
Festival hoa Đà Lạt đã trở thành sản phẩm du lịch tạo dấu ấn với du khách – Ảnh: M.V
Từ ngày 1-7, TP Đà Lạt chính thức vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp khi được tách thành 5 phường. Thay đổi này tạo ra nhiều kỳ vọng phát triển mới.
Bên cạnh đó cũng có lo ngại: liệu “thành phố di sản” này có giữ được bản sắc văn hóa – sinh thái đặc trưng sau khi tách thành nhiều phường?
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, hiện giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông gồm: quan hệ quốc tế, đàm phán quốc tế, chính sách công…
Đà Lạt – đô thị di sản đặc biệt
Trải qua 130 năm hình thành, Đà Lạt không chỉ là trung tâm du lịch nổi tiếng mà còn là “thủ phủ” văn hóa – sinh thái đặc sắc bậc nhất Việt Nam.

Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, chuyên gia đàm phán quốc tế, chính sách công.
Với khí hậu ôn hòa, rừng thông bạt ngàn, hồ nước và những thác suối nằm trong lòng đô thị, Đà Lạt sở hữu lợi thế thiên nhiên “trời ban” mà không thành phố nào có được.
Về văn hóa, Đà Lạt là nơi hội tụ của gần 20 dân tộc anh em, tạo nên không gian văn hóa đa sắc, giàu bản sắc.
Hơn 2.000 biệt thự cổ, những công trình kiến trúc Pháp xen lẫn kiến trúc bản địa đã trở thành “tài sản mềm” khẳng định vị thế di sản của thành phố.
Đặc biệt, Đà Lạt đang nắm giữ nhiều di sản tầm quốc tế như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản triều Nguyễn và Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được UNESCO công nhận.
Đà Lạt còn là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Những danh hiệu này không chỉ là vinh dự mà còn là cam kết bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững. Nếu chỉ nhìn Đà Lạt như một đơn vị hành chính, sẽ khó gìn giữ sự toàn vẹn cảnh quan, kiến trúc và bản sắc.
Mô hình quản trị vượt ra ngoài ranh giới hành chính
Để tránh những hệ lụy đó, cần có một mô hình quản trị đặc thù vượt ra ngoài ranh giới hành chính. Theo tôi, cần một hội đồng hoặc ban quản lý cấp tỉnh chuyên trách cho các vấn đề văn hóa – di sản của Đà Lạt.
Ban này có nhiệm vụ điều phối quy hoạch tổng thể bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Đây không chỉ là “ban điều phối” mà phải trở thành “nhạc trưởng” kết nối các phường, sở, ban ngành, cộng đồng và doanh nghiệp, bảo đảm mọi hoạt động phát triển không làm mất đi bản sắc.

Nhiều ban nhạc lớn đã đến Đà Lạt sau khi địa phương lọt vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc – Ảnh: M.V
Thực tế, nhiều thành phố di sản trên thế giới đã vận dụng mô hình “đồng quản trị” thành công. Kyoto (Nhật Bản) xây dựng quy định bảo tồn dựa trên tham vấn cộng đồng, Quebec (Canada) có Hội đồng Di sản độc lập, Luang Prabang (Lào) trao quyền tổ chức lễ hội cho cộng đồng bản địa.
Những mô hình này nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền như những đối tác cùng kiến tạo, không phải chỉ quản lý từ trên xuống.
Một giải pháp song hành là xây dựng Quy hoạch tổng thể văn hóa – di sản – sinh thái cho toàn bộ không gian Đà Lạt sau khi đã chia thành 5 phường như đã đề cập.
Quy hoạch này phải giới hạn mật độ xây dựng, bảo vệ rừng thông, hồ nước, biệt thự cổ, đồng thời lồng ghép quy chuẩn tổ chức lễ hội, gìn giữ không gian văn hóa sống động.
Các quy định sử dụng tài nguyên, quản lý không khí, nguồn nước cần được thiết kế nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái cốt lõi – yếu tố khiến Đà Lạt trở thành “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.

Hồ Xuân Hương, trái tim xanh của Đà Lạt – Ảnh: PY TRẦN
Cuối cùng, trong một không gian văn hóa – du lịch đặc thù như Đà Lạt, việc phân quyền rõ ràng và chủ động cho cộng đồng địa phương cùng doanh nghiệp sáng tạo không chỉ là yêu cầu phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt để gìn giữ và làm sống động bản sắc.
Thay vì để chính quyền đơn phương gánh vác toàn bộ trách nhiệm bảo tồn và phát triển, Đà Lạt cần hướng đến mô hình hợp tác công – tư (PPP) và hợp tác công – tư – cộng đồng (PPCP), trong đó người dân, nghệ nhân, tổ chức văn hóa và doanh nghiệp du lịch trở thành những chủ thể tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo giá trị mới từ di sản.
Cơ chế phân quyền này cần được cụ thể hóa bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cũng như tạo không gian pháp lý để các tổ chức cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, gìn giữ kiến trúc truyền thống, phục dựng lễ hội dân gian, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bản địa như homestay, nông nghiệp sinh thái, tour kể chuyện văn hóa – âm nhạc.

Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới – Ảnh: M.V
Việc trao quyền như vậy sẽ giúp giữ chân cư dân sáng tạo, khơi dậy tài nguyên văn hóa tại chỗ, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị lan tỏa cho kinh tế địa phương.
Đây cũng là cách Đà Lạt định vị lại mình: không chỉ là nơi để ngắm, mà là nơi để sống cùng: cùng người dân, ký ức và những giấc mơ mới của một đô thị văn hóa thế kỷ XXI.
Cải cách hành chính là xu hướng tất yếu. Với thành phố di sản Đà Lạt cần mô hình quản trị linh hoạt, đủ sức bảo vệ và phát huy giá trị lâu dài.
Chỉ khi đó, vùng đô thị Đà Lạt mới tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế không chỉ là đô thị du lịch, mà còn là biểu tượng văn hóa quốc gia trên bản đồ thế giới.
Bàn giao các nhiệm vụ của UNESCO
UBND tỉnh Lâm Đồng hiện đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham vấn ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam liên quan đến việc tiếp quản các nhiệm vụ thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Theo văn bản đề xuất trước đó của UBND TP Đà Lạt, sau khi gia nhập (31-10-2023), Đà Lạt triển khai nhiều sáng kiến: bản đồ nghệ thuật, lễ hội âm nhạc quốc tế (Dalat Music Festival, Best Dance Crew, Dalat Spring Concert…), phát triển hơn 40 không gian biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2025, TP Đà Lạt kết thúc hoạt động do sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Để duy trì các cam kết với UNESCO giai đoạn 2024 – 2027 và sau đó, UBND TP Đà Lạt đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét 2 phương án:
– Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng làm đầu mối tiếp nhận, thực hiện;
– Hoặc giao phường Xuân Hương – Đà Lạt tiếp tục đảm nhiệm, bảo đảm tính kế thừa, hiệu quả và phù hợp cơ cấu mới.