Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM

bởi

trong

Tinh thần xung kích và không ngại dấn thân ấy của thanh niên dưới sự dẫn dắt của tổ chức Đoàn lại tiếp tục phát huy, đóng góp quan trọng trong 50 năm hình thành và phát triển TP.HCM.

Sau năm 1975, Đoàn thanh niên TP.HCM đã tiên phong trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết quê hương. Đến giai đoạn những năm sau 1986 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, một lần nữa, thanh niên thành phố lại trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM

Ông Phạm Chánh Trực, ông Nguyễn Hữu Châu, bà Đặng Hồng Linh (hàng thứ 2 lần lượt: thứ 7, thứ 8, thứ 10 từ trái sang) cùng các cựu cán bộ Đoàn, cựu thanh niên xung phong tiếp ngọn lửa nhiệt huyết cho đoàn viên, thanh niên ngày nay

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Đóng góp có ý nghĩa của Đoàn thanh niên từ sau giải phóng là làm chuyển biến một ý thức xã hội từ chế độ cũ đi vào con đường mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Phạm Chánh Trực

Với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thế hệ thanh niên giai đoạn này đã không ngại khó, không ngại thử thách, sẵn sàng dấn thân vào những lĩnh vực mới, bắt nhịp với cơ chế thị trường, công nghệ thông tin, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể thấy được những phong trào của Đoàn thanh niên như thanh niên lập nghiệp, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng các khu kinh tế mới, phát triển khoa học kỹ thuật… đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố trong thời kỳ đổi mới.

Mới đây, chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, UBND TP.HCM đã bình chọn và công bố 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM giai đoạn 1975 – 2025. 50 sự kiện, hoạt động nổi bật này như những đại diện xứng đáng, đóng vai trò then chốt cho quá trình phát triển của TP.HCM, trong đó có phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn thanh niên. Đây cũng là sự khẳng định cho những đóng góp quan trọng của Đoàn thanh niên trong 50 năm hình thành và phát triển TP.HCM.

TỪ ANH DŨNG NƠI CHIẾN TRƯỜNG ĐẾN TRỞ VỀ TIẾP QUẢN TP.HCM

Trong những ngày tháng 4 hào hùng của dân tộc, ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về văn hóa – xã hội (Ủy ban T.Ư MTTQ VN), nguyên Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM, Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Đoàn thanh niên các cơ quan T.Ư Cục miền Nam, Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên VN phía nam, với 15 năm dâng hiến tuổi thanh xuân ở chiến trường Bắc Tây Ninh để góp phần làm nên thắng lợi của mùa xuân năm ấy, đã kể về những đóng góp vô cùng quan trọng của Đoàn thanh niên lúc bấy giờ.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM - Ảnh 2.

Thanh niên dù ở thời kỳ nào cũng đặt Tổ quốc trong tim, sống, cống hiến hết mình cho nền hòa bình, độc lập và phát triển của đất nước

ẢNH: T.Đ

Năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả chiến khu lại xuống đường “tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù”. Một lần nữa, đoàn viên, thanh niên lại trở thành những người lính xung kích, đội quân tiên phong được giao những trọng trách mới, trọng trách tiếp quản, dựng xây và phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Châu

Ông Châu cho biết ngày 26.3.1965, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Cục miền Nam, tại chiến khu Bắc Tây Ninh đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng VN. Tại đại hội, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Cục, chỉ đạo phát động phong trào “5 xung phong” do đồng chí Trần Văn Mảnh làm Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam; đã hòa nhịp với phong trào “3 sẵn sàng” tại miền Bắc lúc bấy giờ. Cũng từ đại hội này, rất nhiều đoàn viên, thanh niên xung phong ra trận, gia nhập các sư đoàn chủ lực miền: 5, 7, 9. Chiến công đầu tiên ghi dấu ấn của tuổi trẻ các cơ quan T.Ư Cục là chiến thắng Đồng Xoài.

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 26.3.1966, Đoàn ủy Đoàn thanh niên các cơ quan Dân chính Đảng T.Ư Cục được thành lập. Ông Châu cho biết giữa rừng chiến khu với 24 cơ quan gồm có hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên làm việc hết mình với khẩu hiệu hành động “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, luôn đặt lợi ích Tổ quốc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Khi chiến đấu, họ thể hiện sự gan dạ, không sợ chết, đùm bọc lẫn nhau. Và trong 10.000 thanh niên ấy, sau chiến tranh, 2.000 chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường.

“Năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả chiến khu lại xuống đường “tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù”. Một lần nữa, đoàn viên, thanh niên lại trở thành những người lính xung kích, đội quân tiên phong được giao những trọng trách mới, trọng trách tiếp quản, dựng xây và phát triển”, ông Châu kể và cho biết sau giải phóng, lãnh đạo thành phố đã giao lá cờ Thanh niên xung phong cho ông Phạm Chánh Trực, lúc bấy giờ là Bí thư Thành đoàn. Và lực lượng thanh niên xung phong vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình sau hòa bình, đã tham gia trên các lĩnh vực để xây dựng và phát triển thành phố.

Ông Châu cũng khẳng định nếu không có sự đóng góp của thanh niên cũng không có được thành phố như ngày hôm nay. Từ trong chiến tranh đến thời bình dựng xây và phát triển đất nước, vai trò của thanh niên đều rất quan trọng.

CHUYỂN BIẾN Ý THỨC MỘT XÃ HỘI

Nhớ về thời khắc lịch sử cách đây 50 năm, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM, không thể quên được một khí thế tưng bừng phấn khởi ngập tràn thành phố. Người người đổ xuống đường, ai nấy đều vui mừng, vỡ òa hạnh phúc vì hòa bình lập lại, đất nước đã bình yên, sự sống không còn bị đe dọa. Ngay tại thời điểm đó, ông Trực cho biết thanh niên vui cùng niềm vui của đồng bào, của dân tộc nhưng cũng không quên nhiệm vụ xung kích của mình. Ông kể lúc bấy giờ chưa có cơ quan nào giữ trật tự ngoài đường nên thanh niên, học sinh đã xung phong chỉ dẫn giao thông; rồi làm vệ sinh, xóa bỏ những tàn tích của chế độ cũ… Tất cả đều do lực lượng thanh niên đảm trách.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM - Ảnh 3.

Phong trào thanh niên tình nguyện là một trong 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM giai đoạn 1975 – 2025

ẢNH: B.K

“Điều quan trọng là lúc bấy giờ phải xây dựng, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Mà đảng viên không đủ để làm nòng cốt trong chính quyền cơ sở, do đó Đoàn thanh niên trực tiếp cùng đứng ra tổ chức chính quyền cơ sở ở phường, xóm, ấp. Như thế đoàn viên là lực lượng nòng cốt trong các tổ chức tự vệ, giữ an ninh trật tự ở khu phố, xóm lao động…”, ông Phạm Chánh Trực nhớ lại.

Ông Trực kể khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, hàng trăm ngàn công chức, viên chức thất nghiệp. Khoảng 1 triệu quân của chế độ Sài Gòn thì tan rã tại khu vực thành phố là 400.000 quân, như vậy ở thành phố lúc bấy giờ thất nghiệp tràn lan, rồi những thành phần lính trốn, trốn lính hay vướng vào tệ nạn xã hội… Ngay lúc đó, Thành ủy chỉ đạo Thành đoàn tổ chức lực lượng thanh niên xung phong đi xây dựng thành phố, xây dựng đất nước, mà trước hết là để giải quyết nguy cơ đói và thất nghiệp.

“Ngay lập tức, ngày 28.3.1976, 10.000 thanh niên xung phong đã ra quân. Đây là một đóng góp nếu nói về số lượng thì không lớn nhưng về mặt ý nghĩa thì hết sức quan trọng”, ông Trực khẳng định.

Ông cho biết 10.000 thanh niên xung phong lúc bấy giờ là tập hợp rất đa dạng: học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, lính chế độ cũ, thanh niên trốn lính, lính trốn, thành phần vướng vào tệ nạn xã hội. Và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt để ra quân thanh niên xung phong.

