Dành mùa hè tình nguyện dạy tiếng Anh

Dành mùa hè tình nguyện dạy tiếng Anh

bởi

trong
Dành mùa hè tình nguyện dạy tiếng Anh

Lớp học tiếng Anh thu hút đông đảo các em học sinh tham gia – Ảnh: MINH PHƯƠNG

Hành lý của các “giáo viên tuổi teen” ngoài quần áo, sách vở, giáo án còn có tinh thần háo hức cho “chuyến đi thay đổi mình”.

Từ ý tưởng đến dự án tình nguyện ý nghĩa

Đến Tây Nguyên, vài ngày đầu còn hơi bỡ ngỡ nhưng hiện những học sinh từ TP.HCM đã bắt nhịp, đứng lớp nhuần nhuyễn. Bạn Phan Gia An (học sinh Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM), thủ lĩnh nhóm, cho biết dự án có 52 bạn tham gia, chia làm bốn nhóm luân phiên lên Đắk Lắk trong một tháng hè.

“Lúc đầu chưa quen thời tiết, chỗ ở nhưng vì rất hào hứng nên ai cũng nhanh chóng bắt nhịp”, Gia An kể.

Ý tưởng bắt đầu từ một buổi trò chuyện trong lớp, khi bạn Võ Thị Châu Anh, học sinh quê Đắk Lắk, chia sẻ về hoàn cảnh của những học sinh dân tộc thiểu số ít được học tiếng Anh, càng hiếm có cơ hội tiếp xúc với giáo viên trẻ, phương pháp sinh động. 

“Nghe xong, tụi mình cứ day dứt mãi. Là học sinh thành phố, tụi mình có điều kiện hơn rất nhiều. Tại sao không làm điều gì đó có ích trong mùa hè này?”, Gia An nhớ lại.

Từ một lời kể, nhóm ba bạn gồm: Gia An, Châu Anh, Hoài Thu bắt đầu lên kế hoạch. Chẳng bao lâu, nhóm mở rộng thành 52 tình nguyện viên từ khắp các trường THCS và THPT tại TP.HCM. 

Dự án được triển khai tại ba điểm trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Ngô Mây và Mạc Thị Bưởi ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, thu hút hơn 300 học sinh đăng ký tham gia.

“Chúng mình mở lớp cho học sinh khối 3, 4 và 5, tập trung ôn kiến thức cơ bản và dạy bài mới qua trò chơi, ca hát, học nhóm… để các em không thấy nhàm chán, dễ nhớ bài hơn”, Gia An chia sẻ. Ban đầu, một số em tỏ ra e dè, chưa hứng thú với tiếng Anh. 

Nhưng chỉ sau vài buổi học, không khí lớp học dần sôi động. Các em tự giác đến lớp sớm, chăm ghi bài, nhớ từ vựng, đọc to câu chào “Hello teacher!” mỗi khi các tình nguyện viên bước vào. 

“Chúng mình khuyến khích các em bằng quà bánh, trò chơi, rồi kiên nhẫn cầm tay hướng dẫn từng bạn. May mắn là các em rất ngoan, đáng yêu, thậm chí còn xin học thêm giờ”, một tình nguyện viên chia sẻ.

Mình cứ nghĩ đến đây là để cho các em kiến thức, niềm vui, nhưng thật ra chính mình mới là người được nhận lại nhiều hơn. Từ các em, mình học được sự sẻ chia, được truyền động lực và biết trân quý những điều tưởng chừng rất bình thường ở nơi mình đang sống.
Phan Gia An (học sinh Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM)

Trưởng thành từ những điều giản dị

Theo các bạn học sinh TP.HCM, dự án “Nắng cao nguyên” không chỉ mang kiến thức đến với học sinh vùng cao, mà còn là bài học trưởng thành cho chính các “thầy cô” tuổi teen. 

“Lần đầu tụi mình tự lên kế hoạch, viết giáo án, rồi gây quỹ bằng cách bán nước trước cổng trường cùng phụ huynh… Tụi mình vốn là học sinh thành phố, ít va chạm gian khó, nhưng sau chuyến đi này, mình thấy bản thân mạnh mẽ hơn rất nhiều”, Gia An chia sẻ.

Sau nhiều ngày dạy học, vui chơi với các em học sinh vùng cao, Gia An nhận ra, chính mình và các bạn mới là những người được nhận lại nhiều hơn. 

“Tụi mình cứ nghĩ đến đây là để cho các em kiến thức, niềm vui, nhưng thật ra chính tụi mình mới là người được nhận lại nhiều hơn. Từ các em, tụi mình học được sự sẻ chia, được truyền động lực và biết trân quý những điều tưởng chừng rất bình thường ở nơi mình đang sống”, Gia An xúc động.

Khép lại một tháng hè rực rỡ, “Nắng cao nguyên” để lại những ánh mắt lưu luyến, những lời hứa “sẽ quay lại” và những bàn tay bé xíu níu áo các tình nguyện viên không rời. “Dù còn nhiều khó khăn, tụi mình nhất định sẽ trở lại Đắk Lắk – vùng đất đã cho tụi mình những kỷ niệm tuyệt vời nhất”, các bạn nhắn gửi.

Hiệu ứng tích cực

Không chỉ được các em học sinh và phụ huynh tin tưởng, hiệu trưởng các trường tiểu học cũng ghi nhận hiệu ứng tích cực mà dự án mang lại. Cô Lại Thị Tân, hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, cho biết ngay sau khi triển khai dự án, trường đã có 55 học sinh đăng ký tham gia. “Sau vài buổi học, các em rất hào hứng, sáng nào cũng giục bố mẹ đưa đến lớp sớm”, cô Tân chia sẻ.

Tại Trường tiểu học Mạc Thị Bưởi, cô Vũ Thị Chanh, hiệu trưởng nhà trường, xúc động cho biết có 120 học sinh tham gia. “Các bạn tình nguyện viên không chỉ dạy học mà còn tặng vở, bút, bánh kẹo. Các em rất vui, không khí lớp học lúc nào cũng rộn ràng”.

Học trò dần tự tin hơn

Từ những lớp học đơn sơ ấy, tình cảm giữa các “giáo viên nhí” và học trò vùng cao thêm gắn bó. Những đứa trẻ vốn nhút nhát dần mạnh dạn phát biểu, đọc to tiếng Anh giữa sân trường. Em H’Xô Phia Adrơng, học sinh lớp 5B, buôn Ju, phường Tân An, rụt rè trong những ngày đầu, nay đã tự tin hơn. “Em thích học tiếng Anh vì được các anh chị dạy hát bài Hello Song, lại còn chơi trò chơi nữa!”, H’Xô cười tít mắt.

Dành mùa hè tình nguyện dạy tiếng Anh - Ảnh 3.Dành mùa hè rèn luyện kỹ năng

Với nhiều sinh viên, mùa hè là thời điểm vàng để làm đẹp hồ sơ xin việc (CV), tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng.