Có những sự việc mà thế hệ hậu bối chỉ cần làm theo thôi thì đã tốt rồi, không thắc mắc, tìm hiểu thêm làm gì.

minh họa: văn nguyễn
Vậy nên Hoàng ngồi chờ thêm 10 phút nữa. Chân anh đã xỏ sẵn giày. Đôi giày thể thao hôm qua trong lúc nắng to, Hoàng đã giặt thật sạch, phơi khô ráo để hôm nay đi. Dì nói với Hoàng đừng xem thường vẻ bề ngoài, với những người chưa tiếp xúc với mình thì vẻ bề ngoài chính là yếu tố để họ đưa ra đánh giá mình. Chưa lần nào mà Hoàng có sự chuẩn bị chu đáo như chuyến đi phỏng vấn lần này.
Công ty này là nơi Hoàng mơ ước được vào làm từ lâu. Nhờ thông tin nội bộ mà dì có được, anh mới có cơ hội nộp hồ sơ và được gọi phỏng vấn. “Làm được ở đó thì tốt quá, lương cao, công việc ổn định chứ không thấp thỏm như mấy doanh nghiệp èo oặt nhan nhản bây giờ. Chỉ có điều…” – dì ngập ngừng: “Có thể con phải đi làm ở những thành phố khác, và cả nước ngoài khi họ cần”. Nhưng nghe thế mắt Hoàng lại sáng rỡ. Bản thân Hoàng cũng không ngờ ý nghĩ rời khỏi nơi này khiến mình vui đến vậy.
***
Hoàng nhớ sau đám tang của mẹ nơi quê nhà, cô Linh, em gái út của ba, nắm lấy bàn tay trẻ con của Hoàng dúi vào tay dì: “Trăm sự nhờ dì giúp cháu. Tội nghiệp, mới lên 7 mà chẳng còn cả bố lẫn mẹ…”. Cô Linh chỉ nói được đến đó rồi khóc nghẹn. Hoàng đã không biết điều gì đón đợi mình ở phía trước, khi thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng được vào sống với dì ở thành phố lớn là niềm ao ước từ lâu của Hoàng. Hoàng đã chán ngấy ở vùng quê buồn tẻ này.
Thành phố lớn xa hoa lộng lẫy thật, con đường nào cũng đèn điện sáng trưng, dòng người khít rịt. Trên chiếc xe gắn máy chú đón dì cháu Hoàng từ sân bay, Hoàng ngồi giữa. Mắt không chớp vì mọi thứ trong tầm nhìn đều choáng ngợp với Hoàng. Thành phố hiện ra với những tòa cao ốc tráng lệ, hàng quán chen chúc hai bên đường… Tưởng như khung cảnh này chỉ thấy trong những thước phim trên ti vi.
“Nếu nhà dì ở đây thì tốt quá!” – Hoàng nghĩ vậy khi xe đi đến những chỗ đông người. Nhưng chiếc xe chẳng có vẻ muốn dừng lại. Từng vòng bánh xe lăn đều. Đến chừng hơn 30 phút thì xe đi qua một chiếc cầu bắc ngang con sông rộng. Từ đây, phố xá vắng vẻ hơn. Mỗi lần xe quẹo trái, quẹo phải là con đường nhỏ lại thêm một chút. Cho đến đoạn đường nhỏ quá, mà đồ đạc cồng kềnh, chú cho xe chạy chậm lại, quay ra nói với dì: “Ổn không mình?”. Dì phải nép giỏ đồ của Hoàng cho gọn lại, để không bị cản trở vào những bảng hiệu lấn lề đường. “Thôi thì ở đoạn này cũng được” – Hoàng nghĩ khi nhìn nồi bún riêu bốc khói ngay trước mắt. Hoàng thích ăn bún riêu. Nhưng chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Đến cuối con hẻm, khi những vòng bánh xe lăn trên lối mòn chứ không phải con đường, nhà dì Hoàng mới hiện ra. Hoàng hơi hẫng bởi ý nghĩ nhà thành phố thì phải khang trang rộng rãi, trước nhà lúc nào cũng nhộn nhịp dòng người qua lại, mới vui.
