Cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn TSMC cho biết ông ấn tượng khi chứng kiến sự quyết tâm và tiềm năng của người Việt Nam.
“Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy ở Việt Nam hình ảnh của đảo Đài Loan cách đây 30 năm, tràn đầy nhiệt huyết và đầy tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, TS Dương Quang Lỗi, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn TSMC, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, nhân dịp ghé thăm Việt Nam.
TS Lỗi từng được TSMC vinh danh là một trong sáu Hiệp sĩ R&D vì vai trò chủ chốt khi phát triển các dòng chip 180 nm, 130 nm và 65 nm. Ông từng giữ chức vụ giám đốc nghiên cứu và phát triển tại TSMC từ năm 1998 đến 2005.

TS Dương Quang Lỗi (thứ tư từ trái sang) thăm và làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: NIC
Từ kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, TS Lỗi đánh giá “Việt Nam đang có vị thế quốc tế rất tốt, cũng như tiềm năng nguồn nhân lực chất lượng cao”.
“Việt Nam là nơi phù hợp với bản thân tôi. Tại đây, tôi có thể đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, giống những gì tôi đã trải qua tại TSMC”, ông nói.
Hiện TS Dương Quang Lỗi và đồng nghiệp GS Dương Triều Long là đầu mối đại diện cho hơn 50 trường đại học kỹ thuật tại đảo Đài Loan triển khai Chương trình INTACT – một sáng kiến nhằm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và bán dẫn. Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cũng là mục đích của ông trong lần đặt chân đến Việt Nam.

Một số mẫu chip bán dẫn cho kỹ sư Việt tham gia phát triển. Ảnh: Lưu Quý
Với vai trò đại diện Đại học Khoa học và Công nghệ Taiwan Tech, TS Lỗi đã ký kết Biên bản hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tuần này. Đây là thỏa thuận thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua chương trình học bổng học tập, thực tập, làm việc cho sinh viên, kỹ sư Việt Nam.
Thỏa thuận có sự tham gia của Hiệp hội Giao lưu Quốc tế Đài Loan (TIEA) và Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST). Trong đó, các đối tác từ đảo Đài Loan đóng vai trò vừa là nhà trường, vừa là “nhà” doanh nghiệp.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC, mối quan hệ hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn Việt. “Tôi kỳ vọng sự hợp tác sẽ mang lại những bước tiến thực chất, đóng góp vào vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông nói.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp bán dẫn, nhu cầu lao động ngành này luôn ở mức cao. Trong chuyến thăm và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 12/2023, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), cho rằng: “Nếu không được bổ sung, đến năm 2030, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực ngành bán dẫn”.
Số liệu của McKinsey & Company cũng cho thấy ngành bán dẫn đang đối mặt với sự bất hợp lý về độ tuổi lao động. Một phần ba số lao động bán dẫn tại Mỹ có độ tuổi từ 55 trở lên, tức sắp nghỉ hưu. Tại châu Âu, 1/5 lực lượng lao động bán dẫn cũng trong độ tuổi này.
Thế giới đang thiếu nguồn nhân lực bán dẫn, cả ở khâu chế tạo và thiết kế. Trong bối cảnh đó, cùng với Ấn Độ, Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu ròng các lao động kỹ thuật cao.
Trọng Đạt
- Việt Nam sẽ có nhà máy silicon đa tinh thể dùng cho bán dẫn
- Startup Việt bắt tay hãng bán dẫn Mỹ đào tạo sinh viên vi mạch