Sau nhiều ngày mưa liên tiếp, con đường đất dẫn vào huyện Chiêm Hóa lầy lội, nhão nhoét. Do không “quen thung quen thổ”, xe của đoàn công tác bị sa lầy giữa đường rừng. Bùn ngập đến ngang bánh xe, chúng tôi loay hoay cả giờ đồng hồ nhưng chiếc xe không hề nhúc nhích, thậm chí càng lúc càng lún sâu.
Thời gian trôi dần về cuối ngày, mây đen vần vũ trên bầu trời, đường rừng vắng vẻ không một bóng người qua lại. Giữa lúc chúng tôi đang hoang mang tột độ, một chàng trai trẻ bất ngờ xuất hiện như một… định mệnh.
Nghe tiếng xe máy từ xa vọng lại, tôi và anh lái xe cùng đứng bật dậy. Không để chúng tôi thất vọng, một chàng trai trẻ ăn mặc chỉnh tề dừng lại, chủ động hỏi han rồi xắn tay áo cùng chúng tôi đẩy xe.
Tuy nhiên, do lún quá sâu, chiếc xe vẫn chẳng thể tiến lên được. Quan sát một lượt, chàng trai nói: “Em đi dự đám cưới, nhưng đến sau cũng được. Để em về bản lấy cái xẻng ra xúc hết bùn, xe sẽ đi được…”.

Chàng trai dân tộc Tày, Quan Văn Tuyên trong lần đến thăm báo Dân trí (Ảnh: Hương Hồng).
Khi chiếc xe đang từ từ thoát khỏi hố bùn, bất ngờ chàng trai đưa tay vuốt ngực, thở dốc rồi ngồi bệt xuống con đường đầy bùn đất. Nhận thấy sự lo lắng của chúng tôi, chàng trai trẻ “trấn an”: “Chắc lâu rồi không làm việc nặng nên hôm nay em thấy hơi choáng. Nhưng không sao đâu ạ, em nghỉ ngơi một lát là ổn thôi…”.
Phóng viên gặng hỏi một hồi, chàng trai trẻ mới rụt rè chia sẻ mình là Quan Văn Tuyên, 24 tuổi, người dân tộc Tày, sống ở thôn Ón Cáy, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Một năm trước, Tuyên phát hiện mắc ung thư hạch và từng điều trị ở Hà Nội. Giờ đã đến lịch hẹn tái khám, nhưng vì không có tiền, em vẫn chưa thể đi.
Được Tuyên mở lòng, phóng viên Dân trí đã về thôn Ón Cáy thăm gia đình em. Trước mắt tôi là một ngôi nhà lợp tranh, bốn phía che tạm bằng những tấm liếp nứa đã cũ nát, gió lùa thông thốc từ trước ra sau. Đứng trước cảnh đó, tôi không kìm được nước mắt. Bởi trong ngôi nhà xác xơ ấy, tôi đã thấy một trái tim ấm áp, một tâm hồn nhân hậu hiếm có.
Ngay ngày hôm sau, bài báo “Gia cảnh khốn khó, chàng trai dân tộc Tày chết mòn vì căn bệnh quái ác” đã được lên trang ở chuyên mục Tấm lòng Nhân ái của báo Dân trí. Và điều kỳ diệu đã đến, bạn đọc khắp nơi gửi về lời động viên, những khoản hỗ trợ vật chất, những bài thuốc và cả những lời cầu nguyện chân thành.

Hiện tại, Tuyên đang làm công việc giao hàng ở Hà Nội để vừa mưu sinh, vừa có điều kiện chữa bệnh (Ảnh: Hương Hồng).
Nhờ sự giúp đỡ của bạn đọc Dân trí, Tuyên được trở lại bệnh viện điều trị đúng phác đồ, sức khỏe của em cải thiện rõ rệt. Sau đó, Tuyên quyết định ở lại Hà Nội làm công việc giao hàng để vừa mưu sinh, vừa tiếp tục điều trị bệnh.
Một lần, thật tình cờ khi người giao hàng cho tôi là Tuyên. Vẫn gương mặt hiền hậu, ánh mắt sáng và nụ cười dễ gây thiện cảm, Tuyên xúc động nói: “Hôm nay được gặp lại chị, em vui lắm! Nhờ báo Dân trí kết nối những tấm lòng Nhân ái mà em còn được sống. Hôm đó, nếu xe chị không sa lầy, chắc em cũng chẳng có cơ hội nào…”.
Không có nhiều thời gian hàn huyên, chị em tôi chỉ nói với nhau được vài câu rồi Tuyên lại tiếp tục công cuộc mưu sinh. Nhìn bóng dáng em khuất dần giữa dòng xe cộ hối hả, trong tôi dâng lên niềm xúc động.
Tôi tin rằng, lòng tốt sẽ luôn nhận được sự đền đáp xứng đáng. Cơ hội sẽ luôn đến với những người như em, dù đang mang trọng bệnh, cơ thể ốm yếu, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người chưa từng quen biết, không một chút đắn đo, tính toán.
Chuyến đi Chiêm Hóa năm đó đã mang đến cho tôi biết bao trải nghiệm quý giá. Kỷ niệm với chàng trai trẻ có số phận không may mắn vẫn in đậm trong tôi, bởi em chính là hiện thân của lòng tốt và sự tử tế.