Cử nhân về quê trở thành ‘ngôi sao nuôi lợn’

Cử nhân về quê trở thành ‘ngôi sao nuôi lợn’

bởi

trong

Trung QuốcMỗi sáng, Sun Shuangshuang, 26 tuổi, vác bao ngô 40 kg đến chuồng lợn ở ngôi làng nhỏ thuộc huyện Yingshan, tỉnh Hồ Bắc, rồi trồng rau, nấu ăn.

Hình ảnh này đối lập với cô Sun nhân viên văn phòng ở Vũ Hán, bốn năm trước. Cô từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Hồ Bắc, chuyên ngành điện tử và truyền thông. Tuy nhiên, thành thị không khiến cô hạnh phúc. Ở Vũ Hán, Sun sống dựa vào đồ ăn nhanh, bận đến mức không có thời gian để đi vệ sinh, căng thẳng và lâm bệnh.

“Đó là lúc tôi nhận ra cuộc sống có nhiều lựa chọn và cởi bỏ chiếc áo cử nhân”, Sun nói. Cô về quê nuôi lợn và lập tài khoản Douyin mang tên Black Pig Run Run, thu hút 626.000 người theo dõi cuộc sống thường ngày.





Cử nhân về quê trở thành ‘ngôi sao nuôi lợn’

Sun Shuangshuang cho lợn ăn tại trang trại ở huyện Yingshan, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Họ tò mò về cô gái bỏ phố về quê, rời văn phòng để sống với chuồng lợn. Cô áp dụng kiến thức chuyên môn để mở rộng thị trường, quảng bá giá trị nông thôn.

Sun có video đầu tiên thu hút hai triệu lượt xem, ghi cảnh cô quét mái chuồng giữa đàn lợn đen. Hashtag “sinh viên đại học nuôi lợn” gây chú ý nhờ sự đối lập lạ lẫm, nhưng điều giữ chân khán giả là cuộc sống nông thôn gần gũi.

“Mọi người thích xem những khoảnh khắc đời thường như làm vườn, nấu ăn, vác thức ăn”. Sun kể. Người theo dõi cô đa số là giới trẻ, khao khát lối sống thong thả và tự do. Một số người để lại bình luận rằng họ ngưỡng mộ sự can đảm của Sun.

Mỗi tuần, cô livestream 30 phút, bán được hai con lợn. Trước Tết Nguyên đán cô đã bán 30 con lợn đen cho khách hàng khắp cả nước.

Nhưng hành trình khởi nghiệp nghề nuôi lợn không suôn sẻ như nhiều người tưởng. Tháng 7/2023, dịch sốt lợn bùng phát, tàn phá trang trại khiến cô muốn bỏ cuộc, quay lại thành phố tìm việc.





Cô gái trở thành ngôi sao nuôi lợn - 1

Sun Shuangshuang bên đàn lợn ở huyện Yingshan, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Nhưng đúng lúc khó khăn, cô nhận được hỗ trợ. Cục Công nghệ và Nông nghiệp Yingshan cử chuyên gia đến kiểm soát dịch và phục hồi. Chủ tịch hiệp hội thương mại điện tử địa phương hỗ trợ cải thiện khâu hậu cần, còn chính quyền huyện cam kết tài trợ một triệu nhân dân tệ xây dựng trang trại mới.

“Họ nói với tôi trở về quê không dễ với người trẻ”, Sun kể. Sự giúp đỡ ấy khiến cô quyết tâm gắn bó với nông thôn. Trang trại mới đang xây dựng, gồm ba chuồng hiện đại, sức chứa 1.200 con và hệ thống cho ăn cơ giới.

“Trước đây, tôi làm nhỏ lẻ, manh mún nhưng giờ là lúc nâng cấp”, cô nói. Sun cũng hài lòng khi khu công nghiệp thương mại điện tử địa phương giúp giảm 30% chi phí vận chuyển toàn quốc.

Mỗi hai tuần, cô livestream bán nông sản địa phương như đậu khô, dầu cải, hoa cúc dại và nhiều mặt hàng khác. Một người nuôi gà huyện lân cận thấy đơn đặt hàng trứng tăng vọt sau khi được Sun giới thiệu trong video. Đến nay, cô đã giúp hơn 50 hộ bán được trên 50.000 nhân dân tệ hàng thủ công. Ban đầu, họ không tin cô có thể bán rau, khô cho đến phiên livestream đầu tiên.

“Tôi lớn lên cùng ông bà, từng là trẻ bị bỏ rơi và nhờ học bổng mà được vào đại học, từ đó hiểu rõ giá trị của sự giúp đỡ”, cô nói.

Ngọc Ngân (Theo China Daily)