Đặc tính biến chủng mới NB.1.8.1 của Covid-19

Đặc tính biến chủng mới NB.1.8.1 của Covid-19

bởi

trong

Biến chủng NB.1.8.1 có khả năng lây truyền cao do sở hữu các đột biến tăng tốc độ bám dính tế bào người, tạo ra triệu chứng nhẹ nhưng dai dẳng.

Kể từ tháng 5, nhiều quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng trở lại của các ca mắc , chủ yếu liên quan đến các mới của virus. Trong số đó, NB.1.8.1 mới nổi lên như mối lo ngại. Trung Quốc báo cáo số ca tăng đột biến, trong khi Singapore, Hong Kong và Mỹ cũng ghi nhận các tín hiệu cảnh báo.

Biến chủng NB.1.8.1 đã xuất hiện ở những đâu?

Biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện lần đầu ngày 22/1, nhanh chóng lan rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận NB.1.8.1 thông qua chương trình sàng lọc tại sân bay, bao gồm các trường hợp ở California, Washington, Virginia và New York. Các du khách mang mẫu dương tính đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Ngoài ra, NB.1.8.1 cũng đã được xác nhận tại Ấn Độ (Tamil Nadu), Singapore, Pháp. Theo WHO, NB.1.8.1 hiện phân loại là Biến chủng Đang Được Theo dõi (Variant Under Monitoring – VUM).

Đặc điểm và nguy cơ lây truyền

NB.1.8.1 là hậu duệ của XDV.1.5.1, thuộc nhóm JN.1, nhóm đang chiếm đa số ca nhiễm toàn cầu. Biến chủng này mang nhiều đột biến đáng lo ngại như T478I, A435S và V445H, được cho là đã góp phần tăng khả năng bám dính của virus vào tế bào người, từ đó lây truyền nhanh hơn.

WHO đánh giá NB.1.8.1 có lợi thế tăng trưởng cao hơn rõ rệt so với các biến chủng như XEC, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á đã ghi nhận tình trạng nhập viện tăng. Tốc độ lan nhanh của NB.1.8.1 khiến giới khoa học cảnh báo về một chu kỳ bùng phát dịch mới, nhất là vào mùa hè và mùa đông, các thời điểm thường ghi nhận đỉnh dịch.





Đặc tính biến chủng mới NB.1.8.1 của Covid-19

Minh họa virus nCoV gây bệnh Covid-19. Ảnh: Alamy

Khả năng trốn tránh miễn dịch của NB.1.8.1

Theo WHO, NB.1.8.1 không cho thấy khả năng trốn tránh miễn dịch vượt trội so với các biến chủng JN.1 đang lưu hành. Dữ liệu ban đầu cho thấy mức giảm trung hòa kháng thể đối với NB.1.8.1 tương đương với LP.8.1.1, dao động trong khoảng 1.5 đến 1.6 lần.

Tuy nhiên, do NB.1.8.1 mang nhiều đột biến liên quan đến vùng RBD của spike protein, khu vực đóng vai trò then chốt trong việc nhận diện tế bào, giới chuyên gia vẫn khuyến nghị tiếp tục giám sát để đánh giá rõ hơn nguy cơ tái nhiễm hoặc giảm hiệu quả vaccine.

Một số thử nghiệm từ Pfizer và Moderna cho thấy vaccine cập nhật hướng đến LP.8.1 cũng có thể tạo miễn dịch chéo đối với NB.1.8.1.

Triệu chứng của NB.1.8.1

NB.1.8.1 gây ra các triệu chứng tương đồng với nhiều biến thể Omicron trước đó, bao gồm đau họng, mệt mỏi, ho nhẹ, sốt, nghẹt mũi và đau nhức cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã ghi nhận thêm một số dấu hiệu khác như tăng thân nhiệt dai dẳng, chán ăn, đau đầu và rối loạn tiêu hóa nhẹ.

So với XEC, NB.1.8.1 được cho là có triệu chứng đa dạng hơn, đặc biệt là tình trạng sốt nhẹ, nhưng kéo dài được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân gần đây. Điều này làm dấy lên cảnh báo một số người nhiễm có thể bỏ qua các dấu hiệu sớm, từ đó góp phần âm thầm lây lan virus trong cộng đồng.

Cách phòng tránh

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản để hạn chế lây lan NB.1.8.1, bao gồm: tiêm vaccine đầy đủ và tiêm nhắc lại, đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc không gian kín, thường xuyên rửa tay và hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng.

Ngoài ra, người có dấu hiệu nghi nhiễm nên đi xét nghiệm sớm và tuân thủ hướng dẫn từ cơ quan y tế địa phương. Trong bối cảnh các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện, việc duy trì cảnh giác và cập nhật thông tin y tế là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thục Linh (Theo CBS News, Times of India, Hindustan Times)