Đại biểu Quốc hội nói về đề xuất đầu tư trực tiếp tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam của VinSpeed

Đại biểu Quốc hội nói về đề xuất đầu tư trực tiếp tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam của VinSpeed

bởi

trong
Đại biểu Quốc hội nói về đề xuất đầu tư trực tiếp tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam của VinSpeed

Giáo sư Hoàng Văn Cường – Ảnh: PHẠM THẮNG

“Bây giờ chúng ta đang tính đến phương án đầu tư công, có nghĩa phải bỏ ra một lượng vốn ngân sách cho công trình đó. Nếu như có một nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng nhận làm công trình với tiêu chuẩn chất lượng, công năng hoạt động, tính chất lan tỏa… tương tự, không có lý do gì không giao việc đó cho họ”, đại biểu Hoàng Văn Cường (phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, nguyên phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ về đề xuất đầu tư trực tiếp của VinSpeed cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Nhà đầu tư trong nước sẵn sàng đăng ký thực hiện dự án cần được đánh giá cao

* Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VinSpeed đề xuất được tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp, thay cho đầu tư công hoặc PPP. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

– Đây là điều rất đáng ủng hộ. Nhà nước không phải bỏ tiền mà tư nhân sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí phải có chính sách để hỗ trợ cho tư nhân để có nguồn lực, tự bỏ ra, tự tính toán và tự thu hồi.

Tuy nhiên, công trình này là hạ tầng xương sống của quốc gia, nên dù đầu tư tư nhân, tư nhân bỏ tiền ra vẫn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định Nhà nước.

Ví dụ như doanh nghiệp tư nhân đầu tư phải dựa trên nguyên tắc, mục tiêu làm tuyến đường để phát triển ngành công nghiệp đường sắt, khi đầu tư xong, việc khai thác, vận hành như thế nào. Rõ ràng cần phải có quan điểm, định hướng của Nhà nước.

Do đó, đầu tư tư nhân không có nghĩa rằng giao cho anh làm toàn bộ nhưng lại đầu tư như một dự án riêng. Những công trình quan trọng quốc gia, dù hình thức nào chăng nữa cũng đều dựa trên các nguyên tắc Nhà nước quản lý.

* Theo ông, để được chấp thuận, nhà đầu tư cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt gì?

– Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án có tác động thúc đẩy cho phát triển kinh tế giao lưu hàng hóa.

Cùng với đó, dự án còn nhằm thực hiện chủ trương nội địa hóa để phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước do chính người Việt Nam làm, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, sản phẩm của Việt Nam sản xuất chính dựa trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài.

Đây là một trong những mục tiêu phải đạt đến khi đầu tư tuyến đường sắt này. Do vậy, khi có nhà đầu tư trong nước sẵn sàng đăng ký để thực hiện đầu tư là điều rất đáng được đánh giá cao.

Điều này góp phần vào thực hiện chủ trương nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt, đồng thời lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.

Vấn đề quan trọng nhất, phải đúng nghĩa đầu tư trong nước, phát triển ngành công nghiệp trong nước, chứ không phải nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư nhưng lại đi nhập khẩu các sản phẩm, các cấu phần nước ngoài về và chỉ lắp ráp, gia công. Như vậy không đạt được mục tiêu.

Do đó, cần quan tâm tới việc nhà đầu tư đó có cam kết nội địa hóa hay không, có liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác trong nước để bắt tay vào sản xuất các cấu phần, phụ kiện, thiết bị dựa trên cơ sở công nghệ của nước ngoài.

Có thể nói, đây là mục tiêu và điều kiện quan trọng nhất khi xem xét có chấp nhận cho nhà đầu tư trong nước thực hiện hay không.

đường sắt - Ảnh 2.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dài 1.451km, tốc độ 350km/h – Ảnh minh họa: Chat GPT

Không có lý do gì chúng ta không giao cho một nhà đầu tư tư nhân

* Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc VinSpeed đề xuất vay không lãi 80% vốn từ Nhà nước trong 35 năm có được coi là một lựa chọn khả thi về mặt tài chính và pháp lý không?

Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chỉ cho phép Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% vốn cho một dự án. Theo đại biểu, đề xuất vượt khung như VinSpeed có cần một cơ chế đặc thù mới hay nên được xem xét như một ngoại lệ có điều kiện?

– Đầu tư đường sắt, trong trường hợp này không được coi là đầu tư theo đối tác công tư (PPP) mà chấp nhận cho phép một nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án. Khi doanh nghiệp đăng ký đầu tư tư nhân, tức chấp nhận lời lãi được hưởng, lỗ phải chịu.

Tất nhiên, phải có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư không bị thiệt hại và phải luôn nghĩ đến việc đầu tư thành công. Từ đó, tạo nền tảng phát triển bền vững, đóng góp cho xã hội.

Đầu tư về hạ tầng giao thông nói chung và kể cả đường sắt thuộc về lĩnh vực đầu tư công, phải bỏ tiền vốn đầu tư công ra để đầu tư. Nếu không có một nhà đầu tư tư nhân nào đăng ký, ngân sách phải bỏ ra đầu tư.

