Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt”?

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt”?

bởi

trong

Lời toà soạn: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bên cạnh những mặt tích cực vẫn không ít lo ngại về việc đánh giá thực chất chất lượng dạy và học cũng như năng lực của thí sinh.

Dưới đây là ý kiến của TS Sái Công Hồng, chuyên gia của Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam

Từ 8h sáng nay (16/7), thí sinh trên cả nước sẽ tra cứu được điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thí sinh có thể tra cứu điểm thi trên Dân trí TẠI ĐÂY.

Điểm liệt môn toán tăng gấp 10 lần: Đề thi không còn “gỡ điểm” cho học sinh yếu

Kết quả phổ điểm môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy xu hướng lệch trái rõ rệt, với điểm trung bình chỉ 4,78; trung vị 4,6 và hơn 56% thí sinh không đạt điểm trung bình.

Trong khi đó, điểm tuyệt đối rất hiếm, chỉ 513 thí sinh, còn điểm liệt lại tăng vọt, lên tới 777 em – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Việc gần 800 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), theo tôi, đây là chỉ báo cần nghiêm túc xem xét về độ dốc của đề thi. Trong khi năm 2023 chỉ có 63 thí sinh bị điểm liệt, năm 2022 là 423. Từ đó cho thấy đề thi năm 2025 có mức sàng lọc bất thường ở nhóm học sinh cần được bảo vệ ở ngưỡng tối thiểu.

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt”?

Phổ điểm môn toán thi tốt nghiệp THPT 2025 (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt? - 2

Các chỉ số thống kê cơ bản về điểm môn toán năm 2024 và 2025 (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Dù thống kê phổ điểm chỉ ghi nhận 6 điểm 0 tuyệt đối, thì 777 điểm liệt phản ánh rằng vấn đề không nằm ở “học sinh bỏ trắng” mà ở việc không thể vượt qua ngưỡng cơ bản.

Đề thi năm nay được thiết kế theo phương pháp chuyên gia, không dựa vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Điều này khiến các chỉ số như điểm trung bình, độ lệch chuẩn… có vẻ chỉ mang tính mô tả, không thể hiện rõ công cụ phản ánh khoa học.

Việc không có kiểm định độ khó, độ phân biệt cũng làm cho phổ điểm khó phản ánh chính xác chất lượng dạy học hay mức độ phù hợp với yêu cầu cần đạt.

Bên cạnh đó, việc kỹ thuật chia dải phổ điểm khiến nhiễu và dễ gây hiểu lầm. Cụ thể, phổ điểm được chia theo dải nhỏ 0,2 điểm dẫn đến nhiều đỉnh phụ giả tạo, khiến biểu đồ trở nên lởm chởm và dễ bị hiểu sai thành phổ có tính phân tầng.

Phổ điểm chỉ phản ánh đúng khi được trình bày bằng các dải hợp lý hơn (0,5 hoặc 1,0) và có đường cong trơn hóa đi kèm.

Gần một nửa dưới trung bình tiếng Anh, đề thi “lệch nhịp” đánh giá?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chứng kiến một thay đổi lớn về phương pháp ra đề, thay vì sử dụng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, Bộ GD&ĐT chuyển sang hình thức ra đề thi theo phương pháp chuyên gia.

Với môn tiếng Anh, môn thi tự chọn thu hút hơn 351.000 thí sinh, sự thay đổi này đã thể hiện rõ những tác động qua phổ điểm, trong đó nổi bật nhất là con số 46,68% thí sinh không đạt điểm trung bình.

Đây không đơn thuần là kết quả kỹ thuật, mà là một cảnh báo sâu sắc về tính ổn định, công bằng và khả năng đánh giá đúng thực lực học sinh khi đề thi nhận được nhiều ý kiến nghi ngại về việc chưa đủ chuẩn hoá.

