Đại học tuyển hơn 550.000 sinh viên một năm là ‘bất hợp lý’

Đại học tuyển hơn 550.000 sinh viên một năm là ‘bất hợp lý’

bởi

trong

Các đại học chỉ nên đào tạo tinh hoa, nhưng lại ngày càng mở rộng tuyển sinh, một số lấy đầu vào “cực kỳ thấp” là bất hợp lý, theo một số hiệu trưởng trường nghề.

Ý kiến trên được ông Đặng Việt Xô, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, nêu tại Hội nghị tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 16/5.

Ông Xô nhìn nhận tình hình tuyển sinh ở các trường nghề còn nhiều khó khăn. Một trong những lý do là sự mở rộng tuyển sinh của đại học.

Ông dẫn chứng năm 2024, tổng số thí sinh xác nhận nhập học ở hơn 200 đại học là khoảng 551.000. Trong khi, gần 830 trường cao đẳng, trung cấp tuyển được 430.000, đặt mục tiêu lên 530.000 vào năm nay.

“Tôi thấy như vậy rất bất hợp lý, mất cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo”, ông Xô nói. Ông cho rằng “đáng lý” giáo dục đại học là đào tạo tinh hoa, chỉ nên tuyển “ở một mức độ nhất định” để có đầu vào tương xứng, còn lại để cơ hội cho các trường nghề.

Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông, cũng thấy một trong những khó khăn của trường nghề khi tuyển sinh là tâm lý chuộng bằng cấp. Theo bà, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn muốn vào đại học, dù chuẩn đầu vào của một số trường “cực kỳ thấp”.

“Nhiều người cho con vào đại học, không cần quan tâm trường đó thế nào, ngành nghề theo học có phù hợp không, cứ học xong rồi tính”, bà Thu nói.

Nhiều trường nêu khó khăn tương tự. Họ cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện đề án phân luồng của chính phủ đặt ra năm 2018, với mục tiêu tới năm 2025, 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% tốt nghiệp THPT học nghề.

Vì vậy, một số lãnh đạo đề xuất nâng chuẩn, siết đầu vào đại học.





Đại học tuyển hơn 550.000 sinh viên một năm là ‘bất hợp lý’

Ông Đặng Việt Xô phát biểu tại hội nghị, sáng 16/5. Ảnh: Ngọc Trang

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ với khó khăn mà các trường nghề đang đối mặt, song cho rằng nếu muốn vượt khó thì cần thay đổi tư duy.

Theo Thứ trưởng, trường nghề không nên dùng quan điểm “thừa thầy thiếu thợ” để truyền thông tuyển sinh. Coi mình là “thợ” tức các trường nghề đang tự hạ thấp bản thân, và không phải ai tốt nghiệp đại học cũng làm “thầy”. Đây đơn giản là lựa chọn của học sinh.

Ông cũng không đồng tình khi đề cao trường nghề bằng ví dụ cử nhân tốt nghiệp nhiều nhưng thất nghiệp. Các ý kiến đề xuất siết đầu vào đại học, theo Thứ trưởng Sơn là phạm luật.

“Chúng ta phải đảm bảo quyền học tập của người dân. Cái này được quy định trong Hiến pháp rồi. Chúng ta không thể vì muốn tuyển được nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp mà cản trở con đường học sinh muốn học lên đại học”, ông nói.

Ông cho rằng cần nhìn nhận đúng về đề án phân luồng của chính phủ về số người học nghề.

“Chúng ta làm tốt giáo dục nghề nghiệp để làm tốt việc phân luồng, chứ không phải phân luồng nhằm tăng người học nghề. Khi nào thay đổi được tư duy này, thì cách làm mới khác, mới đi lên được”, ông Sơn nói.





Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát kiểu kết luận tại hội nghị tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, sáng 16/5. Ảnh: Ngọc Trang

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, sáng 16/5. Ảnh: Ngọc Trang

Để cải thiện tình hình tuyển sinh, ông Sơn đề nghị các trường nhìn lại về sứ mệnh của giáo dục, đó là đào tạo con người, cung cấp nhân lực để phát triển đất nước. Các trường phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, mang lại giá trị tốt hơn cho người học. Khi làm được hai điều này, số lượng tuyển sinh sẽ tăng.

Ông nhìn nhận học sinh, sinh viên có hai mục đích khi đi học, một là phát triển bản thân, hai là có việc làm, thu nhập tốt. Nếu muốn tuyển sinh được, các trường phải cho người học thấy các em có lợi gì khi theo học, công việc tương lai, mức lương ra sao. Do đó, việc của các trường là cung cấp thông tin tin cậy, minh bạch để các em tin tưởng và lựa chọn.

“Dễ nhất thì hãy coi các em là con em mình, với lực học, mong muốn, sở thích như vậy thì tư vấn thế nào. Đừng coi họ là người mình phải lùa vào, cái đó không bền được, sẽ kéo nhau cùng đi xuống”, ông nói.

Sắp tới, Bộ sẽ hỗ trợ các trường nghề bằng cách mở hệ thống tuyển sinh chung như đại học hiện nay. Các trường sẽ được tham gia lọc ảo trên hệ thống, giúp quá trình tuyển sinh thuận lợi hơn, tránh trường hợp một học sinh đỗ nhiều trường.

Theo thống kê của Bộ, năm ngoái, 1.900 trường nghề tuyển được 2,43 triệu người học, trong đó bậc cao đẳng và trung cấp tuyển được 430.000 người.

Nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ có nhiều người học nhất, chiếm 46%, tập trung vào các nghề Công nghệ ôtô, Công nghệ điện, Công nghệ thông tin. Kế đó, nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12%; nhóm ngành y dược, chăm sóc sức khỏe chiếm 10%.

Thanh Hằng