Điện thoại Android sẽ ngăn người dùng chia sẻ màn hình với số điện thoại nghi lừa đảo và liên tục quét ứng dụng trên máy.
Cải tiến chống lừa đảo cho thiết bị Android được Google công bố ngày 14/5 trong sự kiện The Android Show: I/O Edition trước thềm Google I/O 2025. Hãng cho biết đã nghiên cứu và phát hiện các vụ lừa đảo qua điện thoại thường bắt đầu bằng việc người dùng bị dụ thực hiện một hành động cụ thể, ví dụ thay đổi cài đặt bảo mật của máy, hoặc cấp quyền cho ứng dụng nào đó.
“Những hành động này có thể dẫn đến việc do thám, gian lận và các hành vi lạm dụng khác bằng cách cấp cho kẻ tấn công quyền truy cập sâu hơn vào thiết bị và dữ liệu của người dùng”, Dave Kleidermacher, Phó chủ tịch Kỹ thuật, Bảo mật và Quyền riêng tư của Android, nói.

Giao diện một số tính năng phát hiện lừa đảo trên điện thoại Android. Ảnh: Google
Để hạn chế nguy cơ, Google cho biết tính năng bảo vệ trong cuộc gọi của Android sẽ bổ sung một lớp phòng thủ, ngăn người thực hiện các hành động rủi ro như vô hiệu hóa Google Play Protect, tải ứng dụng từ trình duyệt trong lần đầu tiên, cấp quyền truy cập quá mức cho ứng dụng vừa tải về.
Ứng dụng Google Messages and Phone by Google trên Android cũng bổ sung tính năng phát hiện lừa đảo bằng AI. Khi phát hiện một mẫu trò chuyện nghi ngờ lừa đảo trong cuộc gọi hoặc tin nhắn, tính năng sẽ hiển thị cảnh báo tới người dùng theo thời gian thực.
Nếu người dùng chia sẻ màn hình khi gọi điện thoại, hệ thống Android sẽ tự động nhắc họ dừng chia sẻ khi kết thúc cuộc gọi, nhằm ngăn nguy cơ kẻ lừa đảo truy cập thông tin nhạy cảm để thực hiện hành vi gian lận.
Trong cuộc gọi với số điện thoại lạ mà người dùng chia sẻ màn hình ứng dụng ngân hàng, máy cũng sẽ cảnh báo nguy cơ, đồng thời bổ sung tính năng dừng chia sẻ màn hình. Việc này sẽ được thí điểm trước với một số ứng dụng ngân hàng tại Anh.
Ngoài ra, Google cũng thêm một số công cụ như Key Verifier, cho phép xác minh danh tính của người liên lạc thông qua khóa mã hóa công khai trên Google Messages. Công cụ Google Play Protect sẽ sử dụng bộ quy tắc mới trên thiết bị để tìm kiếm cụ thể các mẫu văn bản hoặc mã nhị phân nhằm nhanh chóng xác định các mẫu phần mềm độc hại.
“Nếu một ứng dụng chứa các mẫu độc hại, chúng tôi có thể cảnh báo trước khi bạn cài đặt ứng dụng đó”, đại diện Google nói, cho biết sẽ liên tục cập nhật quy tắc. Ngoài ra, công cụ bảo vệ Google Play Protect sẽ kiểm tra từng ứng dụng trước khi cài đặt trên thiết bị, đồng thời liên tục quét để phát hiện các ứng dụng đã ẩn hoặc bị đổi biểu tượng.
Lưu Quý