Những ngày này, người từng ngồi chỉ đạo diễn xuất nhiều tác phẩm ăn khách, có phim đạt hơn 100 tỉ đồng, luôn bận rộn với công việc. Giữa những lúc nghỉ giải lao khi casting phim mới, Charlie Nguyễn kể với PV Thanh Niên nhiều chuyện về nghề, về cuộc đời.
Sau 10 năm ở Mỹ, nguyên do nào khiến ông trở về quê hương năm 1992 để lập hãng phim Chánh Phương? Tên Chánh Phương có ý nghĩa gì?
Tôi lấy tên Chánh Phương vì gia đình họ Nguyễn Chánh. Ông nội là Nguyễn Chánh Minh, ba Nguyễn Chánh Sử, chú Nguyễn Chánh Tín, tôi là Nguyễn Chánh Trực, em trai Johnny Trí Nguyễn là Nguyễn Chánh Minh Trí… Bà nội tôi từng đoạt giải Hoa khôi Bạc Liêu – Cà Mau.
Nguyễn Chánh là họ của cô, chú, bác, các con, cháu. Chánh Phương có ý chọn hướng đúng và Chánh là không phải tà. Duyên tới thì về thôi. Từng học và sau đó làm nghề bên Mỹ nhưng rồi một ngày nọ, tôi trở về VN vì cơ duyên đến khi thuyết phục được anh Vân Sơn (con của cô ruột) về VN làm bộ phim thứ 2 của mình – Vật đổi sao dời năm 2000.
Phim điện ảnh đầu tay ông chọn đề tài lịch sử VN, quay trên đất Mỹ là Thời Hùng Vương thứ 18 . Vì sao ông chọn đề tài này?
Tôi làm điện ảnh vì mê sử Việt và võ thuật. Khi làm phim đầu tay này, bên Mỹ đâu có cảnh VN nên phải dựng hết bối cảnh, đạo cụ và trang phục. Cả gia đình đều nhào vô làm, có thêm mấy “đệ tử” cỡ 15, 16 tuổi phụ. Tôi và Johnny Trí Nguyễn lập đội múa lân nên có nhiều “đệ tử” tham gia. Từ nhỏ, tôi rất thích coi múa lân vì gần gũi với võ thuật. Tôi xin tiền mua 2 con lân và trống. Chúng tôi không chỉ múa mà thích biểu diễn những chiêu thức coi đã mắt, như hất Johnny đứng lên vai tôi để múa. Chúng tôi biểu diễn ở California vào mùa tết mỗi năm. Đây cũng là nhóm sau này hợp tác làm phim đầu tay Thời Hùng Vương thứ 18 “đốt” hết 300.000 USD, được đánh giá… dở! Nhưng nhờ đó mà tôi bắt đầu học nghề. Mới đó mà hơn 30 năm rồi.
Đạo diễn Charlie Nguyễn trong một buổi chia sẻ về điện ảnh
Ông theo học võ từ ai, và biết những loại võ gì?
Gia đình tôi 3 đời theo nghề võ. Ông nội là võ sư nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, sau này còn tham gia chống Pháp, thành lập lực lượng kháng Pháp (Mặt trận Hà Tiên). Ông từng sáng lập ra Liên Phong quyền, nay đang được Johnny Trí Nguyễn tiếp nối tại võ đường Liên Phong (TP.HCM) nên tôi được theo học từ nhỏ. Sau này tôi còn học Aikido, Thái cực quyền, Hồng gia quyền, Vịnh Xuân quyền, Wushu…; nói chung là học lóm rất nhiều môn phái. Giờ nhìn lại vẫn nhớ các thế võ, nhưng nếu ra đòn thì chắc không còn lực hay chính xác.
Tác phẩm đầu tiên ông đạo diễn được quay tại VN là Vật đổi sao dời đạt doanh thu hòa vốn không?
Phim này tôi nhớ tổng chi phí thực hiện chỉ 35.000 USD. Tôi cứ xúi anh Vân Sơn về VN làm phim trong khi anh chỉ chuyên làm show và diễn hài. Rủ hoài, riết anh Sơn cũng xiêu lòng. Anh đọc kịch bản tôi viết thấy khoái nên đồng ý.
Vật đổi sao dời quy tụ toàn ngôi sao lúc đó là Vân Sơn, Bảo Liêm, Quang Minh, Hồng Đào và có cả đứa em gái Tawny Trúc Nguyễn đóng. Trước đó tôi mời Hồng Ánh nhưng cô ấy kẹt show. Johnny Trí Nguyễn phụ trách quay phim, tôi làm đạo diễn. Phim có lời chút đỉnh, không lỗ vốn là may rồi vì thời đó ít rạp lắm, đa số người dân cũng chưa có thói quen đến rạp xem phim.
Dòng máu anh hùng ra rạp gần 20 năm trước gây tiếng vang, đoạt nhiều giải thưởng nhưng tiếc thay lại thua lỗ. Nếu cho quay lại quá khứ, ông có thực hiện phim này không?
