Đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, cán bộ xã hiện tại có thể chuyển thành công chức

Đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, cán bộ xã hiện tại có thể chuyển thành công chức

bởi

trong
Đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, cán bộ xã hiện tại có thể chuyển thành công chức

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà – Ảnh: GIA HÂN

Ngày 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa đổi lần này là để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Không phân biệt công chức xã, tỉnh, Trung ương

Bà Trà cho hay dự luật đã hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã.

Cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật có hiệu lực, đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của luật này.

Dự luật quy định đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức dựa trên yêu cầu công việc, năng lực và hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Bổ nhiệm công chức vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm, dựa trên năng lực và kết quả thực thi nhiệm vụ.

Bộ trưởng cho biết công tác tuyển dụng công chức được đổi mới. 

Dự thảo quy định người trúng tuyển đáp ứng ngay yêu cầu vị trí, được bổ nhiệm, xếp lương ngạch công chức tương ứng và không tập sự.

Quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Dự luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả.

Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ trưởng Trà nói thêm dự luật tiếp tục thể chế hóa chủ trương, định hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”.

Cần giải pháp đột phá đánh giá cán bộ, công chức

Thẩm tra nội dung này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, ủy ban này cơ bản tán thành việc tiếp tục giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”.

Cơ quan thẩm tra đồng tình sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc, khắc phục chế độ “biên chế suốt đời”.

Tuy nhiên theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng chuyển hoàn toàn sang quản lý theo vị trí việc làm, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm theo đúng tinh thần nghị quyết 27.

Đánh giá cán bộ, công chức còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất, nể nang, dĩ hòa vi quý, chưa phản ánh đúng thực trạng. Chưa có giải pháp đột phá khắc phục hạn chế này.

Vì vậy cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức để khắc phục hạn chế này.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng.

Vị trí việc làm sẽ là trung tâm của chế độ quản lý công chức

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập nguyên tắc thiết kế vị trí việc làm trong dự luật mới.

Theo đó, vị trí việc làm là trung tâm của chế độ quản lý công chức, còn ngạch chỉ là công cụ cho phân định thứ bậc và thực hiện trách nhiệm trong nền công vụ.

Bà dẫn chứng luật công vụ của rất nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ quy định biên chế Việt Nam hiện áp dụng, mà đi theo hướng hợp đồng công chức.

Việc quản lý cán bộ như vậy rất linh hoạt, khi cần thì sử dụng, khi nhân sự không đáp ứng được yêu cầu thì phải ra khỏi hệ thống công vụ.

Vì thế lần này dự luật bổ sung cơ chế hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, nhưng với điều kiện đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của một số vị trí việc làm đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Bà mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quy định để đảm bảo được sự ổn định của nền công vụ, vừa tạo ra được một cơ chế mở rất linh hoạt để thu hút và trọng dụng người có tài năng, có chuyên môn sâu.