Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ghép hình ảnh cá nhân vào các khung cảnh giả định “bị cảnh sát giao thông xử phạt”, kèm theo các câu từ hài hước hoặc trào phúng.
Nhiều người xem đây là cách “bắt trend” hoặc giải trí. Tuy nhiên, đây không chỉ là một trò vui vô hại mà có thể tiềm ẩn rủi ro về pháp lý.

Hình ảnh được tạo bởi AI khiến nhiều người tưởng thật (Ảnh: Cục CSGT).
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc này, luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, cho biết việc sử dụng công cụ AI để tạo hình ảnh là hành vi không bị cấm nếu không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hoặc cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, theo luật sư, nếu hình ảnh đó được lan truyền rộng rãi mà không ghi rõ là sản phẩm của AI, hoặc đi kèm bình luận xuyên tạc, chế giễu, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng chức năng, người đăng tải hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư viện dẫn, về chế tài xử phạt hành chính tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (đối với tổ chức), và từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (đối với cá nhân).
Ngoài ra, nếu hành vi sử dụng AI để tạo ảnh giả bị xử phạt, sau đó người đăng tải cố ý lan truyền kèm theo lời bình có tính xuyên tạc, xúc phạm, bôi nhọ hoặc hạ thấp uy tín lực lượng cảnh sát giao thông thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tội danh này có khung hình phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.
Qua sự việc này, luật sư cũng đưa ra khuyến cáo, người dân có thể tự do sáng tạo, thể hiện cá tính trên không gian mạng, nhưng cần được đặt trong khuôn khổ pháp luật.
“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, người dùng cần ý thức rõ ranh giới giữa giải trí và vi phạm pháp luật. Những nội dung có yếu tố nhạy cảm liên quan đến lực lượng công quyền, nếu không được thể hiện một cách cẩn trọng, có thể gây ra hậu quả pháp lý mà người đăng tải không lường trước được”, luật sư Hiển nói.
Cũng theo luật sư, các bạn trẻ, đặc biệt là những người làm nội dung số, trước khi đăng một bức ảnh “cho vui”, hãy tự hỏi “liệu người khác có thể hiểu nhầm không, liệu nội dung này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nào không?”.
“Tôi cho rằng đã đến lúc cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chuyên gia pháp lý và các nền tảng mạng xã hội trong việc tuyên truyền, cảnh báo rủi ro của nội dung AI, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, tôn trọng sự thật và pháp luật”, luật sư Hiển chia sẻ thêm.
Cũng liên quan tới việc này, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đang nở rộ trào lưu sử dụng AI Gemini và Chat GPT để tạo hình ảnh giả tạo, sai sự thật “bị CSGT xử phạt vi phạm bên xe sang” trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
“Đây là hành vi phạm pháp luật về sử dụng hình ảnh thông tin sai sự thật, sẽ bị xử lý nếu đăng tải. Hình ảnh được tạo bởi AI Gemini với bức ảnh chi tiết sắc nét khi được đăng tải sẽ khiến nhiều người tưởng thật”, vị đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.