Đề thi thực sự khó với học sinh đại trà
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 kết thúc với thống kê gây sốc: Cả nước có 777 bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) môn toán, con số cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua.
Trong số đó, gần 340 thí sinh đạt điểm cao ở các môn khác nhưng vẫn trượt tốt nghiệp do điểm liệt môn toán. Đa số các em này chọn thi ở nhóm khoa học xã hội với các bài thi khác là ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

777 thí sinh bị điểm liệt môn toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đồng nghĩa với trượt tốt nghiệp (Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn).
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn: vấn đề nằm ở đề thi, cách dạy, hay là cách học của học sinh?
Đánh giá về vấn đề này, thầy giáo Trần Mạnh Tùng, một giáo viên dạy toán tại Hà Nội, nhận định: “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Việc quá nhiều học sinh bị điểm liệt môn toán cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của việc học lệch, học tủ và tư duy đối phó trong học tập”.
Theo ông, dù đạt kết quả tốt ở các môn thế mạnh, chỉ cần “vấp” ở một môn cũng đủ khiến cánh cửa đại học đóng sập trước mắt các em.
Ngoài ra, phổ điểm môn toán thấp kỷ lục chứng tỏ đa số học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu của đề thi.
Thực trạng này là bài học “xương máu” về việc học lệch và tầm quan trọng của việc học đều tất cả các môn.
Phân tích sâu hơn về điểm môn toán, ông Tùng nhận định phổ điểm năm nay thấp một cách rõ rệt, hình chuông nghiêng sang trái rất nhiều, cho thấy đề thi thực sự khó đối với đa số thí sinh đại trà.
Ông bày tỏ sự bất ngờ khi điểm trung bình môn toán giảm sâu hơn dự kiến.
“Nhiều chuyên gia, giáo viên, học sinh nhận xét đề toán năm nay khó, điểm trung bình dự báo giảm. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ khi kết quả điểm trung bình toàn quốc lại giảm sâu từ 6,45 điểm ở năm ngoái xuống còn 4,78 điểm ở năm nay. Số điểm thí sinh đạt được nhiều nhất giảm từ 6,8 xuống 4,6 điểm”, ông Tùng bày tỏ.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên toán tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Đánh giá một cách khách quan, đề thi không quá khó về mặt kiến thức, nhưng thầy Tùng cho rằng “phân hoá mạnh với học sinh đại trà” do các em chưa quen với dạng đề mới.
Cụ thể, đề có những bài toán đố dài, phức tạp khiến thí sinh mất nhiều thời gian đọc và phân tích, dẫn đến việc không đủ thời gian hoàn thành bài thi. Lý do chính là trong quá trình học tập, các em chưa được rèn luyện đủ với dạng đề này.
“Nhìn chung, đây là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, thí sinh chưa đáp ứng được yêu cầu và định dạng của đề thi”, thầy Tùng phân tích.
Loại bỏ tư duy “học từ ngọn”
Ông Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh rằng đề thi năm 2025 đúng theo tinh thần chương trình GDPT 2018, đòi hỏi thí sinh phải học chắc, hiểu sâu, nắm bản chất và biết vận dụng linh hoạt, giải quyết các vấn đề trong bối cảnh thực tiễn.
Song, cách dạy và học lâu nay vốn tập trung vào mục tiêu thi trắc nghiệm theo kiểu học từ ngọn trở xuống đã bỏ qua. Qua đây đã bộc lộ rõ mặt trái của việc thi trắc nghiệm bấy lâu nay.
Theo thầy Tùng, đề thi kiểu mới dù vẫn theo hình thức trắc nghiệm là chính, nhưng có cách suy luận tương đồng với tự luận, yêu cầu học sinh đi từ gốc trở lên.
Nam giáo viên coi đây là “một tiếng chuông cảnh tỉnh cho cách dạy và học”. Ông nhấn mạnh rằng những năm tới sẽ phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong trong cách dạy và học toán ở trường phổ thông.
Với học sinh, không thể chỉ học để đối phó với đề trắc nghiệm. Các em cần hiểu sâu, luyện kỹ năng phân tích đề, diễn đạt tư duy và làm chủ thời gian.
Với giáo viên, không thể chỉ dạy theo đề cũ, luyện đề theo lối mòn mà cần chuyển hướng sang dạy học phát triển năng lực tư duy – vận dụng – giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, ông cũng đặt ra câu hỏi nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ mức độ khó này để phân hóa thí sinh và lấy điểm thi tốt nghiệp làm căn cứ thuận lợi cho tuyển sinh đại học thì đây sẽ là một “thách thức rất lớn về mặt điểm số cho 3-4 năm tới”.
Ông Tùng ủng hộ cấu trúc đề thi hiện tại vì cho rằng hợp lý theo chương trình mới và yêu cầu học sinh phải thay đổi cách học.
Mặt khác, ông cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn đề thi, bởi vẫn có những ý kiến cho rằng đề thi còn rối rắm, chưa logic, câu từ chưa trong sáng hoặc quá dài… nhất là với các bài toán có tình huống ứng dụng thực tiễn.
Cuối cùng, về bài toán tuyển sinh đại học, thầy Trần Mạnh Tùng nhận định rằng nếu đề thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ độ khó như năm 2025 thì việc so sánh, quy đổi điểm giữa các phương thức, các môn thì sẽ là “bài toán công bằng” mà Bộ GD&ĐT cần phải giải quyết một cách thấu đáo.
Một giáo viên khác dạy toán tại TPHCM đồng tình hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2025 là phù hợp, song, về độ khó thì cần tính toán lại.
“Việc gần 800 thí sinh bị điểm liệt, chỉ có 13/63 tỉnh thành đạt điểm trung bình môn toán trên 5, không tỉnh nào đạt mức 6 điểm cho thấy đề thi toán có mức sàng lọc bất thường.
Do đó, nếu Bộ vẫn giữ quan điểm về độ khó sẽ rất áp lực cho học sinh và ngay cả giáo viên. Không đi học thêm, học sinh không đạt điểm cao”, giáo viên này nói.

Thứ hạng 63 tỉnh thành cũ theo điểm trung bình môn toán (Biểu đồ: Hoàng Hồng)