Nhiều hệ lụy từ review “dìm hàng”
Trong bài viết trước, chúng tôi đã chỉ ra tình trạng review “dìm hàng” nhắm đến sản phẩm tã giấy (bỉm) dành cho trẻ em, để phục vụ mục đích bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội. Theo LS Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty luật TNHH Hừng Đông (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hiện nay, ranh giới giữa “người quảng cáo” và “người review sản phẩm” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội (như TikTok, YouTube, Shopee) đang rất mờ nhạt.
Nhiều cá nhân, đặc biệt là KOC (người tiêu dùng chủ chốt), tự nhận là người review sản phẩm để chia sẻ trải nghiệm cá nhân, nhưng thực chất lại thực hiện các hoạt động quảng cáo trá hình, được tài trợ bởi doanh nghiệp hoặc có chủ đích “dìm hàng” đối thủ cạnh tranh.

Đằng sau những video review bỉm tưởng như khách quan, trung thực, nhiều người nghi ngờ đây là một hình thức quảng cáo trá hình
ẢNH: T.H
Ông Toại cho biết, pháp luật Việt Nam ở các điều 45, 43 luật Cạnh tranh năm 2018 và điều 8 luật Quảng cáo năm 2012 quy định, hành vi so sánh, bôi nhọ hoặc đưa thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khác nhằm cạnh tranh không lành mạnh hoặc quảng bá sản phẩm của mình là vi phạm nghiêm trọng.
LS Nguyễn Hữu Toại khẳng định: “Các video review bỉm mang tính “dìm hàng” sản phẩm của thương hiệu lớn, sử dụng các thử nghiệm cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và đưa ra kết luận sai lệch có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật nêu trên”.
Cũng theo ông Toại, hệ lụy của việc review sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Các review sai sự thật thường định hướng người dùng mua các sản phẩm giá rẻ, ít tên tuổi, nhưng không đảm bảo chất lượng hoặc an toàn.
Đối với doanh nghiệp chân chính, theo luật sư Toại, các doanh nghiệp bị “dìm hàng” sẽ bị suy giảm uy tín và doanh thu.
“Hành vi này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến các doanh nghiệp đầu tư vào chất lượng sản phẩm bị thiệt thòi so với những tổ chức sử dụng chiêu trò quảng cáo. Hành vi này còn gây ra hệ lụy đối xã hội và kinh tế, đó là gia tăng hàng giả, hàng kém chất lượng, các review sai sự thật tiếp tay cho việc lưu hành sản phẩm không đạt chuẩn, gây nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng và làm suy yếu các ngành sản xuất uy tín”, ông Toại nêu ý kiến.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể khởi kiện
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho biết hiện không có quy định nào cấm review sản phẩm, việc khen, chê là bình thường trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động review cần được thực hiện đúng luật, nếu việc chia sẻ công tâm đúng sự thật sẽ làm tăng giá trị thương hiệu, nhãn hiệu hay dịch vụ.

Theo các chuyên gia, review bỉm mang tính “dìm hàng” trên TikTok có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Nhưng ngược lại, review không đúng sự thật, thiếu công tâm, bịa đặt hoặc lan truyền không đúng sự thật sẽ gây ra hoang mang đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng tình với ý kiến trên, LS Nguyễn Hữu Toại cho hay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các video review “dìm hàng” hoặc sai sự thật cần chủ động thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ uy tín và quyền lợi của mình.
Khi phát hiện sản phẩm, dịch vụ của mình bị “dìm hàng” cần thu thập chứng cứ hoặc có thể liên hệ với các văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng về các hành vi “dìm hàng”, đây là chứng cứ quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp có thể gửi khiếu nại đến nền tảng số để yêu cầu gỡ bỏ video vi phạm, kèm theo bằng chứng cụ thể. Nếu nền tảng không hợp tác, gửi khiếu nại lên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) hoặc Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử (Bộ VH-TT-DL) và cuối cùng là khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại về uy tín, doanh thu, và buộc bên vi phạm cải chính công khai theo điều 592 bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gửi đơn tố cáo đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) để yêu cầu điều tra theo luật Cạnh tranh 2018.
