Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), báo Dân trí có cuộc phỏng vấn Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ của Ban Đối ngoại Trung ương.

Đại sứ Bùi Thế Giang trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Dân trí (Ảnh: An Bình).
Năm nay kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cũng đánh dấu 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Hành trình này hẳn không dễ dàng vì phải mất tới 20 năm. Hai bên đã vượt qua những khó khăn và thách thức như thế nào để trở thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” như hiện nay?
– 20 năm nghe có vẻ dài, nhưng tôi lại nghĩ là không quá dài, nhất là sau khi hai nước đã có cuộc chiến trên dưới 20 năm với hậu quả vô cùng tàn khốc, với nhau. Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng đánh giá chính thức: “Quan hệ Việt – Mỹ là hình mẫu trong quan hệ quốc tế”. Tôi nghĩ rằng nhận xét đó là hoàn toàn chính xác mà vẫn rất khiêm nhường. Tại sao lại như vậy?
Bước ra khỏi chiến tranh với quá khứ như thế, Việt Nam và Mỹ lẽ đương nhiên là nhìn nhau đầy nghi ngờ. Hai nước khác biệt quá lớn và quá nhiều về ý thức hệ, về tư tưởng và hệ thống chính trị, về văn hóa, về mô hình và trình độ phát triển kinh tế, hay nói gọn là về mọi lĩnh vực, và tất cả những điều đó cộng vào làm cho việc hai nước thực sự cùng gác lại quá khứ và cùng hướng đến tương lai là điều không hề dễ dàng.
Tôi không muốn và cũng không dám nói thay cho người Mỹ, nhưng từ phía Việt Nam, với tư cách là người tham gia trong cả 3 lĩnh vực, 3 binh chủng đối ngoại, tôi nhận thấy rất rõ sự cân nhắc rất kỹ lưỡng và sự chủ động rất nhịp nhàng của chúng ta, để rồi một khi đã đi đến quyết định thì tất cả đều quyết tâm, hăng hái và mạnh mẽ triển khai theo tinh thần của một nước Việt Nam muốn là bạn, rồi sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nỗ lực tổng hợp ấy đã giúp cho đất nước này vượt qua được những khó khăn, thách thức mà nhiều nước khác không dễ gì làm được.
Khi chúng ta bắt tay hợp tác với Mỹ, tôi tin rằng Lãnh đạo Mỹ, doanh nghiệp Mỹ và người dân Mỹ không nhầm tưởng rằng Việt Nam quên quá khứ. Tiếp xúc nhiều với họ, tôi thường xuyên được nghe họ nói rằng họ biết và họ cảm phục Việt Nam đã “not forget but forgive” – “không quên nhưng tha thứ”, để hướng tới tương lai. Tôi nghĩ rằng đó là điều rất đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Mà chính sách ấy được thực hiện thành công là vì được sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội, của người dân, của cán bộ, đảng viên.
Có nhiều câu chuyện cảm động về những người Việt Nam ta mất mát nhiều người ruột thịt, nhưng vẫn nén đau, vượt lên quá khứ đau thương đó để ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quan hệ với Mỹ, trực tiếp tham gia vào hoạt động bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.
Trong bức tranh tổng quan về quan hệ Việt – Mỹ, có thể nói việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 là kết quả của những nỗ lực rất lớn và cũng là thành tựu lớn nhất của chúng ta trong quan hệ với Mỹ khi nhìn lại nửa thế kỷ đã qua kể từ lúc chiến tranh kết thúc, đặc biệt là từ khi bình thường hóa quan hệ cách đây 30 năm.
Trong một cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định, “kỷ niệm 30/4 là dịp để tôn vinh những giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, của hòa giải và hàn gắn, của tinh thần ‘gác lại quá khứ, hướng tới tương lai‘“. Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của thông điệp này?
– Tôi đánh giá rất cao việc Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta Phạm Thu Hằng đã lưu ý mạnh mẽ khía cạnh nhân văn, khía cạnh con người của chúng ta trong lễ kỷ niệm 30/4 năm nay. Việc đó có khác gì với việc chúng ta tự hào, tổ chức rất trọng thể lễ kỷ niệm năm nay hay không? Tôi nghĩ là không.
Nguyên nhân giúp cho đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam được đồng chí, bạn bè và đối tác quốc tế yêu quý, ủng hộ, giúp đỡ chúng ta thì có nhiều, nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng dẫu chúng ta có làm được gì, có chiến thắng lớn đến đâu, thì vẫn luôn đặt con người vào vị trí cái lõi, cái căn bản.
