Đề xuất được GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nêu tại hội nghị Y học bào thai thường niên lần thứ 3 ngày 24/5, tại Hà Nội. Đây là dịp để các chuyên gia, bác sĩ cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực y học bào thai.
GS. Ánh cho biết tại các nước tiên tiến, BHYT chi trả 100% cho các ca can thiệp bào thai, do họ quan niệm “bào thai cũng là bệnh nhân”. Nhiều ca can thiệp có chi phí lên tới hàng chục nghìn USD đã được chi trả. Song, tại Việt Nam, điều trị cho thai phụ thì được BHYT chi trả còn bào thai thì chưa.
Đơn cử, hội chứng truyền máu song thai – từng là biến chứng chết người, bi kịch không thể tránh khỏi ở các song thai một bánh nhau – hiện đã “lật lại thế cờ” nhờ can thiệp đốt laser các thông nối mạch máu bánh nhau trong buồng ối. Các thống kê ghi nhận kết quả 72% cả hai thai nhi đều sống sót, gần 92% sống được một thai.
Tỷ lệ gặp hội chứng này khoảng 30% trong số các trường hợp song thai. Trung bình một ca can thiệp cho trường hợp này khoảng 30 triệu đồng, không quá lớn nhưng vẫn là gánh nặng với những gia đình khó khăn. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật phức tạp khác do thiết bị, vật liệu để chữa bệnh đắt đỏ, khiến chi phí càng gấp nhiều lần.
“Tôi đề xuất BHYT có cơ chế chi trả từng phần, tiến đến toàn bộ cho lĩnh vực can thiệp bào thai để giảm chi phí, gánh nặng cho các gia đình”, GS. Ánh nói.
GS. Ánh cho biết thêm trước đây y học coi buồng tử cung là “cung cấm đặc biệt”, nhưng với sự tiến bộ của khoa học, nay thầy thuốc có thể thực hiện các kỹ thuật thăm dò, điều trị, đưa các dụng cụ vào nội soi… để sửa chữa khuyết tật của bào thai. Việc can thiệp bào thai không chỉ cứu sống được thai nhi mà còn cho ra đời những em bé khỏe mạnh.
Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực y học bào thai hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi. Các thai nhi nhỏ tuần giờ đây đã có cơ hội được chào đời khỏe mạnh, thay vì phải chấp nhận đình chỉ thai như trước.
Trên thế giới, kỹ thuật can thiệp bào thai được đưa vào tiêu chuẩn khoảng 20 năm gần đây. Việt Nam tiếp cận kỹ thuật này bằng những ca can thiệp bào thai đầu tiên vào cuối năm 2019, đến nay đã làm chủ được nhiều kỹ thuật hiện đại, giúp cứu sống nhiều em bé từ trong bụng mẹ, giảm nhẹ mức độ dị tật, tránh được can thiệp trong giai đoạn sơ sinh vốn có nhiều nguy cơ và bất lợi.
Điển hình, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã triển khai kỹ thuật vi diệu là thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng, từng được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023. Các thầy thuốc đưa dụng cụ can thiệp vào bào thai, quả tim chỉ bằng quả dâu tây, để sửa chữa dị tật cho thai nhi bé bỏng. Đến nay, ít nhất có 5 em được được tại Bệnh viện Từ Dũ.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và một số bệnh viện tư nhân lớn tại Việt Nam đang thực hiện các kỹ thuật can thiệp bào thai. Các bệnh lý khá phổ biến như: Hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối (gây ra khuyết tật thai nhi), thiểu ối, những vấn đề về truyền máu khiến bào thai bị thiếu máu nặng làm phủ tạng tổn thương, thoát vị cơ hoành, tràn dịch màng phổi, ứ nước ở thận… đã được thầy thuốc Việt Nam điều trị thành công.
Tháng 6 tới, Bệnh viện Phụ sản Trung ương dự kiến ra mắt Trung tâm Y học bào thai nhằm đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc thai kỳ. Nhữngca đầu tiên thực hiện, bệnh viện sẽ hỗ trợ kinh phí và có chuyên gia nước ngoài tham gia can thiệp.

Các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 luồn kim xuyên tử cung người mẹ sửa chữa dị tật tim bẩm sinh cho thai nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Lê Nga