Tôi đâu ngờ phim thứ hai quay tại VN đầu tư quá nhiều tiền, lên đến 1,6 triệu USD. Chấp nhận “chơi” thì không thể bỏ giữa chừng. Tôi và gia đình quyết định vay ngân hàng 70% để làm. Người đứng tên vay là vợ chồng em gái và chú Nguyễn Chánh Tín.
Phim được đánh giá cao nhưng vẫn lỗ vì lúc đó thị trường phim chiếu rạp cực kỳ nhỏ, rất ít rạp nên cũng ít khán giả. Chánh Phương trả nợ đến nay gần 19 năm mới xong. Cũng may, sau này nhờ chúng tôi làm một vài bộ phim đạt doanh thu cao nên có tiền trả nợ dần.
Nếu quay lại quá khứ, tôi cũng làm Dòng máu anh hùng nhưng sẽ khéo léo hơn để giảm ngân sách. Thời đó tôi thiếu kinh nghiệm sản xuất nên kéo dài thời gian làm phim, vì vậy chi phí đội lên quá cao.
Trước đây ông hay chọn đề tài hài hước để làm, phải chăng vì áp lực doanh thu?
Hài rất khó làm nên tôi thích. Thị trường chấp nhận thể loại này nên hút khách thôi. Làm phim thời đó là cuộc chơi thỏa mãn đam mê, chứ không phải là nghề kinh doanh thực thụ.
Sau Dòng máu anh hùng, anh Dustin Nguyễn – nhà làm phim Mỹ gốc Việt – mời tôi về VN quay tiếp. Tôi sướng điên. Rồi Để Mai tính ra rạp năm 2010.
Vì sao ông không còn làm phim hài đậm tính giải trí từng đạt doanh thu cao như Tèo em, Long ruồi, Để Mai tính, Em chưa 18 …?
Tôi vẫn làm nhưng ở vai trò nhà sản xuất, biên kịch cho các hãng phim và đạo diễn. Tôi sắp làm phim ma hài, giữ vai trò nhà sản xuất sáng tạo, Phan Xi Nê đạo diễn, tháng 8 này chúng tôi khởi quay.
Ông nhận xét thế nào về việc làm phim ở Mỹ và VN?
VN luôn ồn ào, náo nhiệt, mọi người lúc nào cũng tất bật, vội vàng. Ngày đặt chân đến Texas (Mỹ), tôi bỡ ngỡ vì cảnh vật và món ăn đều xa lạ. Đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới thấy bóng người. Tôi vật lộn với chuyện học hành vì tất cả đều bằng tiếng Anh. Còn điểm giống nhau khi làm nghề thì ở đâu cũng phải có kịch bản hay, đạo diễn và diễn viên giỏi, cộng thêm đội ngũ làm phim lành nghề, trang thiết bị hiện đại.


Charlie Nguyễn trên trường quay Gama: Dục tốc bất bại – game show do ông làm đạo diễn
Theo ông, kịch bản phim – khâu được cho là yếu nhất của điện ảnh Việt hiện nay – cần thêm những yếu tố nào để thu hút khán giả?
Kịch bản giữ vai trò cột trụ, quyết định thành bại, là linh hồn của dự án. Kịch bản dở thì cho dù đạo diễn giỏi cỡ nào cũng rất khó thành công. Đội ngũ biên kịch VN hiện còn nhiều giới hạn. Số lượng biên kịch tài năng quá ít, gần như đạo diễn phải kiêm luôn biên kịch.
Công thức để viết kịch bản thì không nhưng cấu trúc thì có. Nếu học hành đầy đủ, biết cách xây dựng tâm lý nhân vật thì lúc kể chuyện sẽ hấp dẫn, lôi cuốn, tạo cảm xúc cho người xem hơn. Ngược lại, sẽ không thể làm hay được. Học chỉ am hiểu lý thuyết, còn sáng tạo do bẩm sinh mỗi người. Nội lực sáng tạo không dạy được và nó hiếm quý trong nghệ thuật kể chuyện.
Kịch bản phải có ý tưởng hấp dẫn, cấu trúc vững chắc, xây dựng nhân vật đủ chiều sâu, thông điệp mạnh mẽ kèm theo phong cách kể chuyện sáng tạo độc đáo. Nói thì vắn tắt nhưng để biên kịch thực hành thành thạo thì mất rất nhiều năm kiên trì với nghề. Ai thiếu đam mê sẽ bỏ cuộc.
Động lực nào khiến ông và em trai – Johnny Trí Nguyễn – thực hiện 2 phim lịch sử: Dòng máu anh hùng 2: Nhạn trắng Cà Mau và Hộ linh tráng sĩ: Bí ẩn mộ vua Đinh?
Đơn giản là vì anh em tôi rất mê võ thuật và lịch sử, thích những câu chuyện mang hai yếu tố đó. Hộ linh tráng sĩ: Bí ẩn mộ vua Đinh thì tôi chỉ hỗ trợ, cố vấn kịch bản cho nhà sản xuất và đạo diễn, còn Trí đóng một vai trong phim và làm đạo diễn hành động.
