Ngày 12.5, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Các đề xuất tại dự thảo nhằm thể chế hóa một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Một trong 5 chính sách lớn được đề cập, đó là cải thiện môi trường kinh doanh.

Dự thảo nghị quyết quy định 5 nhóm chính sách lớn về kinh tế tư nhân
ẢNH: T.N
Không xử lý hình sự nếu “nước đôi”
Dự thảo nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của cá nhân.
Đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc.
Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần trong năm
Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời khắc phục tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, dự thảo nghị quyết quy định cụ thể về một số nguyên tắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng vướng mắc trong giải quyết thủ tục phá sản, gây khó khăn cho việc rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, dự thảo nghị quyết quy định mở rộng trường hợp, căn cứ để tòa án xem xét, quyết định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường.
5 nhóm chính sách lớn
Dự thảo nghị quyết tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn, nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW:
– Cải thiện môi trường kinh doanh
– Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh
– Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công
– Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực
– Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.