Đà Nẵng khẩn cấp xây 2 bãi đáp trực thăng đưa hàng hóa lên vùng cao

Đà Nẵng khẩn cấp xây 2 bãi đáp trực thăng đưa hàng hóa lên vùng cao

bởi

trong
Đà Nẵng khẩn cấp xây 2 bãi đáp trực thăng đưa hàng hóa lên vùng cao

Bãi đáp trực thăng ở xã Phước Thành đã đi vào hoạt động – Ảnh: HIỀN LÊ

Chiều 4-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá Trần Hữu Ích, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang xây dựng khẩn cấp bãi đáp trực thăng ở xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, Quảng Nam cũ – nay là xã Trà Tập, thành phố Đà Nẵng) với kinh phí 7 tỉ đồng.

Cùng với đó, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tham mưu để UBND thành phố ra lệnh khẩn cấp xây dựng bãi đáp trực thăng ở xã A Xan cũ (nay thuộc xã Hùng Sơn, thành phố Đà Nẵng). Vị trí đã được khảo sát và thống nhất xây dựng với Sư đoàn Phòng không 372.

Theo tính toán, bãi đáp trực thăng tại xã A Xan sẽ phục vụ cứu hộ cho các xã thuộc huyện Nam Giang, Tây Giang cũ.

“Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng đã chủ động tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng ban bố lệnh khẩn cấp xây dựng bãi đáp trực thăng, nhằm chuẩn bị khi bão lũ phức tạp.

Dự báo tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, khó lường. Ghi nhận thực tế những tháng qua cho thấy dù trong mùa nắng nhưng đã có nhiều cơn mưa cực đoan, một số nơi ở miền núi đã bắt đầu có sạt lở.

Các bãi đáp trực thăng khi xây xong sẽ đảm bảo để đưa hàng hóa từ đường không đổ xuống, từ đó hàng được đưa về các vùng cô lập khi có thiên tai” – ông Ích nói.

Ông Ích cũng cho biết năm 2021 từng có một bãi đáp trực thăng cùng nhà kho chứa vật chất được xây dựng và hiện sử dụng rất thiết thực tại xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam cũ – nay là thành phố Đà Nẵng).

Đà Nẵng khẩn cấp xây 2 bãi đáp trực thăng đưa hàng hóa lên vùng cao - Ảnh 2.

Bãi đáp trực thăng ở xã Trà Cang đang được gấp rút thi công – Ảnh: HIỀN LÊ

Trong văn bản đề xuất xây các bãi đáp trực thăng ở vùng cô lập, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cho rằng các xã gồm Phước Thành, xã Trà Cang và xã Hùng Sơn đều nằm bao quanh núi, ở vùng biên giới của thành phố Đà Nẵng.

Vì có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn nên khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Cơ sở vật chất hậu cần phục vụ phòng chống thiên tai rất khó khăn.

Đặc biệt, tuyến đường nối lên các xã phía tây của thành phố thường xuyên bị chia cắt khi xảy ra mưa lớn, sạt lở đất. Nhiều khu vực dân cư bị cô lập, khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế lương thực, thực phẩm.

Bên cạnh đó, các xã biên giới có vị trí hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh cùa thành phố trong tình hình mới.

Để bảo đảm tốt tình hình quốc phòng, an ninh khu vực biên giới và phục vụ cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tham mưu đầu tư xây dựng công trình để sớm đưa vào sử dụng trong các mùa mưa bão.