Đại diện đoàn giám sát – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nguồn nhân lực hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Đắc Vinh
ẢNH: PHẠM THẮNG
Ở khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng, nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu về nhân lực cao hơn lại nảy sinh nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới.
Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.
Đặc biệt, báo cáo giám sát đánh giá, cơ chế đánh giá cán bộ chưa thực chất, tính định lượng chưa cao, chưa gắn với sản phẩm công việc cụ thể; thiếu cơ chế sàng lọc hiệu quả, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, uy tín thấp.
Tự chủ không có nghĩa là tự thu, tự xoay sở
Cho ý kiến tại phiên họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Phan Văn Mãi, trong giáo dục phổ thông, không phải chỉ học chữ, học kỹ năng mà còn chuẩn bị tâm thế của người làm chủ đất nước trong tương lai.
“Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phải có sự đổi mới rất mạnh mẽ và phải sát với thị trường, sát với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội”, ông Mãi cho hay.
Đề cập đến vấn đề tự chủ và xã hội hóa, theo ông, trong thời gian vừa qua, nhiều nơi còn nhìn nhận sai vấn đề này. “Tự chủ, xã hội hóa không có nghĩa là để các cơ sở giáo dục tự thu, tự xoay sở. Thậm chí quá trình tự chủ này, xã hội hóa này, ngân sách phải đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Mãi đề xuất.
Theo ông Mãi, tự chủ ở đây là tự quyết chứ không phải tự chủ về ngân sách, tài chính. Còn xã hội hóa không phải thương mại hóa giáo dục đào tạo mà nhà nước vẫn phải có đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn, năm sau nhiều năm trước, nhưng tỷ lệ, tỷ trọng trong sự tham gia của xã hội có thể thấp đi.
“Nếu để các cơ sở đào tạo, giáo dục tự lo kinh phí sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác”, ông Mãi nhìn nhận.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất cần có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài
ẢNH: PHẠM THẮNG
Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, điều quan trọng nhất là sau đợt giám sát này có được cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế vẫn chưa quy định thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đánh giá trên bằng cấp hay khả năng thực hành – trình độ chuyên môn.
Ông Phớc cũng đề xuất cần có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này khi Chính phủ nghiên cứu trình cần có sự đồng thuận của Quốc hội. Theo đó, khi thu hút thì chính sách nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào. Ví dụ, thu hút vào cơ quan nhà nước thì có chính sách về biên chế không, hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc.
“Trước mắt, đối với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù về thu hút nhân tài (hưởng 200% lương) thì chúng ta mới giữ được các em. Nếu không giữ được thì vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn và sau đó bị rối”, ông Phớc nói và cho rằng, khi lập quỹ thu hút nhân tài trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, theo dõi sử dụng quỹ và có sự đánh giá.