Dòng máu anh hùng 2: Nhạn trắng Cà Mau tôi sẽ làm đạo diễn, tổ biên kịch gồm tôi, Johnny Trí Nguyễn và vài anh em khác. Hiện giờ chúng tôi đang phát triển kịch bản đến năm 2026 mới tính đến chuyện sản xuất. Nhưng chắc chắn rằng Trí sẽ vào vai ông nội – võ sư Nguyễn Chánh Minh.
Gia tộc Nguyễn Chánh sản sinh ra nhiều tài năng điện ảnh như Nguyễn Chánh Tín, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Vân Sơn, Nguyễn Dương… là hậu duệ của ông Nguyễn Chánh Minh với danh xưng Nhạn trắng Cà Mau. Ông gửi gắm gì ở bộ phim này?
Giờ chỉ còn ba tôi và bác ba còn sống. Hy vọng làm phim này để ba và bác ba xem được, như một lời tri ân. Được làm phim ngay trên quê hương, lại là phim lịch sử, kể về ông nội thì tôi cho rằng mình là người hạnh phúc.
Tôi dự trù Dòng máu anh hùng 2 phải tốn đến 3,5 – 4 triệu USD mới làm nổi. Nếu có nhiều tiền hơn nữa thì càng tốt. Nếu ít hơn sẽ khó sản xuất vì câu chuyện và những màn hành động khá quy mô, hoành tráng.
Charlie Nguyễn chỉ đạo một cảnh quay
Ông có kỷ niệm đáng nhớ nào với người chú – diễn viên Nguyễn Chánh Tín?
Kỷ niệm khó quên là khi chú Tín chở tôi ngồi trên bình xăng phía trước chiếc xe Honda đi xem chú diễn kịch. Khi đến rạp hát, khán giả la ó hai bên cổng, kêu tên chú rần rần. Tôi nhớ khi thấy hình chú trên poster đoàn kịch Bông Hồng, cảm giác rất ấn tượng. Có thể trải nghiệm đó ươm mầm cho sự đam mê nghệ thuật của tôi sau này.
Hãng phim Chánh Phương phối hợp với Netflix tổ chức chương trình đào tạo và hỗ trợ tài năng điện ảnh mang tên Practical Series Production do ông chịu trách nhiệm chính. Đến nay dự án này đào tạo được nhân sự cho ngành điện ảnh nước nhà hay chưa?
Trước đó tôi từng thực hiện một số workshop về làm phim cho các bạn trẻ. Netflix thấy tôi thích mở lớp nên mời hợp tác để dạy viết kịch bản phim dài tập. Netflix tài trợ cho các em học miễn phí cùng với kinh phí để làm phim ngắn. Khi có cơ hội, tôi vẫn tiếp tục làm những dự án như thế và đang dạy một khóa về biên kịch.
Giờ cơ hội đến với điện ảnh rộng mở rất nhiều do có công nghệ hỗ trợ. Ai cũng có thể làm phim được. Chỉ cần điện thoại, laptop là làm được. Ngày trước muốn làm phim phải tốn rất nhiều tiền. Ngày nay các bạn trẻ sướng hơn tôi hồi xưa nhiều.
Từng làm giám khảo cuộc thi Sáng tác truyện tranh Comink – Comic Contest 2022 nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực truyện tranh, ý tưởng làm phim từ truyện tranh của ông có thực hiện được không?
Cuộc thi nhằm khuyến khích những bạn trẻ thích vẽ, thích truyện tranh tham gia. Tôi muốn tạo sân chơi để các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận, phát triển đam mê kể chuyện bằng hình ảnh.
Dự án game show đua xe mới nhất Gama – Dục tất bất bại ông tham gia với cương vị đạo diễn có gì mới?
Tôi là người tạo ra game này với 16 bạn tham gia đua xe Go Kart. Mỗi tập sẽ loại dần cho đến cuối để tìm ra tay đua xuất sắc nhất.
Có người nói với tôi game show đang vào giai đoạn thoái trào, sao lại nhận lời làm đạo diễn cho Dục tất bất bại. Tôi thì thấy đây là cơ hội thách thức sáng tạo nên tham gia để trải nghiệm. Game show đầu tiên về đua xe tại VN nên kích thích tôi làm. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mê tốc độ.
Ở tuổi U.60, công việc có làm ông căng thẳng khi phải đảm đương vai trò đạo diễn, giảng viên, nhà sản xuất…?
Không có việc gì làm mới buồn, công việc là niềm vui mà. Sống ở đâu tôi cũng kiếm ra chuyện để làm, không ngại tuổi tác. Giờ sức khỏe giảm sút nên năng suất làm việc không được như xưa. Nhưng mấy hôm nay tôi cày 1 ngày 14 – 15 tiếng là bình thường.