Để hoàn thiện pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ NN-MT đề xuất bổ sung một số quy định và tăng mức chế tài xử phạt đối với một số vi phạm đang có mức chế tài xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe tại Nghị định 115 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Quy định mới liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thu hút sự quan tâm của các chủ quán, chủ nhà hàng ở TP.HCM
Phụ thuộc vào ý thức mỗi người
Theo đó, hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… đang có mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng, Bộ NN-MT đề xuất tăng mức phạt tiền lên 5-7 triệu đồng.
Đề xuất này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người kinh doanh ẩm thực. Vậy các chủ quán ăn, chủ nhà hàng, quán bún, quán nhậu… nói gì?

Một quán nhậu trên đường Rạch Bùng Binh, Q.3, TP.HCM
ẢNH: DƯƠNG LAN
Anh V. (chủ một quán ăn đặc sản Quảng Nam ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3) cho biết, bản thân anh vừa mới biết đề xuất trên khi đọc báo. Anh cho rằng, khi mở quán ăn, chủ quán phải đặt đạo đức kinh doanh và việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo anh việc đeo đồng hồ, vòng, lắc… không ảnh hưởng trực tiếp hay liên quan đến việc chế biến thực phẩm.

Một quán cơm bình dân trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10
ẢNH: DƯƠNG LAN
“Nhiều người nghĩ ở đồng hồ, vòng, lắc… có nhiều vi khuẩn sẽ lây qua thực phẩm nhưng thực tế những thứ đó không tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn khi chế biến. Hơn nữa, nhiều người sử dụng bao tay khi nấu nướng nên đồng hồ, trang sức không liên quan đến thực phẩm. Còn hành vi hút thuốc, khạc nhổ… ở khu vực đông người, quán ăn… là ý thức của mỗi người. Việc xử phạt cần phải có bằng chứng cụ thể”, anh V. chia sẻ.
Bản thân anh V. không hút thuốc khi chế biến thức ăn còn việc đeo khẩu trang hay đội mũ cũng có thể thực hiện.
“Tôi nghĩ những đề xuất trên phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người kinh doanh, việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn”, anh V. bày tỏ.

Các chủ quán cho biết họ đều yêu cầu nhân viên dọn dẹp sau khi bán xong mỗi ngày
ẢNH: DƯƠNG LAN
Ông Nguyễn Ngọc Hùng (47 tuổi, chủ một quán bánh canh cá lóc ở Q.10) cho hay, việc cắt ngắn móng tay hay không đeo đồng hồ, vòng, lắc… không liên quan đến việc chế biến thực phẩm. Theo ông, việc người chế biến mặc áo, đeo bao tay sẽ không làm lây lan vi khuẩn vào đồ ăn, thức uống. Quán của ông Hùng mở từ 6 giờ – 21 giờ. Mỗi ngày, ông thường cho nhân viên dọn dẹp sạch sẽ, không để rác thải, sàn nhà bẩn qua đêm.
“Tôi nghĩ đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần kiểm tra kỹ về nguyên liệu, không gian xung quanh. Những người chế biến đứng ở bếp trong thời gian dài sẽ rất nóng nếu phải đeo khẩu trang. Còn việc cắt ngắn móng tay hay hút thuốc lá phụ thuộc ý thức của mỗi người, nếu phạt chủ quán thì tôi e khó khả thi”, ông Hùng bày tỏ.
Chủ quán “chấp nhận thực hiện”
Anh Hồ Minh Dành (36 tuổi, quản lý một quán nhậu trên đường Hoàng Sa, Q.1) cho rằng những quy định xử phạt trong đề xuất mới đây là tích cực. Khi chế biến thực phẩm mọi người không nên để móng tay quá dài hay không nên đeo trang sức thì hợp vệ sinh hơn. Tuy nhiên, theo anh để xử phạt với số tiền 5 – 7 triệu đồng sẽ khó thực hiện.

Tại một quán lẩu gà khá có không gian chật hẹp, nhân viên phải dọn dẹp thường xuyên
ẢNH: DƯƠNG LAN
“Quán của tôi mở từ trưa đến tối, thường xuyên đốc thúc nhân viên giữ gìn vệ sinh chung, không hút thuốc khi chế biến hay tiếp xúc với thực khách. Nếu những đề xuất trên đi vào thực tiễn, quán chấp nhận thực hiện”, anh Dành chia sẻ.

Nhiều chủ quán vừa mới biết đề xuất tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm
ẢNH: DƯƠNG LAN
Anh T., (42 tuổi), chủ quán phở ở đường Lý Thường Kiệt, Q.10 bày tỏ: “Tôi giờ mới biết đến đề xuất liên quan đến an toàn thực phẩm này, nếu áp dụng chắc cần phải một thời gian dài nữa. Thực tế, nhiều người vẫn đeo đồng hồ, trang sức khi nấu nướng. Giờ nhắc họ tháo nhẫn cưới, không đồng hồ để canh thời gian thức ăn chín… cũng cần nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều”.