Thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường đại học HUTECH cho biết, Google Maps hiện là một trong những công cụ bản đồ số phổ biến và quan trọng nhất tại Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ người dân trong việc định vị vị trí, tìm đường đi tối ưu, mà còn tích hợp nhiều tiện ích khác như tra cứu địa chỉ, thời gian di chuyển, tình trạng giao thông theo thời gian thực, hoặc tìm kiếm các dịch vụ lân cận như nhà hàng, trạm xăng, bệnh viện…
Đặc biệt trong các thành phố lớn, Google Maps đã trở thành một “trợ lý di động” giúp người dùng di chuyển hiệu quả, tránh kẹt xe, và lựa chọn phương án di chuyển phù hợp nhất với từng thời điểm trong ngày.

Đến thời điểm hiện tại, Google Maps vẫn chưa cập nhật địa giới hành chính mới mà vẫn giữ địa giới cũ trước ngày 1.7. Trong ảnh là địa giới hành chính Q.1 cũ ở TP.HCM
Chụp màn hình
Ở Việt Nam, Google Maps hiện đã hỗ trợ đầy đủ các chức năng như: xác định vị trí thời gian thực qua GPS; dẫn đường bằng giọng nói theo nhiều phương tiện: xe máy, ô tô, đi bộ, xe buýt; cập nhật tình trạng giao thông, đề xuất lộ trình tránh kẹt xe; đánh giá và tra cứu địa điểm (doanh nghiệp, dịch vụ); gợi ý địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi, khám phá theo khu vực.
Về cập nhật dữ liệu, Google sử dụng nhiều nguồn và phương pháp khác nhau, trong đó bao gồm dữ liệu vệ tinh, Google Street View, thuật toán tự động, và đội ngũ nhân viên của Google đóng góp từ người dùng và một số nguồn đối tác.
Cũng theo thạc sĩ Phết, việc điều chỉnh địa giới hành chính mới trên cả nước từ ngày 1.7, chắc chắn có ảnh hưởng trực tiếp đến dữ liệu bản đồ số và việc tìm kiếm hay tra cứu của người dân cũng chưa thể thuận tiện.
Cụ thể, các tên xã, phường mới sau khi sáp nhập chưa được cập nhật lại; đường ranh giới hành chính thay đổi làm ảnh hưởng đến chức năng hiển thị và tìm kiếm theo địa chỉ hành chính; các dịch vụ phụ thuộc vào dữ liệu bản đồ như giao hàng, khai báo y tế, khai thuế điện tử cũng có thể bị ảnh hưởng nếu dữ liệu chưa được cập nhật đồng bộ.

Một vài địa điểm mới được thành lập như phường Sài Gòn được người dùng cập nhật lên Google Maps
Chụp màn hình
Thạc sĩ Phết chia sẻ hiện nay, Google Maps không có cơ chế cập nhật trực tiếp thông tin địa giới từ chính quyền địa phương ở Việt Nam mà chủ yếu dựa vào dữ liệu từ các tổ chức đối tác, phản hồi từ cộng đồng người dùng qua tính năng “đóng góp chỉnh sửa”. Một số dữ liệu nguồn mở hoặc được trích xuất từ các cổng thông tin công khai. Thời gian cập nhật có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào mức độ thay đổi và độ tin cậy của dữ liệu được gửi về.
Ngoài ra, nếu thấy thông tin địa chỉ không đúng, người dùng có thể báo cáo sai sót qua Google Maps. Cách thực hiện như sau: mở Google Maps trên điện thoại hoặc máy tính, sau đó chọn địa điểm có thông tin sai, nhấn vào “đề xuất chỉnh sửa” (Suggest an edit); tiếp tục điền thông tin đúng và gửi phản hồi.
Google Maps sẽ xem xét phản hồi từ cộng đồng và nếu hợp lý sẽ cập nhật bản đồ trong các bản cập nhật sau. Ngoài ra, nếu cơ quan chính quyền địa phương có tài khoản doanh nghiệp (Google Business Profile), họ có thể chủ động yêu cầu cập nhật thông tin một cách chính thức.

Theo chuyên gia công nghệ, Google Maps cần thời gian để cộng đồng đóng góp thông tin. Trong ảnh là địa giới hành chính phường Gia Định mới
Ảnh: UBND phường Gia Định
Cuối cùng thạc sĩ Phết nói rằng người dùng nên lưu ý luôn cập nhật ứng dụng Google Maps lên phiên bản mới nhất để nhận các cập nhật bản đồ mới nhất. Kiểm tra kỹ địa chỉ, đặc biệt là các địa chỉ tại các phường, xã vừa sáp nhập hay thành lập mới.
Nên dùng cả tên cũ và tên mới nếu cần. Sử dụng tính năng định vị theo vị trí GPS, thay vì chỉ nhập tên địa danh, điều này giúp tránh nhầm lẫn do tên địa phương thay đổi. Đồng thời, đọc các đánh giá và hình ảnh người dùng khác chia sẻ để xác minh thông tin địa điểm, nếu có tài khoản Google, nên đăng nhập khi dùng bản đồ để hệ thống ghi nhớ các hành vi tra cứu và gợi ý chính xác hơn.
Người dân phường Chợ Lớn: ‘Nói cái tên này, ai cũng biết hết’