Đề xuất quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ

Đề xuất quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ

bởi

trong

Sáng 24.5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày dự án luật Dẫn độ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sau hơn 16 năm thi hành luật Tương trợ tư pháp năm 2007, nhiều quy định liên quan đến dẫn độ đã bộc lộ bất cập, cần được sửa đổi, hoàn thiện bằng một đạo luật riêng.

Đề xuất quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình dự án luật Dẫn độ

ẢNH: GIA HÂN

“Việc xây dựng luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với pháp luật, thông lệ quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ với các quốc gia, vùng lãnh thổ”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Một điểm mới quan trọng của dự thảo là quy định cho phép bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, được quy định tại điều 33. 

Theo đó, trong trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người để dẫn độ khẩn cấp theo điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, việc bắt giữ có thể được thực hiện ngay cả khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức, với điều kiện nước yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin và có cam kết thực hiện nghĩa vụ liên quan.

“Việc bắt giữ trong trường hợp này sẽ tuân theo điều 113 bộ luật Tố tụng hình sự, áp dụng khi có căn cứ rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu.

Quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn, đồng thời bảo đảm việc thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp hình sự xuyên biên giới.

Đề xuất quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày thẩm tra dự luật

ẢNH: GIA HÂN

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với quy định tại điều 33. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định cụ thể về việc bắt người trong tình huống khẩn cấp để dẫn độ, nếu chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức.

“Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Viện KSND tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng hình sự – cũng đang được trình Quốc hội tại kỳ họp này”, ông Tùng nói.

Ngoài quy định mới về bắt khẩn cấp, dự thảo luật Dẫn độ cũng bổ sung nhiều điểm nhằm bảo đảm quyền con người, tránh lạm dụng và tăng tính minh bạch trong thực hiện.

Cụ thể, về áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”, dự thảo quy định điều kiện áp dụng nguyên tắc này, đồng thời chuyển thẩm quyền quyết định từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an. 

Về chi phí dẫn độ, Việt Nam sẽ chi trả chi phí liên quan tùy theo vai trò là bên yêu cầu hay bên được yêu cầu dẫn độ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về dẫn độ có điều kiện, dự luật cho phép hai bên đưa ra các điều kiện cụ thể khi thực hiện dẫn độ. Bộ Công an giữ vai trò chủ trì xử lý, thương lượng các điều kiện này. 

Liên quan đến hình phạt tử hình, dự thảo quy định rõ cơ chế thông báo giữa các bên nếu người bị dẫn độ có thể đối mặt với án tử hình, nhằm đảm bảo tôn trọng quyền con người và các cam kết quốc tế.

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về dẫn độ giữa Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và các bộ, ngành liên quan trong hoạt động dẫn độ. Đồng thời, quy định cụ thể về hồ sơ dẫn độ, từ phía Việt Nam và phía nước ngoài, theo hướng đơn giản, rõ ràng và nhất quán với các điều ước quốc tế. 

Tòa án được giao quyền xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ.