Trong “Khi tự nhiên phạm luật”, Mary Roach tìm lời giải về những vụ như gấu đen đột nhập nhà dân, cây mang hiểm họa chết người hay chim trộm nông sản.
Tác phẩm có tên tiếng Anh là Fuzz: When Nature Breaks The Law, ra mắt độc giả vào năm 2021. Tác giả Mary Roach, 56 tuổi, bàn về sự giao thoa và xung đột giữa bản năng tự nhiên và luật pháp con người. Bà gợi mở vấn đề từ nhiều vụ “phạm pháp” của động thực vật như gấu đen đột nhập nhà dân, cây mang hiểm họa chết người hay chim trộm nông sản. Từ đó, người viết đặt ra câu hỏi: ‘Điều gì xảy ra khi thiên nhiên ‘phạm luật’?”, đồng thời bàn về trách nhiệm của nhân loại trong bức tranh sinh thái toàn cầu.

Bìa sách “Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật”. Tại Việt Nam, sách do dịch giả Tâm Anh chuyển ngữ, nhà xuất bản Thế Giới liên kết Phương Nam Book phát hành vào tháng 4. Ảnh: NXB Thế Giới
Theo đơn vị phát hành, điểm đặc biệt trong cách tiếp cận của tác giả là bà không ngại xông pha thực địa. Mary Roach gặp gỡ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân viên kiểm lâm – những người thường xuyên xử lý các vấn đề của tự nhiên. Bà đến hiện trường các vụ tấn công như ngôi làng bị báo hoành hành ở dãy Himalaya vùng Ấn Độ, tham gia khóa học bảo vệ bản thân khi gặp thú dữ. Bà cũng nghiên cứu phương pháp xua đuổi động vật từ xưa đến nay, nếm thử một số loài thực vật “có vấn đề” và thuốc diệt chuột.
Để giải mã “tội ác” của tự nhiên, Mary Roach dùng kiến thức khoa học của các ngành pháp y, sinh thái học hành vi, di truyền học bảo tồn. Theo tác giả, động thực vật gây ra phiền phức cho con người không phải do chúng “xấu tính” hay cố tình gây hấn. Đó chỉ là bản năng sinh tồn của các sinh vật khi môi trường sống của chúng bị xâm chiếm và biến đổi. Khi một con gấu đột nhập nhà dân, bà lý giải chúng chỉ muốn kiếm ăn vì lượng mồi trong thiên nhiên suy giảm.

Tác giả Mary Roach bên ấn bản tiếng Anh. Ảnh: Franklin Avery
Bà cũng lồng ghép kiến thức lịch sử, cho biết hàng trăm năm trước từng có trường hợp động vật ra tòa và chịu án cho sai phạm của mình. Tuy nhiên, Mary Roach nhận định nhân loại mới là nguồn cơn của vấn đề, đứng sau các tội trạng một cách trực tiếp và gián tiếp. Mặt khác, bà chỉ ra tình thế khó khăn của giới bảo tồn, quản lý sinh vật trong việc giải quyết xung đột. Đứng trước lợi ích của con người và quyền sống của loài khác, họ phải đưa ra giải pháp vừa đảm bảo tính đạo đức và thực tế. Bà không có câu trả lời cuối cùng, nhưng độc giả có thể tự suy ngẫm khi đọc sách.
Qua tác phẩm, tác giả giúp người đọc dễ dàng tiếp cận một chủ đề phức tạp, có phần rùng rợn bằng giọng văn dí dỏm. “Chính sự kết hợp giữa thông tin khoa học đáng tin cậy, góc nhìn nhân văn và giọng văn hài hước, thông minh này đã khiến Fuzz trở thành một cuốn sách khoa học thường thức, vừa cung cấp kiến thức, vừa mang lại những phút giây giải trí thú vị”, trích lời giới thiệu của đơn vị phát hành.
Sau khi ra mắt, Fuzz – Khi tự nhiên phạm luật lọt vào top 10 Sách Khoa học hay nhất năm 2021 do Smithsonian bình chọn, danh sách 50 Tác phẩm phi hư cấu nổi bật năm 2021 của Washington Post. Cây bút Pamela Paul từ New York Times bình luận: “Mary Roach là một phóng viên táo bạo, bền bỉ và luôn khát khao học hỏi. Cô có tài đặt ra những câu hỏi khiến người nghe ngượng ngùng, đầy bất ngờ và quá hiển nhiên – những điều người khác thường sợ không dám hỏi”.
*
Mary Roach sinh năm 1956, là tác giả người Mỹ, chuyên thể loại phi hư cấu. Một số tác phẩm bán chạy của cô là Stiff: The Curious Lives of Human Cadavers (2023), Spook: Science Tackles the Afterlife (2005), Bonk: The Curious Coupling of Science and Sex (2008), Grunt: The Curious Science of Humans at War (2016). Các cuốn sách của Roach đã được xuất bản sang 21 ngôn ngữ. Cô cũng có nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí lớn như National Geographic, New York Times, Wired, Journal of Clinical Anatomy.
Phương Thảo