ĐH Quốc gia TP.HCM ‘bắt tay’ với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên

ĐH Quốc gia TP.HCM ‘bắt tay’ với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên

bởi

trong
ĐH Quốc gia TP.HCM ‘bắt tay’ với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu trong chương trình

ảnh: b.h

Chiều tối 24.5, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức buổi ra mắt Chương trình Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp. Chương trình nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời gắn kết với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân dựa trên mô hình hợp tác “3 nhà”.

Tham dự chương trình có Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cùng nhiều lãnh đạo các địa phương.

“Nhà khoa học làm nhân tố then chốt”

Phát biểu tại buổi lễ, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị cho rằng sự kiện này không chỉ là dịp để khẳng định quyết tâm chính trị mà còn là minh chứng sinh động của sự đồng lòng chung sức giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp – 3 trụ cột trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, thông qua nhiều văn bản, TP xuyên suốt khẳng định quan điểm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững. TP cũng nhấn mạnh yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; Nhà khoa học làm nhân tố then chốt và chính quyền giữ vai trò kiến tạo.

“Việc triển khai mô hình hợp tác “3 nhà” là bước đi then chốt, cụ thể để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57. Trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo thể chế, điều phối và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Nhà trường, mà tiêu biểu là ĐH Quốc gia TP.HCM, đảm nhiệm đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp là chủ thể ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nói.

Để mô hình hợp tác “3 nhà” thực sự đi vào chiều sâu thiết thực, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết TP xác định và đề nghị, chính quyền giữ vai trò chỉ đạo, hoạch định chính sách đột phá, phân bổ nguồn lực ưu tiên, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ các rào cản vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong triển khai phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Về phía các trường ĐH, cơ sở nghiên cứu và cộng đồng nghiên cứu khoa học, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong chủ động, đề xuất sáng kiến và giải pháp, chủ động phát triển các mô hình hiệu quả. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu khoa học, liên kết với cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặt hàng nghiên cứu, chủ động đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Ông Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cũng khẳng định việc hợp tác “3 nhà” dưới tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW là con đường duy nhất để đưa Việt Nam đi đến tương lai tươi sáng.

ĐH Quốc gia TP.HCM ký hợp tác với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên - Ảnh 2.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên

ảnh: B.H

Để Việt Nam trở thành đất nước có thu nhập cao

Cũng tại chương trình, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: “Để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần sự hợp lực chặt chẽ từ 3 trụ cột: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, đảm bảo công bằng và tạo động lực chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới; Cung cấp đất đai, hạ tầng và chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp; Hỗ trợ thành lập các quỹ đầu tư đổi mới, vườn ươm công nghệ và không gian làm việc chung; Đóng vai trò điều phối chiến lược phát triển vùng, đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và định hướng khoa học công nghệ”.

Vai trò của nhà trường, theo PGS-TS Vũ Hải Quân, bao gồm các ĐH và viện nghiên cứu – là trung tâm sản sinh tri thức, cung cấp nguồn lực trí tuệ: giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh; Thực hiện các nghiên cứu nền tảng, đồng thời phát triển các giải pháp ứng dụng; Kết nối sinh viên và dự án nghiên cứu với doanh nghiệp thông qua các chương trình đổi mới mở, thực tập và khởi nghiệp.

“Doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa đổi mới vào thực tiễn và lan tỏa giá trị ra thị trường; Tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, đặt hàng các đề tài từ trường ĐH; Cung cấp môi trường thực nghiệm, dữ liệu và nền tảng triển khai công nghệ mới”, PGS Quân nói thêm.

“Hợp tác 3 nhà phải có nguyên tắc vận hành chung bao gồm: cùng thiết kế, cùng triển khai, cùng chia sẻ. Khi doanh nghiệp, trường đại học, chính quyền cùng ngồi lại, tham gia cùng giải quyết các bài toán lớn, cùng chia sẻ rủi ro, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh.

Trong lễ ra mắt mô hình “3 nhà”, ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp về 6 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, một nội dung quan trọng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo, thực tập, huấn luyện và tuyển dụng sinh viên.