‘Đại học Bách Khoa Hà Nội phải là nơi sản sinh ra công nghệ’

‘Đại học Bách Khoa Hà Nội phải là nơi sản sinh ra công nghệ’

bởi

trong

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là trường học mà còn là tổ hợp công nghệ quốc gia, sản xuất công nghệ, đưa đất nước phát triển bằng đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 4/7. Tại đây, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ dành nhiều giờ đối thoại với giảng viên, lãnh đạo nhà trường, giải đáp trăn trở của thầy cô về những chủ trương lớn của đất nước, quan điểm đầu tư của Bộ và vai trò của các trường đại học trong bức tranh chung.

Thông qua các trao đổi, định hướng, ông mong muốn Đại học Bách Khoa Hà Nội đổi mới về tư duy quản lý, xác định rõ sứ mệnh, mục tiêu và có những giải pháp cụ thể để tạo đột phá.

Cách tạo đột phá cho Đại học Bách Khoa Hà Nội

Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập năm 1956, có 1.069 giảng viên, trong đó 75% có trình độ tiến sĩ, 28% là giáo sư và phó giáo sư. Mỗi năm trường công bố hơn 2.000 bài báo khoa học và 25 bằng sở hữu trí tuệ.

Trong ba năm qua, hơn 10 doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn từ các tổ chức khoa học công nghệ) ra đời từ trường. Tổng giá trị hợp đồng của trường với các doanh nghiệp giai đoạn 2020-2024 đạt 200 tỷ đồng, với 461 hợp đồng được ký kết.





‘Đại học Bách Khoa Hà Nội phải là nơi sản sinh ra công nghệ’

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Đại học Bách Khoa Hà Nội đổi mới tư duy quản lý và có giải pháp tạo đột phá. Ảnh: TTTT

Mở đầu buổi làm việc, đánh giá Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. “Trường có nền tảng vững chắc và năng lượng nội tại lớn để trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ, sản sinh đổi mới sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà ở cả khu vực”, ông nhận định.

Tuy nhiên, ông chỉ ra một số tồn tại mang tính hệ thống của trường, như hạn chế về khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Mảng này chỉ chiếm 1% doanh thu của nhà trường, do cơ chế sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng, thiếu lực lượng trung gian để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Trường cũng chưa xác định rõ chiến lược công nghệ ưu tiên và lĩnh vực mũi nhọn. Các nhóm nghiên cứu còn dàn trải và thiếu liên kết. Một số ngành kỹ thuật truyền thống, vốn là thế mạnh như cơ khí, điện tử… chậm đổi mới, tụt lại so với các ngành công nghệ số. Cơ chế đánh giá giảng viên còn thiên về bài báo, nhẹ về ứng dụng. Trường cũng thiếu cơ chế phối hợp cấp nhà nước trong việc nhận các nhiệm vụ lớn quốc gia.

Để tạo đột phá, Bộ trưởng đề nghị Đại học Bách Khoa thành lập trung tâm công nghệ “big tech” với mục tiêu trở thành đầu não quốc gia về công nghệ lõi như AI, vật liệu mới, tự động hóa, cảm biến… Đây là nơi ươm tạo công nghệ, giúp trường chuyển dịch từ mô hình giảng dạy và nghiên cứu sang sáng tạo công nghệ lõi.

Một đề xuất khác là thí điểm mô hình “giảng viên – doanh nhân công nghệ”, nhằm tạo ra đội ngũ nhà khoa học doanh nhân, là trụ cột cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong Đại học Bách Khoa Hà Nội. “Việc đánh giá giảng viên cần gắn với giá trị đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào số lượng bài báo khoa học, phải chuyển từ văn hóa điểm số sang văn hóa tạo ra giá trị”, ông góp ý.

Bộ trưởng cũng gợi ý Đại học thiết lập quỹ đầu tư công nghệ nội bộ để đầu tư vào các startup do trường sinh ra, góp vốn bằng tài sản trí tuệ. Dòng vốn sẽ quay vòng từ nghiên cứu đến startup, tạo lợi nhuận rồi sau đó trở lại trường để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu mới.

Một hướng đi nữa là trở thành “tổng thầu trí tuệ” cho các dự án công nghệ tích hợp cấp quốc gia. Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng nên thí điểm mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo từng ngành như y sinh, năng lượng, giao thông… Cách tiếp cận này giúp tập trung nguồn lực và tăng tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Nhiệm vụ đặt ra cho Đại học Bách khoa là chuyển từ đại học nghiên cứu sang đại học đổi mới sáng tạo. “Trong kỷ nguyên mà công nghệ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam không thể đi vay mượn mà cần tự bồi dưỡng năng lực công nghệ. Điều này phải được kiến tạo từ bên trong, bởi chính các trường đại học”, Bộ trưởng nhận định.

Giải pháp vượt mô hình truyền thống của đại học phương Tây

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu một số giải pháp giúp Đại học Bách Khoa Hà Nội trở thành đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu, vượt qua các mô hình đại học phương Tây.

Theo ông, trường nên cân nhắc phát triển tổ hợp đại học công nghệ quốc gia, trở thành hệ sinh thái vừa đào tạo, sản xuất, vừa thử nghiệm chính sách công nghệ. Một sáng kiến khác là xây dựng cơ chế đại học bảo hộ sáng chế. Theo đó, mọi giảng viên, sinh viên hay kỹ sư trên cả nước nếu có sáng chế kỹ thuật công nghệ có thể nhờ trường hỗ trợ đăng ký, bảo hộ, định giá và thương mại hóa. Đại học Bách Khoa có thể trở thành đơn vị giám hộ tài sản trí tuệ cho cộng đồng kỹ sư Việt Nam. Trường sẽ thu phí dịch vụ và được chia sẻ lợi nhuận nếu sản phẩm thương mại hóa thành công.

Một cách làm khác là trường đứng ra bảo lãnh học thuật cho các nhóm nghiên cứu, startup sinh viên có tiềm năng. Họ sẽ được cấp giấy xác nhận công nghệ có nguồn gốc học thuật từ trường để gọi vốn, tham gia đề án quốc gia hoặc thương thảo với đối tác. Việc bảo lãnh học thuật giúp tăng uy tín cho dự án và giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng nhấn mạnh sự thay đổi thể chế là bước đi đầu tiên để thực hiện các ý tưởng trên. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng các luật mới đã mở đường cho việc này.

“Đại học Bách khoa cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình đầu vào, hóa đơn chứng từ chi tiết sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro, quản lý mục tiêu, không quản quá trình, người tạo kết quả được hưởng một phần thành quả”, ông nói.

Theo ông, trường cần ban hành các hướng dẫn cụ thể để giảng viên làm startup, spin-off, góp vốn bằng tài sản trí tuệ. Trường cũng cần thiết lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá mới, thông qua số công nghệ chuyển giao, số sản phẩm ra thị trường, doanh thu tạo ra cho doanh nghiệp mỗi năm. Bộ sẽ thí điểm giao các nhiệm vụ công nghệ trọng điểm cho Đại học Bách Khoa theo mô hình tổng thầu tích hợp công nghệ.

“Nếu Việt Nam muốn giàu có bởi khoa học công nghệ, những người làm khoa học công nghệ ở Đại học Bách Khoa phải giàu có”, Bộ trưởng nói. Theo ông, Đại học Bách Khoa Hà Nội “không chỉ cho ra đời các kỹ sư mà còn là nơi sản xuất công nghệ, thông qua đổi mới sáng tạo để giúp đất nước phát triển”.





Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTTT

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTTT

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Những trao đổi của Bộ trưởng Hùng sẽ tác động đến tư duy chính sách khoa học công nghệ của các thầy cô, từ đó thay đổi cách nghĩ cách làm của mỗi người”.

Ông khẳng định sự ra đời Nghị quyết 57 cùng các chính sách mới là cơ hội cho các trường đại học. “Bách Khoa – trường hàng đầu khối khoa học kỹ thuật mà không chớp được cơ hội này thì đó là lỗi của chính chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Đáp lại chia sẻ của hai Bộ trưởng, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết trường sẽ nhìn nhận lại các vấn đề còn tồn tại, đồng thời thực hiện năm mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng định hướng.

Tuấn Hưng – Trọng Đạt

Góp ý kiến tạo

Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