Dạy lái xe – lỗ hổng chuẩn hóa

Dạy lái xe – lỗ hổng chuẩn hóa

bởi

trong
Dạy lái xe – lỗ hổng chuẩn hóa

Minh Hải, một giảng viên cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô, đồng môn cũ của tôi, đã bất ngờ gặp lại học trò khi bước vào lớp lý thuyết lái xe.

Dù giảng dạy nhiều năm về thiết kế, bảo dưỡng và sửa chữa ôtô, chỉ khi phải sử dụng ôtô, anh mới đi học lấy bằng.

Người đứng lớp môn Pháp luật giao thông đường bộ hôm ấy chính là cựu sinh viên của anh. Anh nhận ra không chỉ môn học này mà những nội dung khác như kỹ thuật lái xe, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hay đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia… đều đang được giảng dạy bởi những người tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô. Còn giáo viên hướng dẫn anh thực hành lái xe lại có bằng trung cấp… kế toán.

Tình huống của Hải phản ánh một thực trạng đáng suy ngẫm trong hệ thống đào tạo lái xe ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, giáo viên dạy lái xe – cả lý thuyết lẫn thực hành – chỉ cần bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trình độ từ trung cấp (trước năm 2025 chỉ yêu cầu từ sơ cấp). Với giáo viên lý thuyết, quy định hiện hành đòi hỏi phải tốt nghiệp một trong hai chuyên ngành Pháp luật, Công nghệ kỹ thuật ôtô hoặc các ngành có nội dung pháp luật hoặc ôtô chiếm 30% trở lên, riêng giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe (GPLX) tương ứng với hạng đào tạo trở lên. Còn giáo viên dạy thực hành chỉ cần bằng trung cấp không phân biệt chuyên ngành, có GPLX đủ thời hạn và trải qua một khóa tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe.

Chất lượng người dạy là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, nhưng những quy định trên đang khiến chất lượng dạy lái xe bị thả nổi. Bởi trình độ chuyên môn – nền tảng cốt lõi để đảm bảo năng lực sư phạm – lại không được đặt đúng vị trí trung tâm.

Điều này trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi chúng ta nhìn vào cách phân loại ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện hành. Theo Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật cơ khí; còn ngành Pháp luật nằm ở một lĩnh vực hoàn toàn khác – Pháp luật. Hai ngành này khác biệt từ chuẩn đầu ra, mục tiêu đào tạo cho đến nội dung chương trình.

Một người học ngành này không thể có đủ năng lực để giảng dạy ngành kia, trừ khi được đào tạo bổ sung một cách bài bản. Việc để những người học Công nghệ kỹ thuật ôtô đi dạy luật, hay ngược lại, về bản chất là chấp nhận việc người không được đào tạo chuyên sâu giảng dạy cho người khác – một cách làm đi ngược với nguyên tắc của mọi hệ thống giáo dục chất lượng.

Ngoài ra, nội dung Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia – vốn có thể phù hợp với chuyên ngành Pháp luật – lại được giảng dạy kèm với Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – có thể liên quan đến Công nghệ kỹ thuật ôtô – trong cùng một môn học. Tình trạng chắp vá nội dung như vậy không chỉ gây khó khăn cho người học mà còn khiến việc kiểm tra, đánh giá không phản ánh đúng năng lực và kiến thức chuyên môn cần thiết.

Đồng thời, tôi không thể tìm thấy, trong các danh mục, ngành đào tạo từ trung cấp trở lên nội dung nào liên quan đến hai môn học đặc trưng của lái xe: Kỹ thuật lái xe và Thực hành lái xe.

Nếu xét về mặt hình thức, việc yêu cầu giáo viên có trình độ trung cấp trở lên nghe có vẻ hợp lý. Nhưng trên thực tế, bằng cấp ấy – nếu không thuộc ngành phù hợp – lại không giúp ích gì đáng kể cho việc hình thành năng lực giảng dạy. Trong khi đó, yêu cầu sở hữu GPLX thâm niên và hoàn thành một lớp tập huấn ngắn hạn, xem như chứng chỉ năng lực chuyên môn của người dạy lái xe, là không khác biệt đáng kể so với một người có GPLX thâm niên thông thường.

