Gạt bỏ những lo lắng ban đầu
Nhiều bản cách trung tâm xã Trà Tập hàng chục cây số đường rừng nên thông tin nhiều lúc chưa thể đến được với người dân. Xã Trà Tập, địa bàn rộng lớn sau khi hợp nhất từ 2 xã Trà Cang và Trà Tập (H.Nam Trà My, Quảng Nam cũ), nên muốn truyền tải thông tin đến người dân là một thách thức không nhỏ. Anh Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi đoàn xã Trà Tập, cho biết trước thực tế trên các tổ lưu động đã được thành lập, với nòng cốt là những đoàn viên, thanh niên xung kích.

Sự hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên giúp người dân xóa bỏ những bỡ ngỡ ban đầu
ẢNH: NAM THỊNH
Hằng ngày, khoảng 10 đoàn viên, thanh niên túc trực tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Trà Tập, miệt mài hướng dẫn người dân cách điền biểu mẫu, tạo tài khoản định danh điện tử, kê khai thông tin cá nhân và tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ. Với những người lớn tuổi không quen sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính, các bạn trẻ sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận tình từng thao tác.
Công việc không chỉ dừng lại ở trung tâm xã. Một tổ khác được cắt cử đi vào tận các bản làng xa xôi. Họ “cõng” thông tin về chính quyền 2 cấp đến với từng hộ dân, đồng thời thu nhận hồ sơ để mang về trung tâm xã làm thủ tục giúp bà con.
“Chiến dịch này sẽ được duy trì xuyên suốt trong mùa hè tình nguyện năm nay. Qua đó không chỉ giúp người dân tiếp cận thủ tục hành chính dễ dàng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền gần dân, thân thiện, sẵn sàng phục vụ”, anh Thanh nói. Theo anh Thanh, việc đồng hành, hướng dẫn người dân không chỉ giúp họ an tâm, mạnh dạn đến cơ quan nhà nước khi có nhu cầu mà còn là cách để các đoàn viên, thanh niên cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm.
Hồ Văn Dũng, đoàn viên Chi đoàn xã Trà Tập, không quản ngại ngày đêm tìm đến từng nóc nhà, bản làng. “Nhiều cụ già không biết chữ, cũng không biết tiếng phổ thông nhiều nên chúng em phải dùng tiếng Xê Đăng của người đồng bào ở đây để giải thích, hướng dẫn cụ thể từng bước”, Dũng chia sẻ.

Đoàn viên, thanh niên xã biên giới La Êê hỗ trợ người dân khi đến làm các thủ tục hành chính
ẢNH: NAM THỊNH
Hồ Hồng Dương, đoàn viên Chi đoàn xã Trà Tập, phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ, băng rừng, lội suối. Nhưng không vì thế mà nản lòng, vì hơn ai hết, những người trẻ biết bà con đang rất cần được nắm rõ thông tin. “Đối với chúng em, một chút khó khăn đó không là gì cả. Điều chúng em thấy hạnh phúc hơn hết là đã đưa thông tin đến được với những người dân vùng khó khăn, giúp họ gạt bỏ những lo lắng ban đầu để bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số hiện nay, góp phần xây dựng một xã hội số toàn diện và không bỏ lại ai phía sau”, Dương tâm sự.
Anh Hồ Văn Niêm (46 tuổi, ở xã Trà Tập) cho hay trước đây mỗi lần đến trung tâm xã làm thủ tục, anh khá lo lắng vì không biết phải ghi sao cho đúng. Nay có mấy bạn trẻ hướng dẫn tận tình nên mọi thủ tục được làm xong một cách nhanh chóng và thuận tiện. “Mình người đồng bào thiểu số, nói tiếng phổ thông chưa rành, nhưng các em vẫn hiểu, nói chậm, chỉ kỹ nên thấy vui, yên tâm và biết ơn lắm”, anh Niêm bày tỏ.

Đoàn viên, thanh niên xã Trà Tập hỗ trợ, hướng dẫn người dân khi đến làm các thủ tục tại trung tâm phục vụ hành chính công xã
ẢNH: NAM THỊNH

Người trẻ xã Trà Tập vào tận bản hỗ trợ người dân cài đặt các phần mềm trên điện thoại thông minh
ẢNH: NAM THỊNH
HÌNH ẢNH ĐẸP THỜI ĐẠI SỐ
Tại xã Phước Trà (hợp nhất từ xã Sông Trà, Phước Gia và Phước Trà, H.Hiệp Đức, Quảng Nam cũ), để hỗ trợ người dân và hoạt động hành chính, chính quyền địa phương đã thành lập tổ ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ gồm 5 thành viên và 8 đội ứng cứu ở 8 thôn với tổng số 44 thành viên, chủ yếu là lực lượng đoàn viên, thanh niên. Các thành viên trong tổ đã trực tiếp đến từng khu dân cư, gia đình chính sách, người cao tuổi… để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng VNeID mức 2. Đồng thời, xử lý sự cố cấp cơ sở, tiếp nhận và xử lý ban đầu các sự cố đơn giản về hạ tầng, thiết bị.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Trà, đánh giá sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng đoàn viên, thanh niên đóng vai trò nòng cốt đã giúp người dân nắm bắt được chủ trương lớn. “Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, giúp bà con tiếp cận và sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Đặc biệt, đội hình thanh niên xung kích đã thể hiện vai trò tiên phong, gần dân, sát dân, lan tỏa hình ảnh đẹp của tuổi trẻ trong thời đại số”, ông Liêm nói.
Tại xã biên giới La Êê (hợp nhất từ xã La Êê và Chơ Chun, H.Nam Giang, Quảng Nam cũ), hình ảnh đoàn viên, thanh niên kiên nhẫn giải thích cho từng người về địa danh mới của thôn mình, hướng dẫn làm các thủ tục như đất đai, giấy khai sinh… đã trở nên quen thuộc. Ông Nguyễn Đăng Chương, Bí thư Đảng ủy xã La Êê, cho biết khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, xã đã thành lập nhiều tổ cộng đồng để hỗ trợ người dân. Một tổ cơ động gồm những bạn trẻ chủ yếu tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin sẽ vào tận thôn, bản để hướng dẫn bà con làm thủ tục.
“La Êê là một xã biên giới nên giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc tiếp cận các thông tin đối với bà con còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn đoàn viên, thanh niên thời gian qua đã giúp bà con gạt bỏ những lo lắng ban đầu, tin tưởng và đồng thuận hơn với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, ông Chương chia sẻ.