Sửa luật, “siết” quản lý quảng cáo, review “bẩn”
Liên quan đến quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn những người có ảnh hưởng (KOL), người tiêu dùng chủ chốt (KOC) tham gia quảng cáo, review sản phẩm, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT-DL Lê Hải Bình cho biết, Bộ VH-TT-DL dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo trong dự thảo luật Quảng cáo (sửa đổi).
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các quảng cáo trên mạng xã hội, để điều chỉnh các hoạt động này, Bộ TT-TT trước đây đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật trên mạng xã hội.
Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết: “Với thực tiễn càng ngày càng có nhiều cái mới, dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo”.
Thông tin thêm về nội dung sửa đổi, TS Nguyễn Quang Đồng cho hay, pháp luật quảng cáo tới đây dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp 9 diễn ra vào tháng 5 này, sẽ giải quyết được việc KOK (người có sức ảnh hưởng), KOC khi quảng cáo phải có những nghĩa vụ gì.
“Theo quy định dự thảo luật quảng cáo sửa đổi, tới đây, khi quảng cáo trên không gian mạng, KOK, KOC phải minh bạch với người xem, người tiêu dùng về mối quan hệ với nhãn hàng. KOC, KOL khi thực hiện livestream bán hàng đều phải tuyên bố động cơ quảng cáo. Nếu nhận tiền của các nhãn hãng, phải tuyên bố với người dùng. Cũng giống như trên báo chí hiện nay, các bài quảng cáo sẽ phải gắn nhãn mác dịch vụ quảng cáo”.
Từ những vụ việc “lùm xùm” liên quan đến quảng cáo, review sản phẩm vừa qua, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, với KOL, KOC, những người review sản phẩm nếu không muốn bị vi phạm pháp luật cần phải biết mình đang thực hiện hành vi gì.
Còn theo LS Nguyễn Hữu Toại, những vụ việc như so sánh bỉm trẻ em thiếu cơ sở khoa học hay quảng bá sản phẩm kém chất lượng đã phơi bày lỗ hổng trong quản lý và gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và thị trường.
Để giải quyết vấn đề trên, LS Toại kiến nghị, dự thảo luật Quảng cáo sửa đổi cần bổ sung các quy định cụ thể nhằm phân định rõ vai trò, trách nhiệm của “người quảng cáo” và “người review sản phẩm”, cũng như tăng cường quản lý các hoạt động này trên nền tảng số. “Dự thảo cần bổ sung quy định bắt buộc mọi video, bài viết, hoặc nội dung review sản phẩm trên nền tảng số phải công khai rõ ràng liệu có nhận tài trợ, thù lao, hay lợi ích từ doanh nghiệp hay không. Ví dụ: KOC phải ghi chú “Nội dung tài trợ” hoặc “Quảng cáo” ngay đầu video, kèm thông tin về đơn vị tài trợ”, ông Toại nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm của nền tảng số, ông Toại cho rằng, luật Quảng cáo sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội trong việc giám sát nội dung quảng cáo và review. Yêu cầu nền tảng kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải, đặc biệt với các video có từ khóa nhạy cảm như “so sánh”, “tốt hơn”, hoặc “kém chất lượng”.
Theo TikTok tại Việt Nam, nền tảng này đã phát triển bộ tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng cho tất cả người sáng tạo nội dung; đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ như bộ lọc (filer) để ngăn chặn các nội dung vi phạm. Khi phát hiện bất kỳ nhà bán hàng hoặc nhà sáng tạo nào vi phạm chính sách của nền tảng, TikTok sẽ thực hiện hành động như: tạm khóa các tính năng thương mại điện tử có sẵn hoặc hủy kích hoạt tài khoản người dùng. Sàn TikTok Shop cũng đã thực hiện các biện pháp đối với những người dùng vi phạm chính sách, như hạn chế hoặc bị cấm sau khi niêm yết; xóa tính năng thương mại điện tử của nhà sáng tạo; hủy tài tài khoản kích hoạt…
Ngoài ra, TikTok cũng trao quyền cho cộng đồng báo cáo bất kỳ nội dung nào mà họ cho là vi phạm chính sách của TikTok Shop.