Sáng 6.5, tiếp tục kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Nhà giáo. Đây là dự án luật dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến tại phiên thảo luận về luật Nhà giáo
ẢNH: GIA HÂN
Nêu góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nói rất ấn tượng và đồng tình cao với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên hay họa sĩ giỏi dạy âm nhạc, thể dục thể thao hay vẽ cho học sinh.
“Đây như là lời chỉ đạo mở đường cho tư duy trong quản trị giáo dục. Việc hợp đồng với ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên, họa sĩ, giảng dạy các môn năng khiếu trong cơ sở giáo dục là cơ hội học sinh phát triển tài năng, năng khiếu, khắc phục khó khăn thiếu giáo viên năng khiếu hiện nay”, đại biểu Hà nói.
Để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề xuất, dự thảo luật Nhà giáo cần thiết kết một điều khoản khung liên quan tới việc này, đồng thời giao Chính phủ thực hiện.
Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hôm 3.5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hôm trước làm việc với Bộ GD-ĐT tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên. Cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, (ký) hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế thôi, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: “Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ”.
Về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, dự thảo luật Nhà giáo trình Quốc hội đề xuất giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục để ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng.
Trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự luật quy định việc tuyển dụng nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo.
Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập thì cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì thực hiện tuyển dụng.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học cũng như các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì việc tuyển dụng do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện.
Dự thảo luật cũng quy định, đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.
Về phương thức tuyển dụng, dự thảo luật cũng quy định rõ, nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Đồng thời, phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.