Cách nhìn nhận và hành xử này của chúng ta không chỉ bây giờ mới có và cũng không chỉ có riêng trong quan hệ với nước Mỹ. Ông cha chúng ta xưa đã “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” với giặc ngoại xâm mà! Với tư cách là một dân tộc, chúng ta luôn tôn trọng các dân tộc khác. Trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay, chúng ta luôn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc và tình đoàn kết quốc tế, coi đây là một bài học lớn trong việc giành chiến thắng.
Với ý nghĩa đó, thì những nội dung, những câu chữ mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nói là rất đúng. Tôi còn thiển nghĩ rằng, hơn cả việc đúng về quá khứ, thông điệp của chúng ta mặc dù nói về quá khứ nhưng rõ ràng là đang mở cửa rất rộng cho sự tôn trọng lẫn nhau và cho hợp tác tương lai. Quan điểm này không chỉ để nói với phía Mỹ, với người Mỹ – những người mà cách đây 50 năm chúng ta đã có chiến tranh, mà chúng ta nói với cả thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các nước tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025 tại Hà Nội ngày 16/4 (Ảnh: Hải Long).
Khi là sinh viên đại học, ông từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau này, công tác trong lĩnh vực đối ngoại, ông đã gặp gỡ nhiều quan chức, cựu quan chức, người dân, các cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam. Ông thường nói gì với họ?
– Do điều kiện làm việc, tôi nhiều có dịp tiếp xúc với một phổ rất rộng người Mỹ, từ các quan chức Chính quyền, kể cả cấp cao, đến giới doanh nghiệp, và đến người dân thường Mỹ, từ những người từng chống Việt Nam đến những người tham chiến rồi sau đó phản chiến, và đặc biệt là những người không hề tham chiến một ngày nào, từ đầu đến cuối luôn luôn phản đối cuộc chiến tranh của Chính quyền Mỹ ở Việt Nam.
Tất nhiên không phải với ai, tôi cũng nói một nội dung và có một thái độ, một cách hành xử như nhau. Nhưng một trong những điều mà tôi luôn nói, đó là Việt Nam và Mỹ là hai nước có quan hệ đặc biệt với nhau, cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực.
Theo nghĩa tiêu cực, cuộc chiến tranh kéo dài trên dưới 20 năm, với những hậu quả nặng nề, trên hầu như mọi lĩnh vực của cuộc sống và kéo dài suốt 50 năm qua, chưa biết khi nào mới hoàn toàn chấm dứt – đó là điều tiêu cực nhất. Vì cả Việt Nam và Mỹ, và cả thế giới nữa, đã viết, đã nói nhiều về cuộc chiến tranh này rồi, mà chắc chắn sẽ còn tiếp tục viết và nói nữa, nên tôi xin không nói thêm hôm nay.
Còn theo nghĩa tích cực? Năm 1945 khi Nhà nước công – nông của ta vừa tuyên bố độc lập và chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận, Bác Hồ đã chủ động và đơn phương viết mười mấy lá thư gửi cho lãnh đạo các cấp của Mỹ đề nghị Mỹ công nhận nước chúng ta độc lập, kêu gọi họ thiết lập quan hệ ngoại giao chúng ta và hỗ trợ chúng ta phát triển đất nước.
Tinh thần ấy của Bác Hồ được lãnh đạo chúng ta kiên trì tiếp nối một cách có nguyên tắc trong suốt cả những năm tháng sau khi Bác mất.
Với cá nhân tôi, cuộc chiến với Mỹ là một cuộc chiến cực kỳ ác liệt, nhưng một khi đã chấm dứt chiến tranh, tôi đã được dạy và bản thân tôi cũng nhận thức được sự cần thiết phải nói với phía Mỹ rằng đến lúc mở ra một thời kỳ mới, bắt đầu một chương mới trong quan hệ hai nước, và làm sao để trở lại giai đoạn hợp tác tốt đẹp của giữa thập niên 1940 mà Bác Hồ từng đặt nền móng. Cách tiếp cận này trở nên đầy đủ nhất và rõ ràng nhất khi tôi được đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại và Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương gặp trực tiếp, dặn dò trước khi lên đường đi Mỹ học thạc sỹ về Chính sách công quốc tế năm 1993, khi Mỹ còn chưa dỡ bỏ cấm vận đối với nước ta. Bởi vậy, với tôi, chuyện đó là xuyên suốt cho tới tận hôm nay và tương lai cũng sẽ như vậy. Đó là điều thứ nhất tôi thường nói với phía Mỹ.
Điều thứ hai, với một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với vô vàn khó khăn, thách thức, thì sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau là cực kỳ quan trọng. Đây là nét điển hình trong quan hệ Việt – Mỹ.
Tôi chưa bao giờ ngần ngại nói với các đối tác Mỹ rằng có không ít người Việt Nam nghi ngờ lòng thành của Mỹ và điều đó hoàn toàn khách quan, có cơ sở. Vì thế, nỗ lực chủ quan chìa tay ra từ phía Việt Nam nhiều lắm thì cũng chỉ làm nên 50% sự hợp tác. Phía Mỹ cũng phải chứng minh được lòng thành của họ bằng việc làm cụ thể, hữu hình. Và hãy tin rằng, mọi việc làm thiện chí của Mỹ đều sẽ được Việt Nam ghi nhận, cảm ơn.
Ví dụ, năm 2020, trong thời gian nước Mỹ bị đại dịch Covid-19 hoành hành, ngoài việc Chính phủ ta có hỗ trợ nhân đạo cho nước Mỹ dù nước ta còn nghèo, dân ta còn khó khăn, được Tổng thống Donald Trump ghi nhận và cảm ơn, thì chỉ một Câu lạc bộ du học sinh Việt – Mỹ thuộc Hội Việt – Mỹ của chúng tôi cũng đã huy động được hơn 300.000 khẩu trang tiêu chuẩn quốc tế để gửi tặng người dân Mỹ trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Rồi đến tháng 8/2021 giữa lúc chúng ta bị dịch bệnh hoành hành, Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, tuyên bố tặng chúng ta 1 triệu liều vaccine và khoản trợ giúp đó sẽ tới trong vòng 24 giờ. Chúng ta đã chân thành cảm ơn Mỹ.
Một chuyện nữa mà tôi luôn nói với phía Mỹ là Mỹ cần hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, chung tay góp phần giúp Việt Nam phát triển, coi đây là một loại quan hệ thiết thực, cụ thể để cùng nhau vượt lên trên quá khứ, hướng tới tương lai.
Và những khi có thể, tôi cũng còn trao đổi với các đối tác Mỹ về bản chất hòa bình của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như khi tham gia vào các hoạt động quốc tế gìn giữ hòa bình sau này.
Tôi thường nhắc lại việc khi được hỏi chiến lược nào đã giúp Việt Nam chiến thắng ngoại xâm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cười và trả lời một câu rất giản dị nhưng rất vĩ đại: Chiến lược hòa bình. Theo tôi hiểu, chúng ta được khâm phục, được kính trọng chính là vì bản chất hòa bình chứ không phải vì chúng ta binh hùng tướng mạnh như ai đó tưởng.
Tôi nói nhiều loại nội dung như thế. Còn phản ứng của phía Mỹ, kể cả quan chức, doanh nghiệp và người dân nhìn chung là tôn trọng những chủ trương, chính sách của ta, đặc biệt trong đối ngoại. Họ cũng trân trọng những trải nghiệm của chúng ta và việc chúng ta sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm với họ.
Đây cũng là điều có lẽ khác thường trong quan hệ giữa hai quốc gia từng đánh nhau ác liệt. Tôi tin rằng đây là một trong những cơ sở vững chắc để chúng ta tiếp tục có quan hệ thuận lợi trong đối ngoại nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng trong thời gian tới.
Trong những cuộc tiếp xúc của tôi với phía Mỹ, có lẽ những cuộc gặp với các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam là nhiều chuyện đáng nói nhất vì đậm chất “lính” nhất. Tôi từng chứng kiến nhiều nước mắt của các cựu binh Mỹ và của thân nhân cựu binh Mỹ khi họ nghe chuyện của chúng ta – chuyện chiến đấu, chuyện hi sinh, chuyện vượt qua gian khó, chuyện yêu thương đùm bọc lẫn nhau…
Họ xúc động nhất khi đi thăm các nghĩa trang liệt sỹ của chúng ta, mà có lẽ ở Việt Nam ta, không xã nào là không có một nghĩa trang như vậy. Họ cũng thấy tội lỗi của mình, đồng thời cảm nhận rõ nhất thái độ độ lượng và lòng vị tha của chúng ta khi gặp gia đình, cha, mẹ, vợ, con, anh em của những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta bị hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Gần đây nhất, ngay trong cuộc gặp tuần trước giữa Hội Việt – Mỹ của chúng tôi với mấy chục bạn bè Mỹ từng phản đối chiến tranh được mời sang dự lễ kỷ niệm 30/4, có những bạn Mỹ nói rằng luôn luôn cảm thấy tội lỗi vì những việc mà nước Mỹ đã làm với Việt Nam dẫu bản thân họ là người phản đối chiến tranh.
