Điều gì xảy ra với dạ dày khi uống nhiều mật ong?

Điều gì xảy ra với dạ dày khi uống nhiều mật ong?

bởi

trong
Điều gì xảy ra với dạ dày khi uống nhiều mật ong?

Mật ong có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn nhưng dùng quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân cũng như các vấn đề về dạ dày.

Mật ong thường được dùng thay thế cho đường, pha trà ấm, làm bánh… Mật ong chứa chất tạo ngọt tự nhiên, enzyme và peptide có thể chống lại nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch và khả năng phòng vệ của cơ thể. Nó còn có thể chế sự phát triển của vi khuẩn và giảm viêm.

Với hệ tiêu hóa, mật ong hoạt động như probiotic (các vi khuẩn có lợi trong đường ruột), hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh vật và tăng cường sức khỏe đường ruột. Mật ong còn có tính chất nhuận tràng nhẹ, thúc đẩy nhu động ruột giảm triệu chứng khó tiêu, đầy hơi và táo bón. Khả năng chống viêm, kháng khuẩn của mật ong giúp làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm các vấn đề như trào ngược, viêm loét, bảo vệ đường ruột khỏi các tổn thương.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nam giới trưởng thành nên sử dụng khoảng 36 g mật ong mỗi ngày, phụ nữ và trẻ em có thể tiêu thụ không quá 24 g, trẻ dưới một tuổi không dùng mật ong vì nguy cơ cao gây ngộ độc.

Các vấn đề về dạ dày: Người bị táo bón ăn quá nhiều mật ong có thể khiến triệu chứng nặng hơn do hàm lượng fructose cao. Lượng đường nhiều có thể dẫn đến đầy hơi, một trong những tác dụng phụ của mật ong đối với dạ dày. Mật ong là một trong những thực phẩm FODMAP nên tránh nếu mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).

Tiêu chảy: Uống nhiều mật ong và uống khi đói khiến axit dạ dày tăng, gây kích ứng đường tiêu hóa. Mật ong chứa nhiều fructose, có thể làm cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của ruột non, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi. Nguy cơ mật ong có thể gây tiêu chảy cao hơn ở người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.

Tăng đường huyết: Nếu dùng quá liều khuyến cáo, mật ong có thể làm tăng lượng đường trong máu vì chứa đường và carbs. Khi ăn quá nhiều mật ong, lượng đường trong máu có xu hướng tăng vọt, nguy hiểm hơn với người mắc bệnh tiểu đường. Trong khi đó, đường huyết và gan có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Tăng cân: Người thừa cân, béo phì đang theo dõi cân nặng nên kiểm soát lượng mật ong tiêu thụ. Bởi lượng calo, đường và carbs cao có trong mật ong có thể dẫn đến tích tụ mỡ.

Các vấn đề về răng: Ăn quá nhiều mật ong đồng nghĩa là nạp vào cơ thể nhiều đường, có thể gây sâu răng. Khoảng 82% mật ong được tạo thành từ đường và lượng đường này đủ để bám vào răng, ảnh hưởng men răng.

Mọi người nên chọn loại mật ong tự nhiên, không dùng khi bụng đói, vì dễ gây cảm giác cồn cào, buồn nôn và tụt huyết áp nhẹ.

Anh Chi (Theo Healthshots)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa để bác sĩ giải đáp