Trước nhà dì có khoảng đất trống vừa đủ để dựng chiếc xe máy. Hoàng như vừa tỉnh dậy sau giấc mộng đẹp, thẫn thờ theo chân dì vào nhà. Bù lại sự hụt hẫng về “nhà thành phố” là những bữa ăn dì nấu rất ngon, và em Na – con gái út của dì thua Hoàng 2 tuổi, rất thích chơi với Hoàng. Em Na còn là bùa hộ mệnh của Hoàng, nhất là mỗi khi bị dì mắng.
Mà dì thường xuyên la mắng Hoàng. “Hoàng, con phải tắt nước sau khi dùng chứ, để nước rỉ rả như vậy tiền nào chịu nổi?”. “Nhưng vòi nước hư bữa giờ mà dì?”. Dì tiến lại gần vòi nước, nhẹ tay chỉnh cho đến khi giọt nước chậm lại rồi ngưng hẳn. Hoàng chẳng hiểu, rõ ràng là vòi nước bị rỉ kia mà, sao dì mắng Hoàng. “Làm gì con cũng phải tập trung, như thế này” – dì nói và chỉ cho Hoàng quan sát nút vặn vòi, đúng là nó đã hỏng, nhưng chỉ cần mình biết ý, dừng lại ở mức độ phù hợp, nó sẽ không rỉ nước. Xong được vụ vòi nước thì đến cánh cửa. “Khi đóng cửa, con phải nhẹ tay thôi. Đồ vật mình biết nâng niu thì mới bền”. Cứ như vậy, cảm giác Hoàng đụng vào thứ gì cũng nên tội.
Một lần, năm 12 tuổi, Hoàng sơ ý đánh rơi chiếc remote ti vi, pin văng tung tóe. Một viên pin rơi trúng thành kiếng của bể cá mini mà chú rất quý, làm kiếng nứt toang, nước lẫn cá tràn ra nền nhà lênh láng. Dì la toáng lên: “Ôi trời ơi, con định phá của hay sao? Dì đã nói với con bao nhiêu lần là làm gì cũng phải tập trung kia mà?”. Bữa đó, dì la Hoàng nhiều lắm, kể cả khi chú đã lên tiếng cho Hoàng, rằng chú cũng chán nuôi cá rồi, định bỏ hồ cá lâu rồi…
Hoàng tủi thân trốn vào phòng, bỏ hẳn bữa tối. Ở gian bếp, Hoàng nghe giọng bé Na vùng vằng: “Sao lúc nào mẹ cũng quá đáng với anh Hoàng, bộ mẹ ghét anh Hoàng lắm hả? Anh ấy lỡ tay chứ đâu cố ý”. Hoàng không nhìn nhưng biết mặt dì bừng lên vì giận. “Mẹ ghét anh Hoàng lắm hả?” – câu đó lần nào lên tiếng vì Hoàng, Na cũng nhắc, chỉ duy nhất một lần dì trả lời Na: “Sau này lớn lên con sẽ hiểu”.
***
15 tuổi, Hoàng đã thuần thục cách sửa vòi nước, thay bóng đèn, kiểm tra ổ điện, vặn lại ốc vít tất cả đồ đạc trong nhà cho chắc chắn, tra dầu vào những thanh sắt gỉ sét để bảo vệ vật dụng và hạn chế tiếng rít… và rất nhiều việc lặt vặt trong nhà khác. Hoàng ít bị dì la mắng hơn. Dù vậy, dì vẫn như chẳng hài lòng về Hoàng nên luôn tìm việc để giao thêm.
Một buổi sáng chủ nhật, dì nói với Hoàng: “Con trồng một chậu cây đi, và chăm sóc nó nhé”. Em Na nghe được, hào hứng ủng hộ: “Anh Hoàng trồng cho em một chậu cây để bàn nha!”. Mặc dù việc trồng cây nghe có vẻ chẳng ăn nhập gì với một học sinh cuối cấp rất nhiều bài vở như Hoàng, nhưng thấy em Na hào hứng Hoàng cũng có thêm động lực, hơn nữa, mọi lời nói của dì đều là mệnh lệnh phải tuân theo.
Chủ nhật nào Hoàng cũng hì hục với cái cây. Thật ra, việc trồng cây trong chậu chẳng mất sức gì nhiều như bà con ở quê Hoàng. Chỉ là, cây trong chậu rất khó chăm sóc. Dì bảo: “Vì con chưa tận tâm với chúng, cây cũng như người, cảm nhận được hết”. Hoàng chẳng hiểu dì đang nói gì. Cây là cây thôi. Dù vậy, mỗi lần cây chết, Hoàng càng quyết tâm trồng lại.
