Đào tạo diễn viên – liệu có bỏ sót tài năng?

Đào tạo diễn viên – liệu có bỏ sót tài năng?

bởi

trong
Đào tạo diễn viên – liệu có bỏ sót tài năng?

Tại TP.HCM hiện nay có hai trường chính quy đào tạo diễn viên sân khấu là Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Tất nhiên hệ cao đẳng và đại học đòi hỏi thí sinh thi vào phải tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Điều này trở thành “bài toán” khó khi nghệ thuật là ngành đặc thù, có những khác biệt so với các ngành khác.

Có một thực tế là rất nhiều người có tố chất nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật, nhất là về ca cổ, cải lương nhưng lại không học giỏi phổ thông, đặc biệt là những môn toán, lý, hóa, sinh… Một số khác lại có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ học nửa chừng. Trong khi đó, nếu có cơ hội được rèn luyện, đào tạo chuyên sâu thì những tài năng này sẽ phát triển thành chuyên nghiệp, vững chắc.

Đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, chia sẻ: “Trong tay tôi đang cầm 8 bộ hồ sơ của 8 em trẻ ca cải lương rất hay nhưng không có bằng tốt nghiệp THPT, giờ không biết làm sao giúp các em. Mà bỏ thì tiếc. Giá như mình có những hệ đào tạo khác để các em được học, trở thành đội ngũ kế thừa của cải lương. Nếu không giữ lại những tài năng vừa chớm thì các em sẽ bôn ba mưu sinh bằng nghề khác, coi như mai một luôn năng khiếu”.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, giảng viên Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, đưa ý kiến: “Theo tôi, ngành nghệ thuật nên tập trung đào tạo chuyên môn, cỡ trung cấp là được rồi. Sau đó, ai muốn nghiên cứu cao hơn, sâu hơn, thì sẽ học tiếp lên hệ cao hơn. Tất nhiên số người muốn nghiên cứu như thế không nhiều, và ít mà chất lượng. Chứ đào tạo như bây giờ, nhiều người có bằng đại học nhưng diễn lại kém, còn người có năng khiếu nghệ thuật lại không được vào học”.

NSƯT Hữu Châu kể: “Thời tôi học, trường có tên là Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tuyển từ lớp 9, chúng tôi vào học chuyên môn và học thêm vài môn phổ thông như văn, sử, địa là đủ. Học 4 năm ra trường, có bằng phổ thông và có luôn bằng trung cấp diễn viên, rất tiện. Mà được đào tạo từ 14, 15 tuổi, cơ thể còn mềm dẻo, trí óc còn trong trẻo, nên rất chất lượng. Thời đó, tuyển sinh từ Bình Trị Thiên tới tận Cà Mau, mấy ngàn thí sinh mà chỉ lấy 20 học viên, đủ biết nghiêm túc cỡ nào, chứ không phải cái bằng trung cấp là dễ dãi”.

NSƯT Lê Tứ, một nghệ sĩ giỏi đồng thời từng giảng dạy cho rất nhiều thế hệ diễn viên trẻ, cho rằng: “Hiện không có một trường trung cấp nghề nào dành cho các em, vậy thì năng khiếu sẽ đi đâu? Một số đi vào các lò đào tạo của các nghệ sĩ, thì thôi cũng tạm được, nhưng lò thì tất nhiên sẽ thiếu hệ thống hơn trường trung cấp. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên uyển chuyển để trường cao đẳng và sân khấu có thêm khóa mở rộng để đừng lọt mất tài năng”.

Trăn trở của các nghệ sĩ công tác ở lĩnh vực đào tạo, chung quy đều cho rằng nghệ thuật là ngành có đặc trưng riêng, cần có thiết kế riêng cho phù hợp. Hệ trung cấp cho diễn viên sân khấu cũng rất cần. Đổi mới giáo dục chính là cách làm thế nào để giữ được và phát triển các tài năng.