Đã thành nếp, những thành viên trong gia đình tôi có thói quen sáng tắm lạnh chiều tắm ấm. Hồi bà nội tôi còn, chiều nào bà cũng bắc một ấm nước đầy lên bếp. Đợi nước sôi già lửa bà pha một xô cho ông nội tắm, phần còn lại chừa cho ba má tôi phải nhá nhem tối mới làm đồng về. “Đêm tắm nước lạnh không nên”, tôi vẫn nhớ bà thường bảo vậy.
Khâu lắp đặt điện, nước thường là công đoạn gần như cuối cùng trong việc xây nhà. Vậy mà từ lúc nhận bản vẽ, ba đã tự lấy giấy viết ghi ra từng món cần và nên sử dụng.

Máy nước nóng năng lượng mặt trời của nhà tôi đặt ở nơi tiếp xúc trực tiếp với nắng
Ảnh: TGCC
Tối ưu cắt giảm nhiều khoản nhưng với hệ thống điện, nước và đồ điện tử ba căn dặn phải dùng đồ tốt. Như hệ thống chiếu sáng phải là đèn LED, dây điện, công tắc, ổ cắm – cần dùng loại có thương hiệu, bền tốt và cả tiết kiệm điện
Ba tôi “năng nhặt chặt bị” lượm bạc cắc
Đồ điện gia dụng trong nhà từ nồi niêu nấu nướng, bếp từ, máy lạnh, quạt gió… hết thảy đều là dòng tiết kiệm điện. Ba tôi hay biểu “năng nhặt chặt bị, lượm bạc cắc, còn nếu khéo léo thu vén và đầu tư thông minh thì số tiền điện tiết kiệm được mỗi tháng lâu dần cộng lại sẽ là con số khổng lồ”.
Giống như việc đầu tư hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, số tiền bỏ ra ban đầu thật sự khá cao. Giá máy kèm phụ kiện và chi phí lắp đặt tốn gấp nhiều lần mua bình nước nóng điện. Nhưng ba tôi bảo nhà tôi có 3 nhà vệ sinh, nếu mua máy nước nóng điện thì cũng phải đầu tư 3 máy trong khi máy năng lượng mặt trời thì chỉ 1 máy dung tích 180 lít có thể dùng đủ cho cả nhà đông người.
Ba phân tích rằng, bình nóng lạnh điện tiêu tốn khá nhiều điện năng. Cứ mỗi buổi chiều tối giờ cao điểm mà 3 máy cùng hoạt động thì chịu gì thấu. Nếu chỉ tính máy nước nóng điện công suất nhỏ, mỗi ngày dùng khoảng 1 giờ thì mỗi tháng số tiền điện trên hóa đơn cho 3 máy là không nhỏ chút nào.
Nên suy đi tính lại, máy nước nóng năng lượng mặt trời là giải pháp thay thế tối ưu. Tính số tiền điện mỗi năm tiết kiệm được thì chỉ từ 3 – 5 năm đã có thể bù đắp chi phí. Trong khi tuổi thọ của máy nước nóng năng lượng mặt trời khá cao. Vừa giúp tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích kinh tế dài lâu, lại vừa thân thiện với môi trường.

Nồi nước nấu bằng củi dự phòng của ba tôi mỗi khi trời âm u không có nước nóng
Ảnh: TGCC
Sống ở miền Nam nhiều nắng nên việc sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời càng thuận lợi hơn. Nhà tôi được xây dựng trên nền đất cao, trần và mái cao nên ba tôi cũng chọn một vị trí “đẹp” đón nắng chói chang để lắp đặt máy. Vừa có tính thẩm mỹ, lại an toàn và không gây tiếng ồn.
Nhưng vẫn có một chút nhược điểm đó là, với máy năng lượng mặt trời nếu ngày đó trời âm u không hé nắng thì… không có nước nóng. Nhưng ba tôi luôn có “dự trù”. Ngày nào dòm trời thấy “không êm”, biết không thể có nước ấm là tầm chiều ba sẽ bắc một ấm nước lên bếp củi như bà nội tôi ngày trước.
Củi đốt không thiếu, vì gần như ngày nào ba cũng lượm nhặt trong vườn mấy tàu dừa khô. Dưới sông có khúc cây nào trôi ông cũng vớt lấy. Không sợ ngày cúp điện, không sợ đang lúc nấu ăn mà hết gas, những bếp lò củi vẫn sẵn sàng hoạt động bất kỳ lúc nào.
Chỉ riêng khoản dùng nước nóng, cú “đầu tư” và quả “dự phòng” của ba không biết đã cứu nguy cho màng túi của má tôi biết bao nhiêu bận, nhất là niềm vui những lúc bà nhận hóa đơn tiền điện từ “nhà đèn”.