Cho đến một ngày, niềm vui như vỡ òa với Hoàng khi chậu linh sam nở tím hoa trên mặt lá. Cây này, Hoàng trồng cho bé Na. Cô bé thích lắm, chụp hình khoe hết bạn bè. Hoàng cũng thấy vui lây. Mỗi sáng, việc đầu tiên Hoàng làm khi thức giấc là ra xem chậu hoa. Hoàng đã biết cách chạm ngón tay mình vào đất để kiểm tra độ ẩm, khi đó sẽ biết cần bổ sung nước hay không.
Bây giờ thì mỗi lần có khách đến nhà, dì khoe chậu cây, không quên nhắc: “Hoàng trồng đấy, giỏi phải không?” cùng nụ cười rạng rỡ.
***
Hoàng đến công ty thì gần 8 giờ. Anh có hẹn đúng 8 giờ.
Cô gái mời Hoàng ngồi ở phòng chờ. Trong căn phòng khá rộng, chỉ duy nhất chiếc bàn và chừng 10 ghế xoay. Trên tường có máy chiếu khá lớn, có lẽ là phòng họp. Hoàng ngồi xuống chiếc ghế ở gần mình nhất. Tiếng rít két két vang lên, dù Hoàng đã ý thức mọi cử chỉ thật nhẹ nhàng. Khi ấy, “khẩu lệnh” của dì lại vang lên trong đầu Hoàng: “Đến bất cứ đâu, con luôn phải giữ phong thái cho mình, đi hay đứng cũng phải thẳng lưng, không dòm ngó, không loay hoay sẽ bị người ta đánh giá”.
Chiếc ghế cứ rít lên tiếng kêu rất khó chịu, Hoàng nhớ ra bộ đồ nghề của mình trong ngăn cặp. Trong phút chốc, Hoàng quên mất từng lời răn dặn riết róng của dì. Hoàng nhanh nhảu lấy chai dầu ra, nghiêng thành ghế tìm phần trụ kim loại có thể nâng hoặc hạ ghế để tra dầu vào. Chưa đầy một phút, tiếng rít khó chịu kia biến mất.
Lúc Hoàng vừa yên vị thì có người đẩy cửa bước vào. Anh ta chừng ngoài 40, nét mặt điềm tĩnh và thứ năng lượng anh mang theo là cảm giác dễ chịu cho người đối diện.
Anh mỉm cười chào Hoàng, giới thiệu mình tên Thắng và mở đầu phần phỏng vấn bằng câu nói dí dỏm: “Ngoài chuyên môn và cả… sửa cho ghế hết kêu, thì cậu còn có khả năng gì khác?”. Hoàng ngượng chín mặt, thì ra những gì Hoàng làm nãy giờ, anh Thắng đều thấy hết. Trong đầu Hoàng chỉ chuẩn bị những câu trả lời liên quan đến chuyên môn, nên câu hỏi bất ngờ của anh khiến Hoàng bối rối, nhưng Hoàng cũng thật thà đáp: “Em còn biết… trồng cây ạ!”.
Như bắt trúng sóng, anh Thắng lập tức trở về phòng và xuất hiện liền sau vài phút với chậu cần thăng trên tay: “Cây này của bạn anh gửi từ miền Bắc vào tặng, lúc đầu rất đẹp, mà không hiểu sao giờ nó rụng lá dần”. Mắt Hoàng cũng sáng rỡ khi thấy chậu cần thăng bonsai quá đẹp, gốc cổ thụ sần sùi, nổi u cục minh chứng cho sự già cỗi, và tán lá ở mỗi cành đều đặn như người ta vẽ mô hình trong lớp tạo tán bonsai mà Hoàng được học. Từ gốc, rễ đến tán toát lên một sự chăm sóc bài bản của chủ nhân. Chỉ có điều, lá cây đã rụng gần hết. Hoàng khẽ chạm ngón tay vào phần đất nơi gốc cây, anh thấy đầu ngón tay mình hơi ẩm. “Cây bị thừa nước và thiếu nắng, với lại có thể bị chạm rễ nữa, anh ạ!”. Anh Thắng ngỡ ngàng nhìn Hoàng: “Ồ, đúng như vậy thật, anh cũng có nhờ một nghệ nhân bonsai kiểm tra sức khỏe cho cây, anh ta cũng nói như em. Giờ, anh nhờ em chăm sóc giúp anh nhé?”.