“Đây là một tập hợp hòa hợp dân tộc đầu tiên ở thành phố sau giải phóng, là biểu tượng rất tiêu biểu cho nhân dân chúng ta. Dù xuất thân từ bất cứ thành phần nào, nhưng giờ đây đã cùng nhau đoàn kết đi lao động sản xuất để tự cứu mình và đóng góp cho xã hội”, ông Trực nói và cho biết điều này đã làm cho nhân dân rất phấn khởi. Vì những gia đình có con đi lính trở về cũng thất nghiệp; hay viên chức, công chức lúc bấy giờ cũng thất nghiệp; rồi những gia đình có con em lâm vào tệ nạn ma túy… họ rất khổ tâm. Nên khi Đoàn thanh niên đến vận động mời tham gia lực lượng thanh niên xung phong, gia đình nào cũng rất phấn khởi, sẵn sàng đưa con em họ đi theo, kể cả lên rừng xuống biển để làm kinh tế, xây dựng đất nước.

Vì đa dạng thành phần tham gia nên ông Trực cho biết lực lượng thanh niên xung phong lúc bấy giờ có Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới để cai nghiện ma túy, chữa bệnh, dạy văn hóa, huấn luyện chính trị, rèn luyện sức khỏe…; sau đó mới đưa ra để tham gia lao động trong các Tổng đội Thanh niên xung phong.

“Ý nghĩa quan trọng của lực lượng thanh niên xung phong là tập hợp, hòa hợp dân tộc; chỉ ra con đường cho thanh niên là phải lao động sản xuất, tự lực tự cường. Bởi vì thành phố trước đây (trước năm 1975 – PV) ăn bám viện trợ của Mỹ và là thành phố phục vụ chiến tranh. Bây giờ phải chuyển ý thức, không chỉ trong lực lượng thanh niên mà ý thức của xã hội cũng phải được chuyển đổi để đi vào lao động sản xuất, tự lực tự cường, xây dựng đất nước. Chính vì thế, ý nghĩa của việc ra quân thanh niên xung phong rất quan trọng và Đoàn thanh niên có nhiệm vụ được Thành ủy chỉ đạo tổ chức lực lượng thanh niên, vận động thanh niên, phát động phong trào và tổ chức phong trào thanh niên đi vào con đường mới là lao động sản xuất”, ông Trực khẳng định và đặc biệt nhấn mạnh: “Đóng góp có ý nghĩa của Đoàn thanh niên từ sau giải phóng là làm chuyển biến một ý thức xã hội từ chế độ cũ đi vào con đường mới dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

ĐÓNG GÓP LỚN CHO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

Từng là thủ lĩnh Đoàn thanh niên từ thành phố đến T.Ư, ông Phạm Chánh Trực cho biết Đoàn thanh niên được giao nhiệm vụ là cánh tay và đội hậu bị tin cậy của Đảng, đồng thời là lực lượng xung kích cách mạng, nghĩa là đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt để vận động, tổ chức, tập hợp thanh niên xung kích trên tất cả mọi lĩnh vực và các mặt hoạt động.

Theo ông Trực, trong kháng chiến, lực lượng thanh niên xung kích cách mạng ở cả 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đô thị. Không chỉ là lực lượng xung kích cách mạng của quần chúng nhân dân mà ở ngay trong lực lượng vũ trang, bộ đội, công an thì Đoàn thanh niên vẫn là lực lượng xung kích.

“Vai trò đó tiếp tục phát huy khi đất nước chuyển sang giai đoạn đổi mới, thanh niên vẫn tiếp tục xung kích. Các phong trào tình nguyện xã hội, thi đua về trước kế hoạch ở trong thanh niên công nhân, luyện tay nghề thi thợ giỏi và bàn tay vàng… Nhiều thanh niên được tôn vinh là bàn tay vàng vì thành tích lao động rất giỏi trong các nhà máy. Rồi phong trào “Về trước kế hoạch”, có khi đặt mục tiêu về trước kế hoạch chỉ một ngày, nhưng ý nghĩa là sự phấn đấu nghị lực vượt qua khó khăn của thanh niên và từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển rất hiệu quả”, ông Trực kể.

Đồng thời, ông khẳng định vai trò của Đoàn thanh niên và thanh niên lúc bấy giờ rất nổi bật, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng xung phong đi đầu.

