Đại biểu Quốc hội: ‘Cơ quan quản lý ở đâu để cả chợ bán hàng giả’

Đại biểu Quốc hội: ‘Cơ quan quản lý ở đâu để cả chợ bán hàng giả’

bởi

trong

Nhiều đại biểu lo lắng khi hàng giả tăng và len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, sàn bán online đến các nền tảng xã hội, nhưng không rõ trách nhiệm cơ quan quản lý.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng 23/5, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết gần đây dư luận rất quan tâm vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bà ghi nhận Chính phủ đã nhanh chóng mở đợt cao điểm tấn công hàng giả, song bà chia sẻ lo lắng khi xu hướng hàng giả ngày càng gia tăng và len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử đến các nền tảng xã hội.

“Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo 389 được thành lập từ trung ương đến địa phương với cơ cấu bộ ngành đầy đủ để phòng chống hàng giả, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp”, bà Nguyệt nói và nhắc đến nhiều vụ hàng giả quy mô khủng gây tổn hại đến người tiêu dùng vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

Một điều khiến bà băn khoăn là không rõ trách nhiệm của các bộ, ngành. “Không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này, trong khi người dân vẫn phải chịu thiệt vì không thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng”, bà nói.





Đại biểu Quốc hội: ‘Cơ quan quản lý ở đâu để cả chợ bán hàng giả’

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Tương tự, bà Thái Thu Xương, đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng chia sẻ bức xúc trước thực trạng hàng giả tràn lan, gồm sữa giả, thuốc giả. Bà Xương nhắc tới trường hợp chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm (Hà Nội), cả chợ bán hàng giả, hàng nhái và khi có đoàn kiểm tra thì các tiểu thương đồng loạt đóng sạp hàng.

“Vai trò quản lý thị trường thế nào mà cả chợ bán công khai như thế?”, đại biểu tỉnh Hậu Giang đặt vấn đề, cho rằng các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước ở địa phương phải tăng kiểm tra, vì “người dân làm sao biết được đâu là hàng giả, hàng nhái”.

Hàng giả không chỉ “tràn” chợ, còn xuất hiện gia tăng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng số, nhất là sản phẩm mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng thương mại điện tử, các sàn bán online phát triển nhanh, nhưng quản lý Nhà nước chưa theo kịp. Thực trạng này khiến xuất hiện hàng hóa trôi nổi, làm giả thương hiệu nội địa, gây mất niềm tin người tiêu dùng.

“Nhiều doanh nghiệp bức xúc, kêu rằng họ liên tục bị làm giả thương hiệu, sản phẩm trên các Shopee, Tiktok Shop. Nếu không siết quản lý, thương mại điện tử ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, năm ngoái doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam vượt mốc 20,5 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023.

Gần 70% người tiêu dùng đô thị mua hàng online ít nhất 1 lần một tháng. Dự báo đến năm 2030, nếu được quản lý và đầu tư bài bản, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt quy mô từ 50-60 tỷ USD, trở thành 1 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đã phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng muốn dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng.

“Mấy tuần qua, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng khủng. Các ban chỉ đạo mình có hết, từ Trung ương tới địa phương, tại sao lại để hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy? Cái này phải kiểm điểm nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ông, trách nhiệm chính là ở địa phương. Chủ tịch Quốc hội quán triệt phải tăng cường quản lý, các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng nhái quyết liệt hơn để người dân tin tưởng.

“Bây giờ báo đài đưa tin, người dân rất hoang mang không biết ăn gì, uống gì”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh thêm phải có giải pháp với hàng giả, hàng nhái thì mới khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn kiến nghị Chính phủ quy định bắt buộc sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính qua mã số thuế, căn cước công dân và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại quá 24h sau khi có cảnh báo. Các sàn cũng cần buộc phải áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), áp mã QR code trên toàn hệ thống… trong kiểm soát hàng giả.

“Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển thương mại điện tử, nhưng không kiểm soát tốt mặt trái trên sàn, chính hệ sinh thái số, niềm tin thị trường sẽ bào mòn”, ông Tuấn nói, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quản lý vào cuộc mạnh hơn nữa, bảo vệ người tiêu dùng.

Giữa tháng 5, Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt, truy quét buôn lậu, hàng giả. Phó thủ tướng Nguyễn Thành Long yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra ngay khi người dân tố giác vè trường hợp bán hàng giả.

Anh Minh