Dân Hàn Quốc khốn khổ vì ‘bọ tình yêu’ hoành hành

Dân Hàn Quốc khốn khổ vì ‘bọ tình yêu’ hoành hành

bởi

trong

“Bọ tình yêu” bùng nổ ở vùng thủ đô Seoul, phủ kín đường phố, cây cối, gây phiền toái cho người dân và lo ngại về môi trường.

“Bọ tình yêu”, hay Plecia longiforceps, đang trở thành một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất ở Hàn Quốc, khi chúng hoành hành trên đường phố, nhà cửa, chợ búa, gây phiền toái cho người dân và khiến giới chức lúng túng.

Loài côn trùng này được gọi là “bọ tình yêu” vì thường xuất hiện theo cặp, khi con cái và con đực bám vào nhau để giao phối khi bay. Loài sinh vật ngoại lai này bắt đầu xuất hiện ở vùng thủ đô Seoul từ năm 2015. Một số chuyên gia tin rằng chúng lan đến Hàn Quốc từ vùng đông nam Trung Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định thời tiết nóng lên do biến đổi khí hậu là nguyên nhân số lượng “bọ tình yêu” bùng nổ ở Seoul năm nay. Tuy nhiên, Shin Seung-gwan, nhà sinh vật học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết cách lý giải đó không thuyết phục, bởi loài này đang sinh sôi mạnh ở các khu vực gần Seoul, không phải ở các vùng ấm hơn tại phía nam Hàn Quốc.

“Tôi cho rằng hiện tượng này có thể liên quan nhiều hơn đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, khi nhiệt độ trong thành phố cao hơn đáng kể so với khu vực xung quanh”, ông Shin nêu quan điểm. “Tuy nhiên, quy mô bùng phát bọ tình yêu với số lượng hiện tại ở Seoul rõ ràng là rất bất thường, cần tiếp tục theo dõi”.

Dân Hàn Quốc khốn khổ vì ‘bọ tình yêu’ hoành hành

“Bọ tình yêu” phủ kín nhiều khu vực ở Hàn Quốc. Video: ABC News

Giới chức Hàn Quốc chưa có thống kê chính xác về mức gia tăng của quần thể “bọ tình yêu” trong năm nay so với những năm trước.

Theo giới khoa học, loài bọ này vô hại với con người, không cắn và cũng không mang mầm bệnh. Một YouTuber Hàn Quốc gần đây còn gom một túi đầy và chế biến chúng thành nhân bánh kẹp để ăn.

“Hương vị không phải xuất sắc, nhưng tôi nghĩ là ăn được. Chúng có mùi đặc trưng mà chúng tỏa ra trên núi. Vị giống như cây cỏ vậy”, người này nói.

“Tội” duy nhất của chúng, ở thời điểm hiện tại, là gây cảm giác ghê sợ, giới quan sát cho biết.

Theo khảo sát của công ty dữ liệu địa phương Embrain, “bọ tình yêu” còn bị người Seoul ghét hơn cả gián và rệp giường. 86% người được hỏi cho rằng đây là loài gây hại.

Theo dữ liệu chính phủ, số khiếu nại được gửi lên chính quyền Seoul về loài bọ này đã tăng hơn gấp đôi, từ 4.418 đơn năm 2022 lên 9.926 đơn năm 2024.

“Tôi đi đâu cũng thấy bọ. Tôi không thể tiếp tục sống như thế này”, Park, nhân viên văn phòng 26 tuổi, nói, chỉ vào cửa sổ văn phòng phủ kín bọ.

Một số con còn bay vào nhà, khiến Park mất ngủ. Cô vừa quyết định chuyển nhà khỏi quận Eunpyeong ở Seoul do bọ hoành hành trong năm nay. “Chỉ tưởng tượng đến cảnh bọ bay vào nhà lúc rạng sáng, tôi đã rùng mình”, cô nói.





Người phụ nữ đeo kính che mặt, dùng quạt để xua bọ tình yêu trên đỉnh núi Gyeyang ở Incheon, Hàn Quốc ngày 30/65. Ảnh: AP

Người phụ nữ đeo kính che mặt, dùng quạt để xua “bọ tình yêu” trên đỉnh núi Gyeyang ở Incheon, Hàn Quốc ngày 30/65. Ảnh: AP

Choi Min-seoul, 28 tuổi, gần đây cũng phải bỏ thói quen chạy bộ dọc sông Hàn sau giờ làm, chuyển sang tập gym trong phòng. “Bọ bám hết vào người, mặt mũi khiến việc chạy bộ ngoài trời trở nên khó khăn. Tôi còn mặc áo rộng rãi và từng nuốt phải một con bọ. Tôi mất hết động lực duy trì thói quen này”, Choi nói.

Nỗi ghét bỏ này phổ biến đến mức trở thành chủ đề để ví von, công kích lẫn nhau trên chính trường Hàn Quốc. Nghị sĩ đối lập Ahn Cheol-soo đã sử dụng hình ảnh “bọ tình yêu” để chỉ trích việc Tổng thống Lee Jae-myung bổ nhiệm một cựu thống đốc từng bị kết án vì bê bối chính trị năm 2019 vào nội các.

Năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền Seoul nên xếp “bọ tình yêu” vào danh sách sinh vật gây hại vì chúng gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của người dân. Động thái này sẽ cho phép giới chức tiêu diệt chúng bằng hóa chất, nhưng chính quyền Seoul đã từ bỏ ý tưởng này sau khi các nhà hoạt động môi trường nêu lo ngại về sức khỏe và an toàn.

Năm nay, khi công chúng cạn kiên nhẫn, thành phố đang thử hướng tiếp cận khác, mở chiến dịch truyền thông nhằm cải thiện hình ảnh “bọ tình yêu” trong mắt người dân.

“Bọ tình yêu không phải loài gây hại. Kiểm soát dịch hại quá mức chỉ làm tổn hại môi trường và sức khỏe người dân, cần hạn chế tối đa. Dù trông đáng sợ, chúng cũng mang lợi ích. Những con trưởng thành giúp thụ phấn cho hoa. Ấu trùng loài này cũng hỗ trợ quá trình ủ phân tự nhiên của đất”, video do Bộ Y tế Hàn Quốc đăng tháng trước có đoạn.





Hai cá thể bọ tình yêu đang giao phối ở Seoul. Ảnh: Guardian

Hai cá thể “bọ tình yêu” đang giao phối ở Seoul. Ảnh: Guardian

Đức Trung (Theo Korea Herald, Korea Times, Chosun)