Như Dân trí thông tin, sáng 20/7, ô tô do anh N. (40 tuổi, tài xế taxi) điều khiển va chạm với xe điện của anh H. (50 tuổi, ở phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang lưu thông ngược chiều trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Buôn Ma Thuột. Trong lúc lời qua tiếng lại, anh N. lấy điện thoại quay clip thì bị anh H. yêu cầu tắt điện thoại.
Theo công an, anh H. sau đó dùng chân đá vào điện thoại nhưng trúng vào hông bên trái anh N. khiến người này gãy xương sườn số 7, phải điều trị tại bệnh viện.
Với diễn biến hành vi và mức độ thương tích như trên, anh H. có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Hình ảnh vụ việc được camera hành trình của ô tô ghi lại (Ảnh cắt từ clip).
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận dù nguyên nhân gây thương tích là bởi anh H. muốn đá rơi điện thoại, không chủ đích tấn công người khác nhưng cơ quan chức năng vẫn sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ các yếu tố dẫn tới cú ra chân để xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của người này.
“Về những vấn đề cần làm rõ, trước tiên, cần xác định động cơ, mục đích của anh H. khi vung chân là gì, nhằm đá rơi điện thoại hay có chủ đích tấn công, gây thương tích cho người khác hay không. Tiếp theo, cần làm rõ các yếu tố về bối cảnh như khoảng cách giữa 2 người là bao xa, lực và tốc độ ra chân như thế nào, có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người khác hay không hay vị trí tiếp xúc trên cơ thể anh N. là ở đâu…
Từ những kết quả xác minh trên, nếu kết quả xác minh cho thấy dù chỉ muốn đá điện thoại nhưng anh H. ra chân ở khoảng cách gần, với tốc độ nhanh và lực mạnh, đủ khả năng lập tức gây thương tích cho người khác, có thể xem xét trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích.
Nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế không có chủ đích gây thương tích, hành vi thực hiện chưa đủ nguy hiểm và hậu quả xảy ra nằm ngoài ý chí chủ quan của người này, có thể xem xét xử lý về hành vi vô ý gây thương tích”, luật sư bình luận.
Về mức độ thương tật, căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, đối với chấn thương gãy xương sườn, thuộc trường hợp gãy 1 hoặc 2 xương sườn, mức độ thương tật sẽ ở mức 3-9%. Với mức độ thiệt hại sức khỏe ước tính như trên, đối chiếu quy định của Bộ luật Hình sự 2015, không thể xử lý hình sự về tội Vô ý gây thương tích.
Đối với tội Cố ý gây thương tích, việc xử lý hình sự chỉ được đề cập nếu có đơn đề nghị của nạn nhân và hành vi thuộc các tình tiết quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 như có tính chất côn đồ, có tổ chức hay đang trong thời gian bị giữ, tạm giữ, tạm giam hay đang chấp hành án phạt tù…
Trong trường hợp không xử lý hình sự, mức phạt hành chính đối với hành vi Vô ý gây thương tích là phạt tiền 300.000 – 500.000 đồng, còn với hành vi Cố ý gây thương tích là 5-8 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự, tài xế gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho nạn nhân. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc bồi thường, người bị thiệt hại có thể khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết, tuyên buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho mình.