Đề xuất hàng hóa bắt buộc có nhãn điện tử

Đề xuất hàng hóa bắt buộc có nhãn điện tử

bởi

trong

Chính phủ cho rằng việc yêu cầu hàng hóa có mã vạch giúp người mua truy xuất nguồn gốc, nhà sản xuất giám sát chất lượng và kiểm soát khi có sự cố.

Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sáng 6/5, Phó thủ tướng Lê Thành Long nói quy định về ghi nhãn điện tử bằng mã số, mã vạch là cần thiết. Đây là cách bổ sung cho ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống, để nhà sản xuất truyền đạt thông tin bắt buộc theo quy định.

Mã số, mã vạch được ứng dụng phổ biến trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện nhiều nước ứng dụng mã số, mã vạch trong giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm. Công nghệ này phục vụ kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm. Từ đó các bên trong chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, triệu hồi, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Ghi nhãn điện tử cho phép một số nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được tạo ra theo phương thức điện tử và hiển thị trên màn hình. Thông qua mã vạch, người tiêu dùng có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.





Đề xuất hàng hóa bắt buộc có nhãn điện tử

Một sản phẩm ở siêu thị sử dụng mã vạch để giúp người mua truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Makke.net

Chính phủ cho rằng mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu. Công nghệ này cũng cho phép cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế, hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.

Theo Chính phủ, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ, trong đó ứng dụng mã số mã vạch quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ghi nhãn điện tử thì việc xem xét, bổ sung vào Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Song, đề nghị Chính phủ làm rõ phạm vi bắt buộc và khuyến khích, tự nguyện ứng dụng công nghệ; quy định rõ những sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng nhãn điện tử; những sản phẩm khuyến khích áp dụng để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị.

Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng; phát triển nền tảng số sử dụng chung, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Dự án Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 17/5 và dự kiến thông qua vào đợt hai của kỳ họp.

Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417, mã vạch hai chiều); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.

Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước
về ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng
hóa, bao gồm mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, nhãn điện tử và các công nghệ dựa trên nền tảng mã số, mã vạch.

Sơn Hà


Góp ý kiến tạo

Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