Những thách thức nào đang đặt ra cho Việt Nam trong bối cảnh chính trị và quốc tế có nhiều biến động hiện nay, ví dụ như vấn đề thuế quan của Mỹ, thưa ông? Chúng ta cần làm gì để đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và hội nhập mạnh mẽ hơn nữa với thế giới?
– Tôi hiểu rằng thách thức hiện nay đối với chúng ta là rất nhiều. Tuy nhiên, tôi học một bài học rất lớn của các thế hệ trước mà ngày nay thường được diễn đạt bằng 4 chữ: “Biến nguy thành cơ”. “Cơ” ở đây là việc chúng ta phải chủ động và tích cực tự điều chỉnh mình, tự nâng mình lên, làm cho mình mạnh hơn, hiệu quả hơn, và đặt những thách thức trong quan hệ cụ thể vào khung cảnh của những thách thức chung lớn hơn.
Nhiều kỳ Đại hội Đảng trong những năm qua đều đã nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu trong số những nguy cơ mà nước ta phải đối mặt. Tôi tin rằng tụt hậu là nguy cơ nhãn tiền ở mọi lĩnh vực của chúng ta. Trong bối cảnh của các chính sách kinh tế-thương mại mới của Chính quyền Mỹ, nguy cơ này còn trở nên lớn hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề chuẩn bị đi vào kỷ nguyên mới, đồng thời đưa ra những quyết sách lớn, thực sự đó là cả một cuộc cách mạng. Để làm được cuộc cách mạng này, cần có rất nhiều thứ.
Với tôi, điều số một là lãnh đạo chúng ta đã nhìn thấy vấn đề. Điều số hai là hệ thống chính trị đã có quyết tâm. Điều số ba là phải có sự ủng hộ và tham gia chủ động, tích cực của cả đất nước này, cả dân tộc, cả bộ máy, cả xã hội. Điều số bốn là phải có môi trường hòa bình, ổn định, phải có bạn bè, đối tác quốc tế đứng bên cạnh.
Đối với các chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ hiện nay, chúng ta đã làm 3 điều rất chủ động. Một là đã hạ thuế quan với Mỹ. Hai là đã tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với khối lượng lớn, có lẽ chưa từng có. Ba là đã sẵn sàng, đã, đang và sẽ tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán với các đối tác Mỹ và Chính quyền Mỹ. Theo tôi hiểu, đây cũng chỉ là 3 trong số nhiều việc cụ thể trong quan hệ với Mỹ mà chúng ta làm.
Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, vượt lên trên vấn đề thuế quan, cần nhớ rằng 3 đột phá mà Đảng ta nêu ra trong hai kỳ Đại hội vừa qua vẫn còn nguyên giá trị. Thứ nhất, phải cải cách, cải tiến, điều chỉnh thể chế cho phù hợp để phát triển, bởi thể chế chính là khung, là nền, là định hướng để chúng ta đi. Thứ hai, phát triển hạ tầng. Không đất nước nào phát triển mà không có hạ tầng tốt. Cũng phải hiểu “hạ tầng” theo nghĩa rộng, không phải chỉ là đường sá, cầu cống, sân bay, hải cảng… mà còn là kỹ thuật và công nghệ. Thứ ba, nguồn nhân lực. Phải luôn hiểu rằng nhân lực là cốt lõi của mọi vấn đề, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đây là 3 đột phá không chỉ cho ngày một ngày hai, mà là những vấn đề mang tính chiến lược. Vì vậy tôi mới cho rằng cần đặt chính sách thuế quan của Chính quyền Mỹ hiện nay trong tổng thể của 3 bước đột phá này. Có vậy, đất nước chúng ta mới bảo đảm được sự chắc chắn và bền vững để đi vào kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình “Xuân quê hương” năm 2025 (Ảnh: TTXVN).
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Đại sứ, ngành ngoại giao Việt Nam cần làm gì để tiếp tục hỗ trợ việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới và thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào cũng như nước ngoài phục vụ phát triển đất nước?
– Tôi rất ấn tượng với việc chúng ta thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ mà Tổng Bí thư Tô Lâm là người đứng đầu. Điều đó nói lên tầm nhìn và quyết tâm chính trị của Lãnh đạo.
