Nắm bắt xu hướng đó, Viện ABAII phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức khóa học “Đạo đức AI” lần đầu tiên tại Việt Nam, nhằm trang bị kiến thức và thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái AI có trách nhiệm.

Khoá học được tổ chức tại Hà Nội ngày 12-13.5 và tại TP.HCM ngày 15-16.6, thu hút hơn 500 học viên là chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên và nhà nghiên cứu.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII nhấn mạnh: “AI không nên thay thế con người mà phải nâng tầm con người. Đạo đức AI không phải là lựa chọn, mà là nền móng của niềm tin xã hội trong kỷ nguyên số.”
Đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM ông Jeremy Luna, Tùy Viên báo chí chia sẻ: “Khi AI hiện diện trong mọi lĩnh vực, điều quan trọng là phải phát triển và ứng dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm”.

Ông Jeremy Luna – Tuỳ Viên báo chí Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phát biểu.
ẢNH: ABAII
Trong vai trò giảng viên, ông Thành cũng chỉ ra rằng các công ty lớn đang tập trung xây dựng những nguyên tắc, công cụ và lộ trình kiểm soát để bảo đảm AI không gây hại và phục vụ lợi ích xã hội. Và điểm chung mà các doanh nghiệp lớn đang hướng tới là xây dựng hệ thống AI minh bạch, có trách nhiệm.
Tại Việt Nam, bà Trần Vũ Hà Minh, thành viên Hội đồng ABAII cho rằng sự quan tâm, xây dựng và ứng dụng AI có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Vì vậy, các khóa học như thế này là rất cần thiết để hình thành nguồn nhân lực phát triển AI có trách nhiệm.
Các diễn giả khác như ông Jeffery Recker – Giám đốc điều hành Babl AI, và ông Nguyễn Trần Minh Quân – Giám đốc Pháp chế Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã giới thiệu hệ thống tiêu chuẩn quốc tế như UNESCO, OECD, NIST, và các sắc lệnh AI gần đây của Hoa Kỳ, từ đó đưa ra khuyến nghị xây dựng lộ trình tuân thủ đạo đức AI ngay từ đầu.
Khóa học khép lại với mục tiêu không chỉ nâng cao nhận thức, mà còn kết nối mạng lưới chuyên gia đa ngành, cùng xây dựng cộng đồng ứng dụng AI có trách nhiệm tại Việt Nam – một bước đi chiến lược trong việc chủ động đối mặt với thách thức công nghệ trong tương lai.