Tổng đài viên Phạm Thị Nọ (33 tuổi) hướng dẫn người báo tin cách sơ cứu cho bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trong lúc chờ xe cấp cứu.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM là một trong 29 tỉnh, thành trên cả nước trước khi sáp nhập có đầu số 115, còn lại giao cho cơ sở y tế tư nhân phụ trách hoặc chưa có đầu mối này, theo báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế.
Mô hình cấp cứu ngoại viện điển hình nhất tại Việt Nam là một trung tâm cấp cứu giữ vai trò điều phối, cùng mạng lưới trạm vệ tinh phân bố tại các bệnh viện trên địa bàn. Trước sáp nhập, Trung tâm 115 TP HCM gồm 45 trạm vệ tinh rải khắp thành phố – nhiều nhất cả nước.
Đội ngũ nhân viên y tế 115 là những người đầu tiên tiếp nhận ca bệnh, xác định mức độ khẩn cấp và hành động để tranh thủ “giờ vàng” cấp cứu bệnh nhân. Thời gian đáp ứng cấp cứu được tính từ lúc tiếp nhận cuộc gọi; xuất xe; tiếp cận hiện trường; xử lý và vận chuyển. Mỗi khâu trong chuỗi phản ứng sau cuộc gọi 115 đều góp phần quyết định tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.
Theo nghiên cứu Thời gian phản hồi của dịch vụ y tế khẩn cấp và tỷ lệ tử vong trong bối cảnh đô thị đăng trên tạp chí Prehospital Emergency Care, nếu xe cấp cứu đến trong vòng 8 phút, tỷ lệ tử vong là 7,1%; còn dưới 7 phút, tỷ lệ này giảm xuống còn 6,4%.
Thời gian đáp ứng càng ngắn, hy vọng sống của người bệnh càng cao. Nhưng thực tế quy trình cấp cứu luôn tiềm ẩn nhiều biến số có thể đảo chiều sinh – tử.
Thời gian phổ biến nhất của từng hoạt động trong cấp cứu ngoại
viện
(tính theo trung vị, thống kê năm 2023 của Trung tâm Cấp cứu
115 TP HCM)
Dưới 5 phút là thời gian kích hoạt cấp cứu phổ biến từ lúc nhận điện thoại đến khi xuất xe. Trung tâm 115 TP HCM tiếp nhận trung bình 1.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, giải quyết 40-60% tin báo trong hệ thống cấp cứu ngoại viện, còn lại là bệnh viện và các đơn vị tư nhân. Tổng đài 115 hoạt động 24/7, với hai khung thời gian bận rộn nhất là 8-15h và 16-23h. Các cuộc gọi được chia đều cho 6 đường dây tổng đài viên vào ban ngày, và 3 người trực ban đêm.
Dù số cuộc gọi lớn, thực tế chưa tới 10% có nhu cầu cấp cứu thực, còn lại là các cuộc gọi trao đổi ngoài chuyên môn, quấy phá, hoặc cấn máy.
Số cuộc gọi cấp cứu và lượt xuất xe thực tế của Trung tâm 115 TP HCM
Nguồn: Sở Y tế TP HCM
Theo BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, tất cả cuộc gọi vào đầu số 115 đều được tổng đài viên xử lý như nhau. Tuy nhiên, các cuộc gọi không rõ nội dung sẽ không được kích hoạt xử trí. Nhiều trường hợp trong số này là say xỉn, hoặc gọi để chọc phá, tâm sự… gây không ít áp lực, bức xúc cho các nhân viên y tế.
“Số cuộc gọi không rõ nội dung chiếm lưu lượng lớn khiến khối lượng công việc của người tiếp nhận rất nhiều, gây lãng phí không ít thời gian, ảnh hưởng đến những cuộc gọi cần cấp cứu thật sự đang chờ”, ông nói.
Tổng đài viên Phạm Thị Nọ (33 tuổi) kể về các ca báo cấp cứu ‘giả’
Trong 33 lý do yêu cầu cấp cứu, tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất (20,14%), sau đó là rối loạn tri giác (13,41%) và khó thở (13,1%)… Việc xác định tình trạng bệnh và các triệu chứng thông qua tin báo của người dân là cơ sở quan trọng nhất để các tổng đài viên tiến hành phân loại bệnh nhân theo ba mức độ.
Đỏ là nguy cấp nhất, đe doạ tính mạng, đòi hỏi cấp cứu xuất xe ngay, như ngưng tim, đột quỵ, tai nạn thương tích nặng. Vàng là trường hợp cấp cứu cần đến nơi sớm, nhưng chưa phải ưu tiên tuyệt đối, như sốt cao liên tục, đau bụng dữ dội… Còn xanh là tình trạng cần hỗ trợ y tế, nhưng có thể chờ tư vấn qua điện thoại hoặc hướng dẫn tự đi khám.
Tuy nhiên thực tế, người báo tin không phải lúc nào cũng có đầy đủ thông tin về bệnh nhân, hoặc biết cách cung cấp cho tổng đài viên. Hầu hết cuộc gọi thường chỉ báo địa chỉ và tình trạng, đòi hỏi cấp cứu có mặt ngay. Trong khi, việc thiếu thông tin ban đầu về người bệnh sẽ gây khó khăn trong phân loại, chưa kể ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cả thiết bị lẫn chuyên môn của kíp cấp cứu.
Thông tin cơ bản cần cung cấp khi gọi 115
- Cung cấp chính xác địa chỉ/địa điểm
-
Tình trạng bệnh nhân: Tỉnh/bất tỉnh, thở/không thở, chảy
máu, co giật, bệnh nền (nếu có)… - Thời điểm xảy ra vụ việc
- Nguyên nhân (tai nạn giao thông, đột quỵ…)
- Cung cấp thông tin người hỗ trợ tại hiện trường
Thời gian tiếp cận hiện trường của kíp cấp cứu thường trong khoảng 12 phút. Nhanh nhất là 5 phút và dài nhất có thể lên tới 155 phút, theo số liệu của Trung tâm 115. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ thường do tắc đường hoặc khoảng cách xa giữa trạm cấp cứu và vị trí bệnh nhân.
Theo bác sĩ Long, đặc thù của Việt Nam chưa có xe cấp cứu chuyên dụng, mà đều là xe 16 chỗ được hoán cải thành các khoang, buồng chứa, và lắp đặt thêm thiết bị phục vụ mục đích cấp cứu. Với xe chuyên dụng, thiết bị cấp cứu được gắn mặc định nhờ có hệ thống điện sạc và đảm bảo nhiệt độ bảo quản phù hợp. Trong khi đó tại Việt Nam, nhân viên y tế phải sạc và lưu trữ thiết bị ở ngoài xe. Mỗi chuyến cấp cứu, họ luôn phải mất vài phút chuẩn bị và mang theo một vali hoặc balo thiết bị khoảng 10 kg.
“Dù không ảnh hưởng nhiều đến thời gian vàng cấp cứu, việc này khiến lực lượng y tế vất vả hơn bởi phải luôn ghi nhớ và mang vác đầy đủ thiết bị lên xe”, bác sĩ Long nói.