Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, một số mỹ phẩm trong danh sách thu hồi số công bố vẫn còn bán trên các trang mạng xã hội.
Tại An Giang, Sở Y tế tỉnh này vừa quyết định thu hồi hơn 300 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất xuất nhập khẩu mỹ phẩm Winlab Ba Xuyên (TP.Long Xuyên) sản xuất với lý do “doanh nghiệp tự nguyện đề nghị thu hồi”.

Sữa rửa mặt X10 vẫn đang được rao bán khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật – giả
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Theo đó, đa số sản phẩm là kem dưỡng, mặt nạ, kem chống nắng, sữa rửa mặt thuộc nhãn hàng Labocos, Lab Derma, Ilakia, Meliá, O’rea Derma… Trước thời điểm bị thu hồi, các sản phẩm này được nhiều doanh nghiệp phân phối rộng rãi trên thị trường.
Đáng chú ý, trong danh sách các sản phẩm bị thu hồi phiếu công bố, có tinh chất Hyaluronic Acid Ampoule của nhãn hàng Ilakia, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bonjour La Victoire chịu trách nhiệm phân phối.
Sản phẩm này còn được một diễn viên nổi tiếng quảng cáo rầm rộ là “mỹ phẩm Hàn Quốc”, dù thực chất được sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, dòng thương hiệu O’rea Derma do Công ty SJB phân phối cũng nằm trong danh sách bị thu hồi. Trên thị trường, sản phẩm này trước đó cũng được giới thiệu là “mỹ phẩm Hàn Quốc” để thu hút người tiêu dùng.
Tại Bắc Ninh, sở y tế tỉnh này cũng nhận được đề nghị từ chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn dược phẩm Bimex (P. Đình Bảng, TP.Từ Sơn) về việc thu hồi gần 40 phiếu công bố sản phẩm. Danh mục sản phẩm bao gồm: mỹ phẩm chăm sóc da, dầu gội, dầu xoa bóp, tinh dầu xông, dung dịch vệ sinh phụ nữ…
Trong số này có sữa rửa mặt X10 vẫn đang được rao bán với những lời quảng cáo “sạch sâu, sáng da, ngăn mụn” khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật – giả.
Trong danh sách bị thu hồi còn có dung dịch vệ sinh phụ nữ bác sĩ Ch. từng được quảng cáo rầm rộ trên các trang bán hàng với slogan “Bác sĩ Ch. khuyên dùng” nhằm tạo niềm tin cho người tin dùng.
Tương tự, tại Cần Thơ, Sở Y tế địa phương đã thu hồi một số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là dung dịch vệ sinh Audela do Công ty cổ phần dược phẩm Phương Nam (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) sản xuất.
Trong khi đó, Sở Y tế Thanh Hóa cũng vừa thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và 1 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã cấp cho Công ty cổ phần dược – vật tư y tế Thanh Hóa (P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa).
Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thanh Phát (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng tự nguyện gửi đơn đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và 1 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là nước muối sinh lý.
Tại Thái Bình, sở y tế cũng vừa thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
Tại Nam Định, sở y tế vừa thu hồi 4 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà (P.Vị Xuyên, TP.Nam Định) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm bị thu hồi là dung dịch vệ sinh phụ nữ, dầu trị cảm…

Dù bị thu hồi, nhưng dầu ngải diệp dược Nam Hà vẫn được rao bán nhan nhản trên các trang bán hàng
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Trong đó, dầu ngải diệp dược Nam Hà bị thu hồi lại từng được thổi phồng công dụng khi đánh bay cảm lạnh, giúp giảm đau nhức xương khớp, cải thiện giấc ngủ…
Đáng chú ý, tại Hà Nội, Sở y tế đã ra quyết định thu hồi 73 sản phẩm mỹ phẩm liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác nhau như: Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ mỹ phẩm 3DH Korean, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại mỹ phẩm Magical (TP.Hải Phòng); Công ty trách nhiệm hữu hạn dược mỹ phẩm sinh học Qcone Group (H.Đông Anh, TP.Hà Nội)…
Không chỉ ở các tỉnh miền Bắc, tại miền nam, Sở Y tế Bình Dương cũng thu hồi 14 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn mỹ phẩm Trường Phúc (TP.Thuận An).
Các sản phẩm này thuộc hai dòng Beauty Plus và Lavency Plus, chuyên dùng trong chăm sóc, phục hồi tóc.
Điểm chung là hàng loạt sản phẩm dù đã bị thu hồi phiếu công bố vẫn được bày bán công khai, kèm theo nhiều chiêu trò quảng cáo đánh vào niềm tin của người tiêu dùng như: “mỹ phẩm Hàn Quốc”, “100% chất lượng”, “được bác sĩ khuyên dùng”…
Theo quy định hiện hành, phiếu công bố mỹ phẩm là điều kiện bắt buộc để sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam. Khi phiếu này bị thu hồi, dù tự nguyện thì sản phẩm vẫn không còn được phép phân phối hợp pháp.
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng nên cần cảnh giác cao với các sản phẩm được quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Việc kiểm tra tình trạng pháp lý của sản phẩm tại cổng thông tin Cục Quản lý dược (dav.gov.vn) hoặc liên hệ với sở y tế địa phương là cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính mình.