẽ có những ý kiến sắc bén, góp phần vào sửa đổi”, ông Trí nêu.

Ông cho rằng tọa đàm nên tổ chức theo từng nhóm, chủ đề, nội dung cụ thể để các chuyên gia phân tích, thảo luận các vấn đề thấu đáo. Ông đề nghị bổ sung nội dung này vào văn bản nào đó để triển khai.

Hiến pháp - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 – Ảnh: GIA HÂN

Sẽ lấy ý kiến qua VNeID

Giải trình ý kiến của các đại biểu thảo luận về các dự thảo nghị quyết liên quan sửa đổi Hiến pháp vào chiều 5-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay dự kiến trong lần lấy ý kiến nhân dân này sẽ áp dụng phương thức lấy ý kiến rất mới là thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Việc này để lấy ý kiến nhân dân nhanh, đầy đủ để tổ chức tiếp thu, giải trình đáp ứng bối cảnh, thời gian khẩn trương. Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, quản lý, sử dụng ứng dụng này. Do vậy trong thành phần Ủy ban dự thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công an.

Ông Tùng thông tin Ủy ban dự thảo Hiến pháp dự kiến ngay cuộc họp chiều 5-5 sẽ thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo. Kế hoạch quy định rất cụ thể lộ trình, các công việc cần triển khai, trách nhiệm các cơ quan, các công việc thực hiện.

Việc này để đảm bảo lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp toàn diện, thực chất và trách nhiệm tổng hợp, giải trình thấu đáo, toàn diện. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các bộ ngành, trong đó có việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo.

Tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị

Ngày 5-5, Quốc hội cũng quyết nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo danh sách, ủy ban có 15 thành viên, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn – chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 – đã chủ trì phiên họp ủy ban lần thứ nhất. Tại phiên họp đã thông qua sáu văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của ủy ban.

Ông Mẫn chỉ đạo bắt đầu từ ngày 6-5 sẽ tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các cơ quan báo chí Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương.

Đồng thời yêu cầu đẩy mạnh và không ngừng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị.

Tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng điện tử VNeID.

Sửa đổi một số điều, đại hội sau sẽ tính việc sửa đổi căn bản

Nêu ý kiến phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết hiện tại nhưng phải được thực hiện đảm bảo đúng quy trình theo đúng quy định và lấy ý kiến của nhân dân.

Theo Tổng Bí thư, lần sửa này chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp nhưng các cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị hết sức chu đáo.

Ông mong các đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân để tập trung thảo luận, sửa đổi một số điều của Hiến pháp và xây dựng pháp luật.

Ông thông tin thêm nếu có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản nhưng chắc phải đến kỳ đại hội sau mới tính đến việc này.

Việc này sẽ dựa trên đánh giá toàn diện về cương lĩnh và định hướng phát triển sâu rộng của đất nước sau 40 năm đổi mới, nhằm đảm bảo phù hợp với các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Kỳ vọng của người dân

Dõi theo kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều người kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này mở đường cho việc sắp xếp bộ máy và sẽ đem lại nhiều thuận lợi mới cho người dân.

Bà Tăng Thị Trúc Uyên (người dân Đà Nẵng):

Mở ra cơ hội lớn

Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp - Ảnh 3.

Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ mở đường cho việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng mà còn mang yếu tố hội nhập khi mà nhiều nước trên thế gới cũng áp dụng mô hình chính quyền ba cấp.

Khi bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, đất nước sẽ tiết kiệm được nguồn lực, tập trung cho giáo dục, y tế, hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.

Tôi tin tưởng mọi thay đổi đều đặt mục tiêu vì dân, để đất nước phát triển bền vững và người dân ngày càng hạnh phúc.

Bà Trần Thị Thu Thảo (viên chức Đà Nẵng):

Tác động đến xã hội sâu sắc

Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp - Ảnh 3.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này để sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính là việc vô cùng hệ trọng và có tác động đến hệ thống chính trị và xã hội sâu sắc.

Với những định hướng mới để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đảm bảo đà tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới thì việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy cho hiệu quả, hiệu năng đã được các cấp các ngành triển khai gấp rút trong thời gian qua.

Tôi kỳ vọng lớn với chủ trương sắp xếp lại các tỉnh thành và bỏ cấp huyện sẽ không chỉ giúp bộ máy tinh gọn hơn mà còn chọn ra bộ máy phù hợp vận hành xã hội trong giai đoạn tới.

Như các chia sẻ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì việc sắp xếp bộ máy, không gian tỉnh thành để tạo ra không gian mới cho từng vùng phát triển, đồng thời hướng đến chính quyền cơ sở sát dân, phục vụ lợi ích của người dân tốt hơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (người dân TP.HCM):

Giải quyết thủ tục, giấy tờ người dân thuận lợi hơn

Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp - Ảnh 3.

Tôi hiện cư ngụ tại khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12. Hiện nay tôi nắm được thông tin phường Hiệp Thành sẽ sáp nhập cùng phường Tân Thới Hiệp thành phường mới là Tân Thới Hiệp.

Tôi mong muốn Quốc hội họp để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sớm để bộ máy chính quyền được hoàn thiện, bảo đảm ổn định đầu mối quản lý địa phương và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được thông suốt.

Gia đình tôi từ hơn một năm qua đang trông chờ địa phương giải quyết việc cấp sổ đỏ lần đầu cho nhà đất của tôi.

Trước đó triển khai thực hiện chủ trương cấp sổ đỏ cho nhà đất chưa được cấp sổ, phường có triển khai đến từng khu phố (lúc đó là khu phố 1) để tổ chức hướng dẫn, thu nhận giấy tờ cho các hộ dân.

Vì vậy tôi mong sau khi sửa đổi Hiến pháp, bộ máy chính quyền phường xã được hoàn thiện, bảo đảm giải quyết thủ tục cho dân.

TS Nguyễn Vinh Huy (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Mong chính quyền hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp

Công khai lấy ý kiến dân về sửa Hiến pháp - Ảnh 3.

Dịp này Quốc hội họp để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 có mục đích tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất quan tâm bởi lẽ việc hoàn thiện bộ máy là cơ sở kéo theo hoàn thiện các đầu mối cơ quan chức năng, bảo đảm hoạt động thông suốt, giải quyết các thủ tục trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Dù doanh nghiệp đang đối mặt với các áp lực từ việc tinh gọn bộ máy cũng như chính sách tăng thuế của Mỹ, nhưng về tổng thể ghi nhận từ các doanh nghiệp, tôi nhận thấy các doanh nghiệp đều ủng hộ công cuộc tinh gọn bộ máy.

Vì vậy sau kết quả sửa đổi, bổ sung Hiến pháp từ kỳ họp của Quốc hội, tôi rất mong các công việc triển khai hoàn thiện bộ máy tiếp theo được thực hiện khẩn trương, hiệu quả để từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.

Các đầu mối giải quyết thủ tục hoạt động trơn tru thì doanh nghiệp mới khuếch trương hoạt động, đầu tư tốt hơn.