Buổi phỏng vấn kết thúc, Hoàng ra về với chậu bonsai trên tay. Hoàng thuật lại cuộc phỏng vấn với dì, dì cười, nụ cười hiếm hoi tỏa ra sự hài lòng.
Ba ngày sau, Hoàng nhận được thư mời thử việc từ bộ phận nhân sự.
***
Đám cưới của em Na diễn ra vào thứ sáu. Hoàng xin nghỉ phép để ở nhà phụ việc cùng mọi người.
Buổi tối, mọi thứ xong xuôi, Hoàng bắc ghế ra phía trước nhà ngồi hóng gió. Lúc đi ngang phòng bé Na, Hoàng nghe giọng dì thủ thỉ khẽ khàng: “Mẹ có điều này cần nói để con không hiểu sai, đó là mẹ không hề ghét Hoàng, trái lại, còn rất thương và lo lắng cho Hoàng. Hoàng thiệt thòi hơn tụi con vì mất cả cha lẫn mẹ. Khi không còn cha mẹ, Hoàng sẽ phải đối diện với nhiều thứ khó khăn hơn tụi con. Chính vì vậy mà mẹ muốn Hoàng thật mạnh mẽ, cứng cỏi để có thể đương đầu với cuộc sống này. Những lời khó nghe của mẹ cũng chỉ là muốn Hoàng rời xa con người yếu đuối bên trong mình. Như con thấy đấy, cho đến hôm nay thì mẹ yên tâm vì Hoàng đã thực sự trưởng thành rồi!”.
Hoàng thấy sống mũi mình cay cay. Anh dợm bước thật nhanh trước khi dì đi ra.
Ở góc ngồi chỉ kê được đúng chiếc ghế ngoài cổng, Hoàng nhìn vào, thấy dì đang loay hoay bên gian bếp. Hình ảnh ấy đã trở thành thân quen với Hoàng trong suốt bao nhiêu năm nay. Hoàng muốn chạm vào bờ vai gầy rộc, nhô xương lên của dì để nói điều gì đó, nhưng mọi ý nghĩ chẳng thể thốt thành lời nói, mà những lời nói được ghép thành kia biết có diễn tả hết nỗi lòng Hoàng?
Hoàng thấy hình ảnh của mình năm 7 tuổi, cũng tại nơi này nhìn vào căn nhà dì với tràn đầy nỗi thất vọng bởi “nhà thành phố” gì mà cũ kỹ, chật hẹp quá. Hoàng nào biết vừa phải nuôi ba em ăn học, chú dì còn gom góp mua được mảnh đất đắt đỏ ở thành phố này, như thế đã là sự cố gắng rất nhiều. Rồi còn cưu mang thêm cả Hoàng… Khó khăn biết bao nhiêu.
Những ý nghĩ xô đẩy nhau trong tâm trí Hoàng, đều là những thứ khiến Hoàng xấu hổ vì sự cạn nghĩ của mình, ngay như hôm phỏng vấn đi làm, Hoàng còn hân hoan với ý nghĩ nếu mình rời khỏi nơi này thì tốt quá… Hoàng quên rằng, từ lâu Hoàng đã quen với việc dựa vào “khẩu lệnh” của dì, là những điều dì nhắc nhở Hoàng – nó như một chìa khóa vạn năng giúp anh giải quyết mọi việc suôn sẻ hơn. Và câu nói của dì mà Hoàng nhớ mãi trong lần anh muốn bỏ học vì không theo kịp trường lớp ở thành phố: “Cứ đi về phía hừng đông, bóng tối sẽ ở lại phía sau lưng – con nhớ câu chuyện mà hồi nhỏ dì đọc cho con nghe trước khi đi ngủ không?”. Hoàng như bừng tỉnh. Cuối năm đó, thứ hạng của Hoàng cải thiện đáng kể. Rồi bao nhiêu điều hay, ý lành dì dạy cho Hoàng mỗi ngày, bỗng bừng lên như cây xanh trong nắng…
“Con vẫn chưa trưởng thành như dì nói với em Na đâu, dì ơi!” – Hoàng nghẹn ngào thì thầm với chính mình.