Điểm khác biệt so với kỳ thi trước đây, tiếng Anh là một trong các môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp, không bắt buộc như toán, ngữ văn. Điều đó có nghĩa, nhóm học sinh dự thi môn này phần lớn: Có định hướng khối D, ngành quốc tế; có năng lực tiếng Anh tốt hơn so với mặt bằng chung; tránh các môn xã hội hoặc tự nhiên khác vì ít tự tin…

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt? - 3

Phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2025 (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt? - 4

Các chỉ số thống kê cơ bản về điểm môn tiếng Anh năm 2024 và 2025 (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Tuy nhiên, phổ điểm năm nay cho thấy, hơn 164.000 thí sinh, chiếm gần một nửa không đạt điểm trung bình, dù đã có lợi thế lựa chọn. Điểm trung bình môn là 5,38, trung vị 5,25; độ lệch chuẩn 1,45; trong khi chỉ có 141 thí sinh đạt điểm 10, chiếm tỷ lệ chưa tới 0,05%. Như vậy, đề thi không chỉ khiến học sinh yếu không thể đạt, mà còn khiến học sinh khá – giỏi khó bứt phá.

Việc đề thi chưa chuẩn hóa dễ dẫn đến phổ điểm không còn đáng tin cậy. Trong các kỳ thi quốc gia, phổ điểm thường được dùng để phản ánh độ khó đề thi, khả năng phân loại và hiệu quả dạy học.

Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự đúng khi đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, đã được kiểm định trước về: Mức độ khó của từng câu hỏi, độ phân biệt, độ tin cậy, độ bao phủ kiến thức, khả năng tái sử dụng và chuẩn so sánh theo thời gian.

Với đề thi năm 2025, do được xây dựng hoàn toàn bởi nhóm chuyên gia (không qua kiểm định bằng dữ liệu thực nghiệm), phổ điểm không còn đảm bảo vai trò phản ánh khoa học. Những đánh giá như: “đề thi khó”, “phù hợp hay không”, “chất lượng học sinh giảm”… đều mới chỉ là cảm nhận tương đối, không có nền tảng đối sánh chuẩn hoá để kiểm chứng.

Lệch khỏi mục tiêu tốt nghiệp, nghiêng về tuyển sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chính là đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình THPT, từ đó công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Ngoài ra, kết quả kỳ thi này còn là một trong những cơ sở để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong công tác tuyển sinh. Với phổ điểm hiện nay, đề thi tiếng Anh và toán năm 2025 đều chưa phục vụ tốt cho cả hai mục tiêu này.

Dữ liệu và cách thể hiện cho thấy đề thi môn toán 2025 phù hợp hơn với mục tiêu tuyển sinh đại học. Phổ điểm phân hóa mạnh, điểm cao ít nhưng vẫn đủ để sàng lọc học sinh khá – giỏi.

Tuy nhiên, với hơn 56% học sinh dưới trung bình và hàng trăm điểm liệt, mục tiêu công nhận tốt nghiệp không còn được đảm bảo.

Điểm liệt toán tăng, điểm thi tiếng Anh giảm: Kết quả có quá “khắc nghiệt? - 5

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TPHCM (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Với mục tiêu xét tốt nghiệp, gần một nửa học sinh không đạt điểm trung bình môn tiếng Anh là tỷ lệ quá cao, không phù hợp với yêu cầu bảo đảm đầu ra cơ bản. Nếu không điều chỉnh, nguy cơ học sinh “rớt tốt nghiệp” vì môn tự chọn là có thật.

Với mục tiêu tuyển sinh, đề thi không tạo ra phổ điểm phân tầng rõ rệt, quá ít điểm cao, nên khó sử dụng để sàng lọc thí sinh giỏi cho các trường đại học. Các trường sẽ buộc phải dùng thêm tiêu chí phụ hoặc kết hợp nhiều năm điểm học bạ – điều vốn không đồng đều.

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá đúng chất lượng đầu ra phổ thông, đề thi cần kết hợp phương pháp chuyên gia với ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá, có kiểm định trước khi áp dụng và phổ điểm cần được trình bày theo hướng khoa học, dễ hiểu.

TS Sái Công Hồng

Chuyên gia của Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam