Trần Thị Diễm Linh, thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2023, cho rằng trong hành trình của tuổi 18, việc chọn ngành học là một trong những vấn đề khá khó khăn và là bước ngoặt quan trọng quyết định tương lai sau này.

Thủ khoa Trần Thị Diễm Linh
ẢNH: NVCC
Diễm Linh nhìn nhận nhiều năm nay, không ít học sinh chọn ngành trong tình trạng mù mờ, dựa trên cảm tính, trào lưu hoặc vì nghe ngành đó sau này dễ xin việc nên chọn, chứ không có sự tìm hiểu một cách nghiêm túc để hiểu đúng về ngành mình sẽ theo học.
Tuy nhiên, Diễm Linh khẳng định: “Việc hiểu đúng về ngành học trước khi chọn rất cần thiết. Không chỉ mang yếu tố sống còn đối với cả quá trình học tập lẫn sự nghiệp về sau, mà nó còn quyết định việc mình sẽ định vị bản thân trở thành người như thế nào”.
Thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2023 cho rằng trước hết các bạn thí sinh cần hiểu mỗi ngành học không chỉ gói gọn trong một cái tên, mã số trên cuốn cẩm nang tư vấn tuyển sinh. Đằng sau đó là cả một hệ thống kiến thức, kỹ năng, phương pháp tư duy và môi trường làm việc cụ thể. Việc chọn ngành mà không hiểu rõ mình sẽ học gì, làm gì sau khi ra trường dễ dẫn đến chán nản, mất phương hướng hoặc thậm chí gãy gánh giữa chừng trong 4 năm. Đã có không ít sinh viên “vỡ mộng” khi nhận ra ngành mình chọn hoàn toàn khác xa so với hình dung ban đầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hiểu sai ngành học, theo Diễm Linh, là do học sinh tiếp cận thông tin quá hời hợt. “Nhiều bạn chỉ nghe qua loa rằng báo chí là đi phỏng vấn người nổi tiếng, tâm lý học là đọc được suy nghĩ người khác hay công nghệ thông tin là ngồi gõ máy tính suốt ngày… Những cách nhìn nhận đơn giản hóa ấy khiến việc lựa chọn ngành học trở thành một trò may rủi, hơn là một quyết định có căn cứ”, Diễm Linh trăn trở.
Theo Diễm Linh, hiểu đúng ngành học không phải là điều quá khó, nếu mỗi học sinh chịu chủ động tìm hiểu một cách chi tiết, cụ thể. Hãy bắt đầu bằng việc đọc kỹ chương trình đào tạo chính quy của các trường, tham khảo ý kiến từ các anh chị đi trước, tìm hiểu môi trường làm việc thực tế, cũng như những vấn đề xoay quanh về ngành đó khi sau này chúng ta chính thức gia nhập thị trường lao động thì nó sẽ như thế nào…
Diễm Linh tin ngày nay với sự hỗ trợ của internet, học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn tài liệu chính thống, các video chia sẻ kinh nghiệm, các buổi livestream tư vấn tuyển sinh,… để có cái nhìn toàn diện hơn.
Ngoài ra, theo Diễm Linh, hiểu đúng ngành học cũng giúp bạn xác định liệu bản thân có thực sự phù hợp với ngành đó hay không. “Bạn có sẵn sàng học toán cao cấp, tiếp xúc với rất nhiều con số nếu chọn ngành kinh tế? Bạn có đủ kiên nhẫn, tinh thần để xử lý các tình huống tâm lý phức tạp nếu theo đuổi ngành tâm lý học? Mình tin rằng khi tự vấn những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn chọn ngành dựa trên hiểu biết và trải nghiệm cá nhân, chứ không chỉ vì điểm số hay áp lực xã hội”, cô nàng thủ khoa chỉ ra.
Đồng thời Linh nhắn gửi: “Chọn ngành học đại học là chọn một phần tương lai của chính mình. Đừng để sự thiếu hiểu biết, hời hợt đẩy bạn vào những lựa chọn vội vàng, dễ dàng rồi phải hối hận về sau. Hãy dành thời gian tìm hiểu, trải nghiệm và lắng nghe chính mình. Bởi khi hiểu đúng ngành học, bạn sẽ có cơ hội chọn đúng tương lai”.