Thường đầu tư hạ tầng giao thông, kể cả đường sắt, khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất chậm, phần thu hồi chính là những tác động lan tỏa, tạo ra sự phát triển, mang lại lợi ích cho xã hội.

Còn thu trực tiếp từ dự án đó mang lại nguồn ngân sách hầu như rất khó khăn. Do vậy, việc nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, cũng phải tính đến các phương án để thấy rằng Nhà nước có những chính sách để tạo ra nguồn lực cho nhà đầu tư.

Thực tế, hiện nay đang có cơ chế đặt hàng. Nhà nước thậm chí dùng ngân sách bỏ ra đặt hàng cho các nhà đầu tư tư nhân để làm các công trình về hạ tầng, coi đấy như một phương án đặt hàng.

Còn trong trường hợp này, nhà đầu tư mong muốn phần vốn không phải Nhà nước cấp, không theo hướng đặt hàng mà Nhà nước cho vay không thu lãi suất. Đây cũng là một phương án tốt.

Bởi, tiền đó không phải bỏ ra không thu hồi về, chỉ có điều thời gian thu hồi của các dự án hạ tầng bao giờ cũng rất dài, lợi nhuận rất thấp. Vì vậy, yếu tố này cần tính đến.

* Giao một số tiền lớn như vậy cho đơn vị tư nhân, ở góc độ kinh tế, theo đại biểu, có những lợi ích như thế nào và điều gì đáng lo ngại cần phải có cơ chế kiểm soát?

– Bây giờ đang tính đến phương án đầu tư công, tức phải bỏ ra một lượng vốn ngân sách cho công trình.

Nếu như có một nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng nhận làm công trình với tiêu chuẩn chất lượng, công năng hoạt động, tính chất lan tỏa… tương tự của đầu tư công đã thiết kế thì không có lý do gì không giao cho họ.

Trong đầu tư công, bỏ tiền ra cần kiểm soát xem tiền có vào đúng công trình hay không. Bây giờ cho nhà đầu tư tư nhân vay cũng phải kiểm soát xem luồng tiền có đúng đi vào các công trình như mong muốn hay không. Chứ không phải là cứ đưa tiền rồi mang đi làm bất kể ở đâu.

Vấn đề khác nhau ở chỗ, nếu đầu tư công phải kiểm soát đến từng đồng, từng chi tiêu thực hiện trong tuân thủ về giám sát, đấu thầu, lên các định mức chi phí cho từng đồng mua vật tư, nguyên liệu.

Còn với nhà đầu tư tư nhân tự quản lý, quyết định việc đó. Nhà nước chỉ quản lý tổng thể xem sản phẩm, công trình đó có thực hiện theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định được đặt ra hay không.

* Nếu Nhà nước đồng ý cho VinSpeed vay ưu đãi theo đề xuất, liệu điều này có tạo ra tiền lệ không công bằng giữa các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực?

– Ở đây không phải tự nhiên cho một doanh nghiệp tư nhân được vay vốn với ưu đãi vượt quá quy định. Nếu như trong hoạt động kinh doanh thông thường mà đặt ra những vấn đề đó rõ ràng không công bằng.

Nhưng đây là một dự án lẽ ra phải bỏ ngân sách nhà nước để đầu tư toàn bộ, chưa thể nghĩ đến khi nào sẽ được thu hồi vốn, thậm chí có thể đặt ra phương án không bao giờ thu hồi được vốn về.

Thay vào đó, nhà đầu tư tư nhân mong muốn vay đầu tư với lượng tiền ít hơn, tạm thời Nhà nước không phải bỏ ra mà cho doanh nghiệp vay, sau đó họ hoàn lại.

Đứng về mặt tài chính rõ ràng mang lại hiệu quả hơn cho ngân sách chứ không thiệt hại.

Đây chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp tư nhân làm thay phần Nhà nước. Nhà nước đáng lẽ phải đầu tư nhưng có doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đứng ra đảm nhận, rất cần khuyến khích.

Đặt trong bối cảnh đang thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân chung tay cùng Nhà nước đảm nhận các mục tiêu phát triển của xã hội, không phải tất cả mọi thứ đều dồn vào Nhà nước, đầu tư công.

Tăng cường vai trò xã hội hóa sẽ tạo ra động lực phát triển nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

* Trong trường hợp dự án không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, theo ông, Nhà nước có thể làm gì để có thể kiểm soát rủi ro cũng như bảo vệ tài sản công từ khoản vay không lãi lớn?

– Mục tiêu đầu tư tuyến đường sắt phải hoàn thành. Còn hiệu quả đầu tư đã được đánh giá khi Quốc hội thông qua dự án. Tất cả những điều đó đều được lường trước.

Bây giờ không thể nói dự án đầu tư xong không mang lại hiệu quả. Nếu như không mang hiệu quả cần xét lại toàn bộ quá trình đang triển khai có sai lệch gì không.

Trong các trường hợp đặc biệt, thực sự không hiệu quả vì những lý do thực sự khách quan mới cần tính đến những yếu tố, giải pháp để thích ứng với rủi ro.

* Xin cảm ơn ông.