Tôi nhớ ngay khi là học sinh phổ thông từ thập niên 1960, tôi đã được dạy rằng khoa học – kỹ thuật là then chốt. Càng về sau này, tôi càng nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa quyết định của khoa học – công nghệ đối với sự phát triển quốc gia.
Trong thời đại hiện nay, muốn đi tắt, đón đầu, muốn đi nhanh, phát triển bền vững, muốn bước vào kỷ nguyên mới thì không thể không đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở vị trí cao nhất. Điều này đòi hỏi toàn thể xã hội, doanh nghiệp, người dân phải nhận thức được chủ trương của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước, và phải biến nhận thức đó thành hành động thực tế.
Người làm công tác đối ngoại và ngoại giao cũng phải hòa vào dòng chảy chung đó và thậm chí phải giữ vai trò tiên phong, vì họ là người có điều kiện tiếp cận trực tiếp với khoa học – công nghệ nước ngoài, có thể thấy trước và đi trước trong nước. Họ phải lăn vào để học hỏi, phải tìm được không chỉ những doanh nghiệp, những tập đoàn, những công ty trình độ cao, mà đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì công nghệ thích hợp rất quan trọng.
Muốn đi tắt thì phải có trình độ cao, nhưng nếu chỉ nhắm tới trình độ cao mà quên việc phải thực hiện bước chuyển đổi phù hợp thì cuối cùng trình độ cao chỉ là lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội, của hệ thống, còn cả xã hội, cả đất nước, cả dân tộc thì không. Trong phát triển công nghệ cũng vậy. Phải kết hợp giữa phát triển công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn hàng đầu của thế giới với phát triển công nghệ thích hợp. Chính đối ngoại và ngoại giao có thể giúp làm được chuyện đó.
Nhà báo vừa nhắc đến một điểm rất hay là trí thức kiều bào. Ngay từ khi ra Nghị quyết 36, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh rằng mọi người Việt đều là con Lạc cháu Hồng. Bác Hồ đã nói, bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Bởi vậy, dân ta phải biết sống độ lượng với nhau, có cái nhìn rộng lượng với nhau. Mà tôi xin mạnh dạn nói rằng đây là điều cần thiết không chỉ giữa bà con ta ở trong nước với bà con ta ở nước ngoài, mà ngay giữa bà con ta ở trong nước với nhau cũng vậy. Phải hướng đến một mục tiêu chung là sự phát triển và thịnh vượng của đất nước này. Và trong bối cảnh đó, đất nước rất cần trí thức Việt kiều, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực mũi nhọn. Nỗ lực tiếp cận được họ, giúp họ hiểu, tin và làm việc như những người “đồng bào” – tức là cùng từ bọc trăm trứng mà ra – đó là trách nhiệm nặng nề đặt ra cho đối ngoại.
Tất nhiên, muốn bắt tay thì cần có hai bàn tay. Trí thức Việt kiều cũng cần chân thành hiểu, tin và đáp ứng mong muốn của đất nước. Tôi nhớ Bác Hồ từng nói: Là con Hồng cháu Lạc, thì không ít thì nhiều ai cũng có lòng yêu nước. Tôi cũng nghĩ rằng, khi nói với Việt kiều, chúng ta cũng không được quên yếu tố chính quyền sở tại.
Với trí thức Việt kiều ở Mỹ, ngoài chủ trương chung, với việc Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ bổ sung một trụ cột mới trong quan hệ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành đối ngoại – ngoại giao lại có thêm cơ sở để chủ động, tích cực và nghiêm túc triển khai cùng với phía Mỹ.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tiêu đề: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Ông có cảm xúc gì khi đọc bài viết này?
– Tôi cho rằng riêng việc Tổng Bí thư chọn tiêu đề bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” đã nói lên tất cả. Như tôi nói ở trên, Bác Hồ cũng đã từng dạy: Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài viết, cũng chính Bác Hồ đã nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trong bối cảnh của Đại lễ dân tộc kỷ niệm Ngày 30/4 lịch sử năm nay, việc nhắc lại câu nói ấy, và phân tích đậm ý nghĩa và tinh thần của nội hàm ấy là rất quan trọng và cần thiết.
Đặt trong tầm nhìn mới về kỷ nguyên mới, rõ ràng để đất nước này, dân tộc này vươn lên, chúng ta không thể để có hai Việt Nam, ba Việt Nam hay nhiều Việt Nam trong tâm và trí của người Việt Nam. Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ trúng và đúng về nội dung, mà còn rất trúng và đúng thời điểm, giúp hướng chúng ta tới những suy nghĩ và nỗ lực hành động chung vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc này.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!