Cách tiếp cận này đang đi ngược xu hướng chuẩn hóa và sư phạm hóa nghề giáo viên lái xe trên thế giới. Ở các nước phát triển, giáo viên dạy lái xe được xem là một nghề chuyên biệt – tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, chứ không tách đôi như cách làm của Việt Nam. Họ được đào tạo theo chương trình riêng, có khung năng lực nghề rõ ràng, được học bài bản về kỹ thuật, pháp luật, tâm lý giao thông và sư phạm.

Tại Na Uy, muốn trở thành giáo viên dạy lái xe, người học phải hoàn thành chương trình đào tạo kéo dài hai năm, tương đương 120 tín chỉ tại Đại học Nord, chưa kể thời gian học lái xe trước đó. Người tốt nghiệp sẽ có kiến thức vững vàng về kỹ năng giảng dạy, tổ chức lớp học, đánh giá kết quả học tập, phát triển chương trình và tạo động lực học tập cho người học. Họ thậm chí có thể tiếp tục học thêm 60 tín chỉ để lấy bằng cử nhân giáo dục giao thông và an toàn giao thông.

Tại Anh, giáo viên lái xe được gọi là Approved Driving Instructor (ADI). Muốn hành nghề, họ phải vượt qua ba vòng sát hạch do Cơ quan Tiêu chuẩn Lái xe và Phương tiện (DVSA) tổ chức, gồm thi lý thuyết, lái xe nâng cao và năng lực giảng dạy. Tỷ lệ đạt lần lượt ở ba kỳ thi này là khoảng 45%, 60% và chỉ hơn 35%, theo số liệu của DVSA giai đoạn tháng 3/2022 đến 2023 – cho thấy yêu cầu tuyển chọn vô cùng nghiêm ngặt. Quá trình đào tạo và sát hạch thường kéo dài khoảng hai năm.

Tại Đức, người đã có bằng lái xe có thể học tại các cơ sở đào tạo giáo viên lái xe được công nhận. Quá trình đào tạo gồm ba giai đoạn: làm quen công việc trong một tháng, học lý thuyết chuyên sâu 8-9 tháng, thực tập có hướng dẫn 4-5 tháng. Học viên sau đó phải thi thực hành lái xe, thi chuyên môn (viết và vấn đáp), trình giảng thử lý thuyết và thực hành trước hội đồng đánh giá – đây thực sự là một quy trình tuyển chọn khắt khe.

Còn tại Singapore, dù không quy định về thời gian, giáo viên cũng phải được đào tạo về lý thuyết chuyên môn, kỹ năng lái xe nâng cao, kỹ năng sư phạm và thực hành giảng dạy, theo chương trình do cơ quan Cảnh sát giao thông phê duyệt. Sau đó, họ phải hoàn thành kỳ sát hạch để được cấp giấy phép dạy lái xe.

So với các mô hình nêu trên, quy trình đào tạo và sử dụng giáo viên dạy lái xe ở Việt Nam hiện nay vừa đơn giản, vừa thiếu chuyên sâu. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo lái xe còn tồn tại cách tiếp cận quá cứng nhắc. Tất cả học viên, bất kể trình độ hay nghề nghiệp, đều phải học trọn vẹn chương trình, không có cơ chế công nhận tương đương hay miễn trừ cho những người đã có kiến thức chuyên ngành.

Câu chuyện của Hải – người có bằng kỹ sư ôtô, đang dạy tại trường cao đẳng – nhưng vẫn phải học và kiểm tra hoàn thành nội dung Cấu tạo và sửa chữa thông thường, do chính học trò cũ của anh giảng dạy, là một minh chứng rõ ràng cho sự lãng phí nguồn lực và bất hợp lý trong đào tạo.

Nếu tiếp tục duy trì cách làm như hiện nay, Việt Nam khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo lái xe – một lĩnh vực trực tiếp liên quan đến an toàn tính mạng con người trên đường.

Đã đến lúc cần xây dựng một hệ thống chuẩn năng lực nghề nghiệp riêng cho giáo viên dạy lái xe, với yêu cầu tích hợp cả lý thuyết và thực hành, có chương trình đào tạo chuyên sâu, thời lượng đủ dài, kết hợp đào tạo sư phạm và kỹ thuật.

Giáo viên dạy lái xe không phải là người “lái giỏi, nói được” mà phải là người “dạy giỏi, hiểu sâu và hướng dẫn có trách nhiệm”.

Nguyễn Xuân Trung