Doanh nghiệp Đà Nẵng khó tuyển lao động vì tỉnh lân cận cũng phát triển khu công nghiệp

Doanh nghiệp Đà Nẵng khó tuyển lao động vì tỉnh lân cận cũng phát triển khu công nghiệp

bởi

trong

Ngày 23.5, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp giá trị, trong đó có thực tế và cơ chế tuyển dụng lao động…

Kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, phiên đối thoại đã ghi nhận nhiều nội dung được doanh nghiệp quan tâm như: vấn đề đất đai, thủ tục đầu tư, chính sách công nghệ, lĩnh vực môi trường, nguồn nhân lực, các giải pháp cải cách hành chính…

Trong đó, câu chuyện được ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) chia sẻ là một thực trạng đáng lo ngại. Hiện nay, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam có khoảng 3.500 công nhân, nhưng vẫn rơi vào tình trạng “thiếu người trầm trọng” dù đã phối hợp với 3 đơn vị khác tuyển dụng bên ngoài. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự dịch chuyển lao động về các địa phương lân cận.

Doanh nghiệp Đà Nẵng khó tuyển lao động vì tỉnh lân cận cũng phát triển khu công nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, “hiến kế” tuyển lao động phổ thông

ẢNH: HOÀNG SƠN

Trước đây, 50% lao động tại công ty đến từ Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi nhưng hiện nay do các tỉnh này cũng phát triển khu công nghiệp riêng nên người lao động không còn lý do gì để rời quê lên Đà Nẵng nữa. Điều này làm giảm mạnh lực lượng lao động phổ thông vốn đang khan hiếm. Trong khi đó, lao động tay nghề cao thì lại dễ tuyển hơn vì số lượng ít.

Công ty TNHH Daiwa Việt Nam từng chia sẻ với các trường đại học về mô hình sinh viên vừa học vừa làm, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Sinh viên được tiếp cận thực tế, còn doanh nghiệp có thêm nhân lực. Tuy nhiên, khi triển khai mô hình, các thầy cô phản ánh rằng rất khó thực hiện do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng cho việc cho phép sinh viên đi làm trong thời gian học, khiến mô hình bị vướng mắc.

Công ty của ông Phu cũng từng có chương trình thực tập logistics kéo dài 3 tháng có trả lương, trong đó sinh viên ngoài thực hành chuyên môn còn tham gia kiểm tra lỗi hàng hóa, chuyển linh kiện như một công nhân thực thụ.

 - Ảnh 2.

Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cần khoảng 320.000 lao động

ẢNH: HOÀNG SƠN

Mặc dù vậy, trong khi các trường tư có thể linh hoạt khi phối hợp triển khai chương trình này, thì vẫn có “rào cản” về mặt cơ chế đối với các trường công lập.

Đại diện DSEZA ủng hộ mô hình kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, kiến tập có hưởng lương trong thời gian nghỉ hè. Đây được xem là giải pháp thiết thực, mang lại lợi ích cho cả sinh viên khi có thêm thu nhập và kinh nghiệm thực tế và doanh nghiệp khi tiếp cận được nguồn nhân lực tiềm năng. DSEZA sẽ sớm phối hợp với các phòng, ban liên quan và các trường đại học để xây dựng cơ chế phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa đón sinh viên thực tập; đồng thời, tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp để đề xuất các chính sách thuận lợi hơn.

 - Ảnh 3.

Đại diện DSEZA lắng nghe, phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp

ẢNH: HOÀNG SƠN

“Cởi trói những cơ chế, chính sách”

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban quản lý DSAZE, nhấn mạnh hội nghị lần này không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến mà còn là dịp quan trọng để Ban quản lý tự đánh giá lại phương thức điều hành, cải thiện năng lực phục vụ và khơi thông nguồn lực đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tỵ, Phó trưởng ban DSEZA, khẳng định sau buổi đối thoại, DSEZA sẽ có văn bản gửi đến các các trường đại học công lập của TP.Đà Nẵng và các trường lân cận để trao đổi việc “cởi trói những cơ chế, chính sách” nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động sinh viên cũng như sinh việc có điều kiện được thực tập, có việc làm và có thêm thu nhập.