Chiều 16.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tối đa lên gấp 2 lần đối với địa bàn TP.Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư (TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng).
Các lĩnh vực áp dụng bao gồm giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa)
ẢNH: GIA HÂN
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) ủng hộ đề xuất nêu trên, thậm chí đề nghị mở rộng phạm vi tăng mức xử phạt tối đa đối với tất cả đô thị của các tỉnh, thành phố trên cả nước, thay vì chỉ áp dụng với 6 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Lý giải cho ý kiến của mình, ông Trí nhận định tình trạng vi phạm về văn hóa, quảng cáo, lấn chiếm, xây dựng trái phép, phòng cháy chữa cháy, nhất an toàn thực phẩm đang ngày càng phức tạp. “Cuộc sống ngày càng không an lành trên nhiều lĩnh vực, từ không khí, thông tin, đến thức ăn, ý thức môi trường, văn hóa ứng xử…”, vị đại biểu liệt kê.
Ông Trí cũng cho rằng, trong khi mức độ vi phạm mỗi lúc một nghiêm trọng hơn thì mức phạt hiện hành lại chưa đảm bảo răn đe, chưa đủ để ngăn chặn vi phạm. “Ra nước ngoài chỉ cần một hành vi vứt rác không đúng quy định sẽ bị phạt rất nặng, còn ở mình vẫn rất nhởn nhơ”, ông Trí nêu.
Vẫn theo vị đại biểu, dự thảo luật sửa đổi lần này tập trung vào việc nâng mức phạt đối với một số lĩnh vực ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống người dân. Tới đây, khi điều kiện cho phép, ông kiến nghị phải rà soát mức phạt đối với tất cả lĩnh vực khác; phải đảm bảo tính răn đe của pháp luật, từ đó cải thiện ý thức, hành vi của người dân.
“Cách nhau con đường, bên này phạt 1 triệu, bên kia chỉ 500.000”
Nêu quan điểm khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt như quy định tại dự thảo, nhất là trong bối cảnh tới đây nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ mở rộng địa giới hành chính do sáp nhập.
Một vấn đề nữa ông Hòa cho rằng cần làm rõ, đó là xác định ranh giới của khu vực nội thành như thế nào. “Nội thành với ngoại thành có thể chỉ cách nhau một con đường, bên này phạt 1 triệu đồng, nhưng bên kia thì chỉ 500.000 đồng”, ông đặt vấn đề.
Riêng về mức phạt, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói cần có sự xem xét, cân nhắc với từng lĩnh vực. Với vi phạm về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc hàng giả, ông Hòa ủng hộ “phạt hết khung”, nhưng với vi phạm giao thông đường bộ, nếu tăng mức phạt tối đa từ 75 lên 150 triệu đồng, nhiều người “chỉ có bỏ xe, thậm chí bán xe mới có tiền nộp phạt”.
Theo vị đại biểu, xử phạt nghiêm minh để “không dám, không muốn vi phạm” là điều cần thiết, song phạt đến mức nào thì cần tính đến điều kiện kinh tế – xã hội, thu nhập của người dân.
“Có trường hợp chiếc xe là phương tiện lao động, sinh nhai của gia đình. Hoặc cũng có trường hợp tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe nên tài xế bỏ xe luôn, thấy mà đau lòng”, ông Hòa nói.