Đề xuất xây dựng khẩn cấp để sớm mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Đề xuất xây dựng khẩn cấp để sớm mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

bởi

trong
Đề xuất xây dựng khẩn cấp để sớm mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Để xây thêm một đơn nguyên cầu Long Thành có 5 làn xe, cần thời gian thi công 20 tháng – Ảnh: CHÂU TUẤN

Đề xuất đó được Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) nêu ra trong văn bản gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xin chủ trương triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo công trình xây dựng khẩn cấp.

Theo lãnh đạo VEC, dự án mở rộng gần 22km đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có quy mô lớn, điều kiện thi công phức tạp.

Bởi vì trong phạm vi dự án có 10km cần xử lý đất yếu tối thiểu 8 tháng; 12km cầu (có 2 cầu lớn Long Thành và Sông Tắc); tổ chức thi công khó khăn do phải vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến cao tốc đang khai thác; mặt bằng hai bên hẹp, không có mặt bằng làm đường công vụ chạy dọc tuyến để thi công đồng loạt.

Nếu thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu (kể cả áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt), dự án chỉ có thể khởi công ngày 1-11-2025; hoàn thành đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, thi công 13 tháng); đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, thi công 14 tháng) hoàn thành tháng 12-2026.

Riêng cầu Long Thành cần xây dựng một đơn nguyên cầu mới quy mô 5 làn xe hoàn chỉnh, thời gian thi công 20 tháng, cơ bản hoàn thành các hạng mục kết cấu chính của cầu trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6-2027.

Để thực hiện mục tiêu khởi công dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào ngày 19-8-2025, VEC đề xuất Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét cho phép triển khai dự án theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp và áp dụng một số cơ chế đặc thù gồm:

Cho phép VEC áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn để lựa chọn nhà thầu; cho phép VEC thực hiện song song các thủ tục: khảo sát, lập dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu; thi công xây dựng…

Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng quyết định tách thành các dự án thành phần độc lập và giao cho TP.HCM và tỉnh Đồng Nai thực hiện, VEC bố trí vốn để chi trả.

UBND các địa phương nơi dự án đi qua ưu tiên hỗ trợ xác định vị trí bãi đổ thải, bãi tập kết vật liệu, vị trí lắp đặt tạm thời trạm trộn bê tông; quan tâm bố trí đủ nguồn đất, cát, đá cho dự án.

Nếu thực hiện giải pháp trên, dự án không phải phê duyệt chủ trương đầu tư; triển khai ngay công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và giải phóng mặt bằng… tiến độ dự án sẽ theo các mốc sau:

Phê duyệt dự án ngày 24-7-2025; phê duyệt bản vẽ thi công từng phần công trình từ ngày 8-8-2025; lựa chọn nhà thầu thi công ngày 13-8-2025; khởi công ngày 19-8-2025.

Theo đó, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 sẽ hoàn thành tháng 9-2026; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành tháng 10-2026. Riêng cầu Long Thành sẽ hợp long cầu chính tháng 12-2026 và hoàn thành vào tháng 3-2027.

Như vậy, việc chuẩn bị đầu tư dự án sẽ rút ngắn được 2,5 tháng để khởi công vào ngày 19-8-2025, đồng thời cơ bản hoàn thành năm 2026 (rút ngắn được khoảng 3 tháng so với đầu tư theo trình tự thông thường).

Giao các bộ xem xét đề xuất của VEC

Ngày 16-5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của VEC về thực hiện dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo công trình xây dựng khẩn cấp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 21-5-2025.