Chẳng hạn như phong trào văn nghệ, ông Trực cho biết lúc bấy giờ khắp thành phố có những tụ điểm ca nhạc do nhân dân tự đứng ra tổ chức để động viên phấn khởi trong khu phố, trong xóm lao động; tiếp thêm tinh thần, sinh lực để tiếp tục lao động, sản xuất. Tại những tụ điểm ca nhạc này phần lớn cũng thanh niên, nhạc sĩ trẻ đảm trách. Tiếng ca, tiếng hát khắp phố phường từ những ngày đầu giải phóng và mãi về sau. Từ đó thành phố trở thành không gian văn hóa rất sinh động.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM - Ảnh 4.

Trong bất cứ lĩnh vực nào thanh niên cũng xung phong đi đầu

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Bà Đặng Hồng Linh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Thanh niên công nhân Thành đoàn TP.HCM, Phó ban kiêm Tổng thư ký Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên VN phía nam, cho biết công tác thanh niên sau giải phóng chỉ có 2 mục tiêu là đột phá vào những phần việc khó, nhận lãnh những phần việc cấp bách để phát huy vai trò xung kích của thanh niên.

Theo bà Linh, khi đột phá vào những phần việc khó, làm những phần việc cấp bách thành các công trình, giải pháp mang tên thanh niên, sau đó sẽ phát hiện ra những nhân tố tích cực, nhân tố mới, đào tạo thêm nguồn cán bộ chuyên môn, quản lý giỏi cho từng cơ quan đơn vị.

Kể về những đóng góp của Đoàn thanh niên từ chính vị trí mà mình đảm trách lúc bấy giờ, bà Linh cho biết thời đầu ở mảng thương nghiệp, bà đã khởi xướng làm công trình thanh niên, thay vì chỉ là tem phiếu ra cửa hàng mậu dịch, thì lúc đó chủ động hơn, tổ chức chuyến xe để thanh niên xuống từng khu phố, đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm đến tận tay người dân; sau này phát triển thành hợp tác xã mua bán từ tiền đề này. Rồi rất nhiều hội thi tay nghề trẻ giỏi được Đoàn thanh niên tổ chức, trong đó bà Linh từng tổ chức hội thi tay nghề điều dưỡng viên trẻ giỏi, tay nghề lái xe, tay nghề ngành xây dựng, tay nghề ngành may…

“Qua các hội thi này đã thấy được sự yêu nghề của thanh niên, cũng như các bạn sẽ tìm tòi các giải pháp giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển được; đồng thời phát hiện được đội ngũ chuyên môn và cán bộ quản lý giỏi”, bà Linh chia sẻ và khẳng định: “Chính thanh niên và tổ chức Đoàn phát hiện ra phần việc khó, phần việc cấp bách và trở thành phần việc mới, công việc của thanh niên để hỗ trợ cho chính quyền, thúc đẩy công tác chuyên môn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh được khởi sắc, phát triển”.

ĐẶT NIỀM TIN VÀO THẾ HỆ TRẺ

Là thế hệ đã dành cả thanh xuân để góp phần giành lấy hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; sau khi kết thúc chiến tranh, cũng những chàng trai, cô gái, những cán bộ Đoàn ngày ấy lại chung tay, góp sức, tài trí, nhiệt huyết cùng khát vọng xây dựng, phát triển thành phố, đất nước giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc. Họ luôn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Dù ở giai đoạn nào, Đoàn thanh niên và thanh niên vẫn luôn là lực lượng tiên phong và xung kích trên mọi lĩnh vực.

Ông Nguyễn Hữu Châu khẳng định: “Thế hệ của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh tuổi trẻ theo ước muốn của Bác Hồ là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bây giờ bước vào kỷ nguyên vươn mình, chúng tôi có niềm tin với truyền thống của Đảng, của Đoàn thanh niên, thanh niên hôm nay với sức trẻ và trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc”.

Đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay, ông Phạm Chánh Trực cho rằng thanh niên bây giờ rất giỏi, nhiều kiến thức và tiếp cận được khoa học công nghệ trên thế giới. “Khoa học công nghệ là động lực để phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện. Cho nên thanh niên VN tiếp cận, nắm lấy được khoa học công nghệ, kể cả những công nghệ rất mới hiện nay, hay kinh tế số, kinh tế tri thức… thì thanh niên đều có khả năng tiếp cận và là lực lượng trực tiếp thực hiện. Do đó, tôi tin rằng trong tương lai thanh niên vẫn tiếp tục phát huy vai trò xung kích của mình trong xây dựng và phát triển đất nước”, ông Trực nhấn mạnh.